Cường quốc toàn cầu thực sự?

GD&TĐ - Cựu sĩ quan Mikael Valtersson cho biết những thay đổi mới nhất trong học thuyết hạt nhân của Nga có thể được thực hiện vì hai lý do chính.

Nga nạp tên lửa ICBM RS-24 vào giếng phóng.
Nga nạp tên lửa ICBM RS-24 vào giếng phóng.

Nguy cơ tham gia xung đột mới

Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời cựu sĩ quan quân đội Thụy Điển Mikael Valtersson cho biết: "Một là làm rõ hơn nữa rằng ngay cả các cuộc tấn công từ Ukraine bằng vũ khí thông thường với sự hỗ trợ tích cực của các cường quốc phương Tây cũng sẽ được coi là một cuộc tấn công kết hợp vào Nga.

Điều này sẽ tạo cho Nga cơ hội để tuyên bố Casus belli (sự biện minh, lý do cho một cuộc chiến tranh), và hành động quân sự phòng thủ hợp pháp theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc".

Học giả Valtersson lập luận rằng động thái này về cơ bản là nỗ lực của Nga nhằm "tăng cường răn đe đối với phương Tây và giảm nguy cơ leo thang căng thẳng của phương Tây ở Ukraine".

"Lý do thứ hai và rất thú vị là việc đưa các đồng minh vào hoạt động răn đe hạt nhân. Điều này phải được xem xét dưới góc độ phê chuẩn gần đây của thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới với CHDCND Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) bao gồm một đoạn tương tự như điều 5 của NATO.

Điều này quy định hỗ trợ quân sự lẫn nhau để bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị các nước khác tấn công hoặc xâm lược".

Valtersson cho biết thêm: "Với những thay đổi trong chiến lược hạt nhân của mình, Nga cho rằng hành động gây hấn với các đồng minh của mình sẽ được coi là hành động gây hấn với Nga và có thể bao gồm cả phản ứng hạt nhân.

Học thuyết hạt nhân của Nga hiện phản ánh thực tế rằng Nga lại có đồng minh chính thức".

Do hành động của Nga khiến NATO không còn là khối quân sự duy nhất trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh mà các thành viên "được bảo vệ trong một chiếc ô hạt nhân chung", Valtersson cho rằng diễn biến này có cả ưu và nhược điểm đối với Moscow.

"Điều này khiến Nga trở thành đồng minh hấp dẫn hơn, nhưng cũng đặt Nga vào tình thế bấp bênh hơn, vì giờ đây họ phải thực hiện những nghĩa vụ mạnh mẽ hơn.

Việc không thực hiện những nghĩa vụ này sẽ dẫn đến mất lòng tin rất lớn vào thiện chí hỗ trợ các đồng minh của Nga, và Điện Kremlin tất nhiên biết điều này.

Điều đó có nghĩa là quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân này phải được coi là thiện chí thực sự của Nga trong việc mở rộng khả năng răn đe hạt nhân của mình sang các đồng minh khác", ông giải thích thêm.

Học giả Valtersson cũng nhận xét rằng sẽ rất thú vị khi xem những thỏa thuận quốc phòng mới mà Nga có thể ký kết với các quốc gia như Iran, Syria, Cuba, Venezuela, Algeria "và vô số các quốc gia cận Sahara", điều này có thể "làm tăng đáng kể an ninh của các quốc gia này và vị thế của Nga trên thế giới" và "làm tăng nguy cơ Nga tham gia vào các cuộc xung đột mới".

"Tóm lại, đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy Nga hiện sẵn sàng đảm nhận các nghĩa vụ cần thiết để trở thành một cường quốc toàn cầu thực sự", ông kết luận.

Thay đổi

Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới của Nga, tuyên bố những thay đổi mà ông lần đầu công bố vào tháng 9. Những thay đổi này là gì?

Phiên bản trước đã chỉ ra bốn tình huống mà người đứng đầu nhà nước Nga có thể quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân:

Một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào Nga; một cuộc tấn công vào đất nước bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt; một cuộc tấn công vào nhà nước hoặc cơ sở quân sự của Nga; và một cuộc xâm lược chống lại Nga bằng cách sử dụng vũ khí thông thường khi "sự tồn tại của nhà nước đang bị đe dọa".

Theo học thuyết hiện hành, ngoài các điều khoản đã nêu ở trên, Nga cũng có thể nhấn nút đỏ nếu:

Có một cuộc tấn công sử dụng vũ khí thông thường chống lại Nga và (hoặc) Belarus với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên bang, gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và (hoặc) toàn vẹn lãnh thổ".

Có "thông tin đáng tin cậy về vụ phóng hàng loạt phương tiện tấn công hàng không vũ trụ" (máy bay chiến đấu chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, cũng như hệ thống siêu thanh và các hệ thống khác) và việc chúng vượt qua biên giới quốc gia của Nga.

Không giống như phiên bản năm 2020, học thuyết mới quy định riêng rằng Nga được phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công chung bởi "bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào", được hỗ trợ bởi một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, học thuyết sửa đổi còn liệt kê thêm nhiều mối đe dọa cần phải đối phó thông qua răn đe hạt nhân, trong đó có việc phát triển các hệ thống chống tên lửa đạn đạo, triển khai các hệ thống vũ khí thông thường có thể tấn công lãnh thổ Nga và các âm mưu phá hoại tiềm tàng nhằm gây ra thảm họa môi trường trên quy mô lớn.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng những thay đổi đối với học thuyết được thực hiện nhằm mục đích điều chỉnh "tầm nhìn của chúng ta về việc sử dụng vũ khí hạt nhân cho phù hợp với thực tế của thế giới hiện đại".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ