Người học chọn học nghề giáo không phải “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” như quan niệm trước đây.
Điểm chuẩn ngành Sư phạm lên ngôi
Mùa tuyển sinh 2024 chứng kiến sự vượt trội mức điểm chuẩn trúng tuyển ở nhóm ngành Sư phạm tại nhiều trường đại học. Nhiều ngành học có điểm chuẩn trên 29 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn cao nhất với 29,3 điểm. Bình quân, thí sinh cần đạt 9,76 điểm/môn mới trúng tuyển 2 ngành này. Xếp sau đó là ngành Sư phạm Địa lý với điểm chuẩn 29,03 điểm. Ở phía Nam, các ngành Sư phạm đều có mức điểm cao ở các trường đại học.
Chẳng hạn, tại Trường Đại học Cần Thơ, ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất trường năm nay với 28,43 điểm. Các ngành có mức trên 27 điểm gồm: Sư phạm Địa lý 27,9; Sư phạm Ngữ văn 27,83; Giáo dục công dân 27,31.
Điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên của Trường Đại học Sài Gòn dao động từ 21,59 đến 28,25; trong đó ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất là 28,25. Tiếp đến là ngành Sư phạm Ngữ văn 28,11; ngành Sư phạm Toán học 27,75.
Với Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử - cùng 28,6 điểm. Công bố điểm chuẩn của trường này cho thấy, hầu hết các ngành đều tăng, trong đó có ngành tăng hơn 5 điểm so với năm 2023. Mặc dù là năm đầu tiên tuyển sinh, tuy nhiên, ngành Sư phạm Ngữ văn cũng là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất tại Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm tại Long An với 27,3 điểm; chỉ chênh lệch khoảng 1,3 điểm so với cơ sở chính.
Nói rõ hơn về sức hút các ngành Sư phạm, ThS Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 2.400 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây cũng là ngành học Sư phạm mới trong hệ thống các ngành đào tạo bậc đại học. Sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý có nhiều cơ hội việc làm tại các cơ sở giáo dục khi Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình GDPT 2018.
Trước đây, từng có giai đoạn, ngành Sư phạm chịu “định kiến” là ngành “chót bảng”, thí sinh trượt hết ngành học khác mới lựa chọn. Nhưng trong những năm gần đây, có thể thấy điểm chuẩn sư phạm tăng mạnh, số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao, chứng tỏ sức hút ngành này chưa bao giờ giảm.
Nguyễn Ngọc Bảo Anh (lớp 12 ở TP Biên Hòa, Đồng Nai) dự kiến đăng ký xét tuyển ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Bảo Anh sẽ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức, đồng thời sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Ngoài Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nữ sinh dự kiến xét tuyển vào Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Đồng Nai ở ngành Sư phạm Tiếng Anh. Bảo Anh cho hay, gia đình không có truyền thống theo ngành Sư phạm, song cha mẹ rất thích em theo nghề giáo. “Ba mẹ tôn trọng quyết định chọn nghề của em. Bản thân sau khi được định hướng cũng thích ngành này, dù em biết điểm chuẩn đầu vào rất cao”, Bảo Anh cho biết.
Nữ sinh chia sẻ, em được nghe về lương nghề giáo khá thấp khi mới ra trường, công việc lại vất vả. Tuy nhiên, càng lớn, gặp gỡ nhiều người, Bảo Anh lại thấy bản thân rất hợp làm nghề giáo. Nữ sinh thích truyền đạt, có khả năng diễn giải cho người khác hiểu vấn đề, lại ham mê nghiên cứu, mày mò, tự học. “Em nghĩ nghề nào cũng cao quý nếu mình làm tốt công việc và mang lại lợi ích cho xã hội. Với em, nghề giáo là nghề “hot” hiện nay”, Bảo Anh nói.
Chưa bao giờ lỗi thời
Từng học ngành Sư phạm hơn 50 năm trước, nhà báo, luật sư Lê Bân - giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có góc nhìn toàn cảnh, trải dài theo thời gian về những thăng trầm của ngành này.
Nhà báo, luật sư Lê Bân từng học Trường Đại học Sư phạm thuộc Viện Đại học Huế từ năm 1970 - 1974. Ông ra trường giảng dạy được nửa năm, ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất.
Ông kể, thời đó, ở miền Nam tốt nghiệp Đại học Sư phạm hệ đào tạo 4 năm, ra trường được gọi chức danh giáo sư trung học đệ nhị cấp. Cũng như những trường đào tạo các chức danh bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, muốn vào học đại học sư phạm, sau khi tốt nghiệp Tú tài II (trung học) đã khó, phải trải qua một kỳ thi tuyển hết sức gắt gao, trúng thi viết còn phải vào thi vấn đáp.
Có thể hình dung, việc học Sư phạm ngày đó giống như đào tạo cán bộ, công chức theo nhu cầu của Nhà nước thời nay. Vào học thì được cấp học bổng đủ để chi phí cho việc ăn học suốt 4 năm.
“Ở miền Nam, thời ấy chỉ có hai trường đại học sư phạm là Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm Huế. Ra trường được tự do lựa chọn nhiệm sở theo bảng nhu cầu giáo sư ở từng trường. Thứ tự ưu tiên lựa chọn dựa theo kết quả thi tốt nghiệp. Ai đỗ cao chọn trước, rồi đến người kế tiếp…”, ông Lê Bân kể và cho hay: Thời trước, sinh viên ngành Sư phạm là “gạo trên sàng”. Học được ưu đãi, học bổng, ra trường có thu nhập khá cao, trọng vọng.
“Tôi còn nhớ, cộng thêm tiền mấy giờ dạy phụ trội, tiền lương tôi nhận được tháng đầu tiên trong đời đi dạy lúc ấy là hơn 36.000 đồng, mua được chiếc xe Honda nhập khẩu từ Nhật Bản. Điều đó cho thấy với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, ngành Sư phạm chưa bao giờ lỗi thời”, ông nói.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh lý giải thêm, trước đây, có câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, phản ánh thực tế nhiều người vào ngành Giáo dục chỉ khi không còn lựa chọn khác. Điều này dẫn tới tình trạng các trường đại học sư phạm hay trường có khoa sư phạm trong công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, chất lượng đầu vào không đáp ứng kỳ vọng.
“Trong khi đó, yêu cầu đầu ra của ngành Sư phạm là một người thầy. Đứng trong ngành Giáo dục, tôi thấy vai trò của người thầy rất quan trọng. Một giáo viên tốt không chỉ có kiến thức mà còn biết truyền đạt hiệu quả. Chương trình học dù tốt đến đâu cũng không thể thành công nếu giáo viên không có khả năng truyền cảm hứng cho học sinh”, ông Ngai khẳng định tầm quan trọng của nhà giáo và nghề giáo.
Nâng cao đời sống cho nhà giáo
Đã xa rồi thời người ta truyền nhau câu “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa” để nói đến sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ. Có nhiều nguyên nhân khiến điểm chuẩn đầu vào của ngành Sư phạm mấy năm qua cao. Trong đó có cả thay đổi về chính sách, ngân sách cho ngành Giáo dục.
Theo Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai, thực tế cho thấy nhiều giáo viên, dù đã qua đào tạo, vẫn không thể tạo ra sự hứng thú cho học sinh. Có những người thầy, học trò mong tới giờ dạy để được học bởi cảm thấy thích thú. Nhưng có thầy cô dạy, học trò lại không cảm thấy hứng thú trong việc học. Mặc dù các thầy cô đều được đào tạo trong ngành Sư phạm. Sự khác biệt này đến từ phong cách giảng dạy, cách truyền đạt, sự chuẩn bị của mỗi người, từ đó mang đến kết quả khác nhau. Chương trình có tốt, sách giáo khoa có hay đi nữa nhưng người truyền tải không đầy đủ thì kết quả về giáo dục cũng bị ảnh hưởng.
Trước đây, lương giáo viên không đủ sống khiến nhiều người phải tìm kiếm thêm thu nhập từ công việc khác, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. “Ngành Giáo dục cần những giáo viên tâm huyết, có khả năng hiểu rõ từng học sinh để áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp. Đây là lao động đặc thù, đòi hỏi thời gian và công sức nghiên cứu, soạn giảng.
Việc hiểu rõ năng lực và hoàn cảnh của học sinh rất quan trọng để truyền tải kiến thức một cách hiệu quả. Ngoài giảng dạy, giáo viên còn tham gia vào nhiều hoạt động khác như tổ chức tham quan, chấm bài và phối hợp với phụ huynh học sinh. Nếu giáo viên không đủ thời gian đầu tư cho việc soạn giảng do áp lực tài chính, chất lượng giảng dạy sẽ bị ảnh hưởng”, ông Ngai nói.
Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai đồng thời đánh giá, thời gian qua, Đảng và Nhà nước có những bước đi tích cực để cải thiện đời sống giáo viên. Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 91-KL/TW năm 2024 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có định hướng “phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp”.
Ông Ngai cho rằng, nếu các chính sách này được thực hiện hiệu quả, đặc biệt có chế độ tăng lương, thêm phụ cấp, nâng cao chế độ đãi ngộ để đội ngũ có thể tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy thì chất lượng đầu vào của ngành Sư phạm sẽ được nâng cao. Để đạt được điều này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và sự nỗ lực từ phía nhà giáo.
“Hơn ai hết, Bộ GD&ĐT cần tuyên truyền sâu rộng để mọi người thấy được công việc của nhà giáo là lao động đặc thù. Từ đó, các ngành khác mới ủng hộ trong việc làm chế độ chính sách theo chủ trương của Nhà nước.
Nhà giáo cũng phải có sự nỗ lực trong công việc để làm tròn nhiệm vụ của người thầy khi ở trường. Nếu có những điều chưa đạt yêu cầu, khi các cấp lưu ý nhắc nhở thì người giáo viên đó phải phấn đấu khắc phục. Trong trường hợp vi phạm hoặc sau một đôi lần nhắc nhở mà không có dấu hiệu sửa thì phải có chế độ sàng lọc”, ông Ngai nhấn mạnh.
“Chất lượng giáo dục không chỉ phụ thuộc vào chương trình học mà còn là tâm huyết và trách nhiệm của người thầy. Để thu hút được nhân tài vào ngành Giáo dục, cần có sự hiểu biết rõ ràng về đặc thù nghề giáo, tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Sự đầu tư vào giáo dục sẽ không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần xây dựng một thế hệ học sinh có kiến thức và nhân cách vững vàng”. - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh