Được mô tả là "đất nước bí ẩn", Triều Tiên là một trong những xã hội khép kín và cô lập nhất thế giới. Nước này có 24 triệu dân dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, 32 tuổi.
Triều Tiên ban hành rất nhiều luật nghiêm ngặt, đặc biệt là với việc sử dụng các thiết bị điện tử. Người dân không được phép sử dụng các thiết bị như đầu DVD, còn điện thoại di động là rất hạn chế, đặc biệt việc truy cập Internet không hề dễ dàng, thậm chí với cả người nước ngoài tại đây.
Theo Newfocusintl, cách đây ít tháng, Triều Tiên thậm chí còn cấm người dân sở hữu điện thoại Trung Quốc. Ai trái lệnh sẽ bị quy vào tội phản quốc. Sở dĩ có việc cấm này là bởi các khu vực giáp ranh với Trung Quốc có tình trạng người dân Triều Tiên mua điện thoại từ bên kia bên giới tuồn sang.
Những chiếc điện thoại này thậm chí còn dùng sóng di động roaming của Trung Quốc và vào được mạng Internet mà phía Triều Tiên không thể kiểm soát được.
Theo trang NK Daily của Hàn Quốc, các đặc vụ Triều Tiên đang ra sức nghe lén các cuộc điện thoại di động được thực hiện tại khu vực biên giới Trung Quốc 24/24h bằng các thiết bị nghe lén, xe tải quân sự và xe máy. Triều Tiên từng ban hành lệnh cấm tương tự hồi 1/2014 nhằm xóa bỏ triệt để việc sử dụng điện thoại di động Trung Quốc.
Đầu DVD, phương tiền truyền bá văn hóa từ bên ngoài vào Triều Tiên.
Triều Tiên hiện đang có khoảng 2,5 triệu người dùng di động đăng ký, cứ khoảng 10 người dân thì lại có một người dùng mobile. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn bởi tình trạng buôn lâu thiết bị diễn ra khá thường xuyên, chủ yếu tới từ Trung Quốc.
Với những người dùng đăng ký, họ cũng chịu sự kiểm soát chặt chẽ. An ninh Bắc Triều Tiên sẽ điều tra xem thu nhập của họ thế nào, có đủ tiền mua và sử dụng điện thoại hay không, hoặc gia đình có người thân, họ hàng bên Hàn Quốc hay không.
Tại Triều Tiên, việc xem phim ảnh và các nội dung từ "kẻ thù truyền kiếp" Hàn Quốc là tội trạng nặng, có thể bị tử hình hoặc chịu tù khổ sai. Năm 2013, báo chí Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã tử hình 80 người xem phim Hàn.
Theo Business Insider, điều này không ngăn được một số người dân giáp biên mua đầu DVD hoặc điện thoại từ chợ đen. Đa phần các đầu DVD đều đọc được thẻ USB hoặc các thiết bị ổ cứng cắm ngoài.
Theo đó, các tổ chức bên ngoài tuyên truyền thông tin thông qua các thẻ USB nhỏ gọn, dễ giấu và dễ vận chuyển. Dự kiến sẽ có hơn 10.000 thẻ USB chứa sẵn nội dung được tuồn vào Triều Tiên tới cuối năm nay.
Phía Hàn Quốc, thay vì truyền tài những nội dung mang tính công kích, sẽ cố gắng "làm mềm" thông điệp bằng những nội dung kiểu như người Hàn Quốc cũng bình thường như bao người khác, đời sống vật chất tại Hàn Quốc rất tốt…
Dùng khinh khí cầu đưa USB vào Triều Tiên.
Ngoài ra, thẻ USB còn có sẵn các vở opera Hàn Quốc, các bài viết trên Wikipedia, phim Bollywood (Ấn Độ) và Hollywood (Mỹ). Một số USB còn có ảnh chụp các sân bay đông đúc của Hàn Quốc.
Khi đã tải xong các nội dung và đủ số lượng cần thiết, USB sẽ được cho lên khinh khí cầu bay vào lãnh thổ Triều Tiên. Đôi khi, phía bên kia biên giới còn sử dụng cả phương tiện bay không người lái (drone) cho mục đích chuyên chở này.
Hàn Quốc sẽ điều khiển từ xa các drone này bay tới vị trí đã định trong lãnh thổ Triều Tiên. Sau khi người dân dỡ hết USB xuống phân phát cho mọi người, drone này sẽ cất cánh bay ngược trở lại cho chuyến hàng tiếp theo.
Về phía Triều Tiên, chính phủ nước này đang cố gắng triển khai một số dịch vụ phim ảnh để hạ bớt giọng điệu công kích từ bên ngoài. Nước này vừa triển khai dịch vụ video theo nhu cầu riêng, giống Netflix, dành cho tất cả người dân.
Đó là dịch vụ VOD có tên Manbang được cung cấp bởi kênh truyền hình Trung ương Triều Tiên. Manbang cho phép người xem có thể phát lại phim tài liệu hoặc các chương trình truyền hình.
Triều Tiên có dịch vụ phát video theo nhu cầu.
Tuy nhiên, dù có thế nào đi chăng nữa, kể cả khi phía Hàn Quốc giảm giọng điệu công kích trong các ấn phẩm thì Triều Tiên vẫn coi đây là hành vi can thiệp không thể chấp nhận được, và tìm mọi cách để ngăn chặn chúng.