Là xã có nhiều trường hợp dương tính với virus corona (covid-19), cuộc sống của người dân Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) không tránh khỏi những xáo trộn...
Tìm về Sơn Lôi những ngày dịch bệnh do virus corona (covid -19) đang diễn biến khó lường, các con đường vào xã vắng lặng, hắt hiu trong cơn mưa rả rích.
Nhiều băng rôn tuyên truyền người dân về dấu hiệu nhiễm virus covid-19 phải đến các cơ sở y tế thăm khám. Dọc con đường làng, những vệt vôi bột được chính quyền và người dân chủ động khử trùng xung quanh nơi ở.
Chính quyền khuyến cáo người dân toàn xã hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Trưởng thôn Nhân Nghĩa (xã Sơn Lôi) Lê Văn Hiếu chia sẻ, xã là trọng điểm vùng dịch thế nên cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân có xáo trộn từ việc đi lại, mua bán đều bị thay đổi để cùng chính quyền chung tay chống dịch.
"Thú thật, vì địa phương có dịch nên người dân chúng tôi cũng thiệt thòi. Nhiều người ngần ngại khi biết chúng tôi sinh sống ở đây”, Trưởng thôn Nhân Nghĩa trầm ngâm.
Đường vào Sơn Lôi thưa thớt người |
Bên sạp quán mới được yêu cầu đóng cửa trong thời gian dập dịch, chị Nguyễn Thị Thanh (xã Sơn Lôi) chia sẻ, biện pháp này ảnh hưởng tới việc mưu sinh của gia đình.
Anh Lê Văn Sơn, chủ quán cơm ngồi trầm ngâm bên dãy hàng vắng tanh cho biết, quán cơm tuy nhỏ nhưng là nguồn thu giúp vợ chồng anh chăm lo cho 5 người trong nhà.
“Giờ chúng tôi phải gác lại việc buôn bán cùng chính quyền dập dịch. Tất nhiên những khó khăn sẽ rất nhiều ở phía trước nhưng mình đồng hành cùng Nhà nước để dập dịch càng sớm thì cuộc sống cũng sẽ sớm ổn định trở lại”, anh Sơn nói.
Khó khăn là vậy, nhưng nhìn vào ánh mắt và những trải lòng của người dân Sơn Lôi không khó để nhận ra sự đồng lòng của người dân trong các nỗ lực của chính quyền trong việc triển khai các biện pháp chống dịch lây lan.
“Có dịch thì ai mà vui cho được nhưng muốn thắng dịch tinh thần phải vững và tin tưởng vào chính quyền”, anh Lê Văn Hà (người dân trong xã) lạc quan khi PV hỏi về tâm trạng của những người trong vùng dịch.
Theo anh Hà, dịch bệnh xảy đến là điều không ai mong muốn nhưng thay vì buồn bã hay né tránh thì anh động viên người thân, xóm giềng phải lạc quan chống dịch.
Còn với bà Nguyễn Thị Tâm, lời nhắn nhủ mà bà ấp ủ lâu nay là muốn cộng đồng sát cánh, chung tay với Sơn Lôi, với Vĩnh Phúc vượt qua những khó khăn này.
Người dân vẫn tiếp tục công việc trong những ngày này |
Chính quyền luôn sát cánh với người dân
Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên Nguyễn Minh Trung chia sẻ với VietNamNet, thực hiện chỉ đạo của cấp trên trong công tác chống dịch, các cán bộ từng ngày, từng giờ đến gần với dân để động viên người dân cố gắng.
"Bên cạnh những hỗ trợ về vật chất, chúng tôi chú trọng ổn định tinh thần người dân. Khi tâm lý nhân dân vững vàng thì công việc sẽ thuận lợi", ông Trung nói.
Liên quan đến công tác chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, Vĩnh Phúc đang thực hiện áp dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên tỉnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế.
Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, khoanh vùng các khu vực có dịch bệnh để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc mong muốn người dân có trách nhiệm trong thực hiện việc phòng chống để việc kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.
Bí thư tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan tại lễ xuất quân tăng cường cán bộ y tế cho tuyến cơ sở |
“Quan điểm của tỉnh, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Vì sự an toàn của người dân, Vĩnh Phúc sẽ sử dụng những biện pháp đồng bộ để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh”, bà Lan khẳng định.
Trong các nỗ lực của Vĩnh Phúc, hôm qua tỉnh đã khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch bệnh tại xã Sơn Lôi.
Trong thời gian khoanh vùng, tỉnh hỗ trợ 40 nghìn đồng/người/ngày; 60 nghìn đồng/người/ngày với các trường hợp đang được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung.
Bên cạnh đó, trong các nỗ lực dập dịch tỉnh phối hợp với Bộ Y tế tập huấn hơn 100 bác sỹ tăng cường xuống khu vực có dịch bệnh tại huyện Bình Xuyên.