Cuộc sống khó khăn của công nhân ở trọ và nỗi lo chi tiêu đầu năm học

GD&TĐ - Với đồng lương eo hẹp nhưng chi phí nhiều thứ đắt đỏ, việc chi tiêu cho con vào mỗi đầu năm học khiến không ít công nhân vô cùng chật vật.

Nhiều học sinh là con công nhân ở nơi khác về học tại Trường Tiểu học Quảng Hưng.
Nhiều học sinh là con công nhân ở nơi khác về học tại Trường Tiểu học Quảng Hưng.

“Sấp ngửa” lo tiền cho con đến trường

Là mẹ đơn thân ở tuổi 27, nuôi hai đứa con nhỏ, chị Nguyễn H.P. (quê Tĩnh Gia), công nhân trong Khu công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hoá) vô cùng lo lắng khi cùng lúc phải lo tiền học cho cả hai con.

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, chị cho đứa lớn lên ở cùng mình để đi học, còn đứa nhỏ gửi ở quê. Thế nhưng, sau dịch, mọi thứ trở nên khó khăn, đồng lương bị giảm xuống, dù thương con, chị vẫn buộc phải gửi về quê nhờ cậy ông bà ngoại.

Gửi con ở quê nhưng chị Phượng phải lo mọi chi phí ăn uống và tiền học cho các con do bố mẹ chị cũng già yếu. “Đầu năm chưa nói đến các khoản đóng góp mà ngay việc mua sách vở, quần áo đồng phục cho các con cũng mất một khoản. Khoản tiền đó, tôi cũng phải đi vay gửi về, tới đây còn đóng học phí rồi những khoản khác nữa không biết phải xoay xở ra sao. Đồng lương eo hẹp nên chi phí cho thuê trọ, ăn uống, xăng xe cũng đã gần hết”, chị Phượng ngậm ngùi.

Đồng lương công nhân eo hẹp nhưng họ phải lo đủ thứ trong đó có nỗi lo tiền đóng học hàng tháng cho các con.

Đồng lương công nhân eo hẹp nhưng họ phải lo đủ thứ trong đó có nỗi lo tiền đóng học hàng tháng cho các con.

Chị P. cho biết, mỗi tháng lương hiện nay của chị được khoảng 6 - 7 triệu đồng, nộp tiền học bán trú cho con; ngoài ra còn chi phí thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt… Đôi khi có việc phát sinh là chật vật vay mượn khắp nơi.

“Năm học nào cũng cứ vay trước rồi lại tích cóp, tằn tiện trả sau. Nhiều khi nghĩ tủi thân, không cho con đi học thì sau này chúng lại khổ như mình nên cũng cứ phải cố gắng mà cho con được theo con chữ”, nữ công nhân này tâm sự.

Cũng giống như chị P., anh Tống Văn Thành (quê ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cùng vợ là công nhân ở Khu Công nghiệp Lễ Môn cũng phải gửi một con nhỏ cho ông bà ở quê.

Trong căn phòng chật chội vỏn vẹn 15m2, vợ chồng anh Thành và một con nhỏ năm nay học lớp 1. Anh cho biết, chưa được nhà trường thông báo những khoản thu nhưng ngay đầu năm đã phải sắm một số đồ dùng, sách vở cho con rồi đóng tiền ăn hàng tháng.

“Các khoản chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, lo nhất là những khoản đóng góp trong thời gian tới, cả hai đứa đi học cũng ngót cả tháng lương của một trong hai vợ chồng”, anh Thành nói.

Cũng theo anh Thành, dù có dịch vụ xe đưa đón nhưng anh không dám đăng ký vì đỡ được khoản nào hay khoản đó. “Những hôm hai vợ chồng cùng tăng ca đến tối muộn, tôi phải xin phép công ty tranh thủ về đón con. Đây chỉ là cách giải quyết mang tính tạm thời, về lâu dài thì không ổn”, anh Thành nói.

Những đứa trẻ được bố mẹ cho lên ở cùng khu trọ để tiện chăm sóc.

Những đứa trẻ được bố mẹ cho lên ở cùng khu trọ để tiện chăm sóc.

Theo ghi nhận tại nhiều xóm trọ quanh các khu công nghiệp đóng trên địa bàn TP.Thanh Hóa, hầu hết công nhân có con nhỏ đang thuê trọ phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Khó khăn từ việc đưa đón con đi học, đến các chi phí sinh hoạt, mua sắm đồ dùng tăng cao, thiếu không gian cho trẻ học tập, vui đùa... Để các con có điều kiện tốt nhất, họ đang phải “gồng mình” để sắp xếp, lo toan và tính toán. Thậm chí, nhiều gia đình đã phải lựa chọn phương án, gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc.

Cho nợ tiền ăn, miễn giảm nhiều khoản đóng góp

Cô giáo Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hưng cho biết, do trường được xây dựng ngay gần khu công nghiệp Lễ Môn nên số học sinh là con công nhân ở các nơi về đây xin học khá đông.

“Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ còn đang phải thuê nhà trọ. Nhiều gia đình, 2 con, thậm chí 3 đứa con đều theo lên ở cùng bố mẹ và đi học ở đây nên gánh nặng đối với phụ huynh là rất lớn. Hiểu được hoàn cảnh của các em nên nhà trường luôn có những ưu ái dành riêng cho các đối tượng học sinh này. Cụ thể là miễn giảm một số khoản đóng góp cho gia đình công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, cô Hương chia sẻ.

Cô Hương cũng cho biết, tình trạng học sinh là con công nhân chậm đóng tiền ăn bán trú năm nào cũng diễn ra, có học sinh chậm vài ba tháng là bình thường. Nhiều trường hợp, bản thân hiệu trưởng phải bỏ tiền túi để hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.