'Nút thắt' trong triển khai nhà ở cho công nhân

GD&TĐ - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết số lượng nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân còn thấp.

Quá trình triển khai nhà ở cho công nhân còn nhiều vướng mắc. Ảnh minh họa
Quá trình triển khai nhà ở cho công nhân còn nhiều vướng mắc. Ảnh minh họa

Nhu cầu nhà công nhân cao

Theo ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Để giảm bớt khó khăn về nhà ở cho công nhân, Chính phủ đã thực hiện nhiều dự án nhà ở xã hội. Đến nay cả nước đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 7,3 triệu m2 sàn. Trong đó, riêng đối với nhà ở công nhân đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô khoảng 2,7 triệu m2 sàn. Tuy nhiên con số này mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Để góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đề án với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong đó mục tiêu cụ thể từ năm 2017 đến năm 2018 phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư 11 thiết chế công đoàn tại các tỉnh Tiền Giang, Quảng Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên, Phú Thọ, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện thủ tục, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 10 thiết chế công đoàn tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Bình Dương, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Đồng Nai.

Đến nay, dự án thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thành với 5 tòa nhà, 244 căn hộ với 3 loại diện tích khác nhau. Bao gồm 32,5m2, 35m2 và 45m2, giá thuê từ 1 - 2 triệu đồng/tháng/căn, tùy theo diện tích, theo tầng để đoàn viên, người lao động lựa chọn. Hiện đã có 133 căn hộ được cho thuê và nhiều hồ sơ đang chờ xét duyệt.

Ông Khang cho biết, quá trình triển khai còn những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đó là thiếu nguồn vốn, nhất là khi gói 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, thì nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội càng hạn chế. Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay và xác định đối tượng được hưởng ưu đãi vay vẫn còn chậm. Cụ thể là thiếu quỹ đất, thủ tục hành chính kéo dài. Tại một số địa phương, công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục dẫn đến thời gian hoàn thành công việc bị kéo dài.

Giảm bớt thủ tục hành chính

Ông Khang đánh giá, thực tiễn hiện nay, các doanh nghiệp có nhu cầu về thuê nhà ở cho công nhân rất cao. Việc doanh nghiệp đứng ra thuê sẽ giảm bớt các thủ tục thuê nhà ở của công nhân do đa phần là người dân từ các địa phương khác về. Trong khi thủ tục hành chính quy định tại Nghị định còn nhiều bất cập.

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án, các địa phương mới có cơ sở bố trí quỹ đất, nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật để giao đất cho Tổng Liên đoàn thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 54, Điều 55 của Luật Đất đai 2014, Tổng Liên đoàn không thuộc đối tượng được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê. Do vậy, các địa phương gặp vướng mắc về tính pháp lý để ban hành quyết định giao đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Khi xây dựng thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định không tính chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội vào giá bán, giá cho thuê căn hộ nhằm giảm giá hỗ trợ công nhân lao động khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, quá trình thẩm định giá bán, giá cho thuê căn hộ tại dự án thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam, các sở, ngành kiến nghị phải tính đúng, tính đủ nên giá bán, giá cho thuê căn hộ tăng hơn so với dự kiến ban đầu.

Việc lựa chọn nhà đầu tư, ông Khang thông tin, đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn được 15 nhà đầu tư phối hợp triển khai 23 dự án nhà ở cho công nhân thuộc quy hoạch thiết chế công đoàn. Tuy nhiên theo quy định của Luật Đầu tư 2020, việc xác định chủ đầu tư dự án nhà ở do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì lựa chọn, phê duyệt. Vì vậy, tiến độ triển khai khu thiết chế công đoàn phụ thuộc vào tiến độ lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở của địa phương.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ. Trong đó có đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, ban hành quy trình chung về đầu tư nhà ở công nhân. Mục đích nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư sớm khởi công dự án. Đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét việc cho vay ưu đãi dự án nhà ở công nhân theo hướng trong một dự án có cả hai đối tượng cùng được vay ưu đãi. Đó là chủ đầu tư và người mua, thuê nhà ở.

Ngoài ra, ông Khang cũng đề nghị Chính phủ cho phép UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng biệt. Mục đích nhằm triển khai trước hoặc đồng hành với dự án xây dựng thiết chế công đoàn do Tổng Liên đoàn đầu tư và dự án nhà ở do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ