Trong cuộc phỏng vấn riêng với báo Guardian, một người bạn thân thiết nhất của Kim Jong Nam đã chia sẻ nhiều điều về nét tính cách cởi mở của ông này, cũng như cuộc sống trong sợ hãi đến tận lúc chết.
Trong hai năm qua, Kim Jong Nam thỉnh thoảng đến thăm Geneva (Thụy Sĩ), nơi ông từng du học. Chuyến đi gần nhất được cho là cách đây vài tháng. Dịp này, Kim Jong Nam đã gặp gỡ Anthony Sahakian là bạn thân của ông từ thời phổ thông.
Tự lái Mercedes khi 15 tuổi
Ông Kim Jong Nam được hưởng nền giáo dục nước ở Nga rồi đến Thụy Sĩ. Đây cũng là nơi ông gặp người bạn Sahakian khi họ khoảng 13 tuổi. Thoạt đầu, Kim Jong Nam chỉ tự giới thiệu một cách khiêm tốn rằng ông là con trai của một đại sứ.
"Khi đó tôi không hề biết gì về sự khác biệt giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Cậu ấy là một đứa trẻ rất vui nhộn, tử tế và hào phóng", Sahakian nhớ lại.
Kim Jong Nam khi còn nhỏ bên bà ngoại. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, một trong những ký ức ấn tượng nhất của Sahakian chính là khi người bạn thân xuất hiện bên cạnh chiếc Mercedes-Benz 600 sang trọng thời đó. "Cậu ấy tự lái xe. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên vì hai đứa chỉ mới 15 tuổi".
Đến khi trở về nước, Kim Jong Nam đã là một thanh niên trưởng thành và thừa hưởng tinh thần giáo dục phương Tây. Do vậy, ông cảm thấy mình khác biệt ngay tại quê hương Triều Tiên.
Nỗi lo về cuộc sống bị đe dọa càng tăng thêm sau khi Kim Jong Nam bị phát hiện tìm cách đến Nhật Bản bằng hộ chiếu Cộng hòa Dominica giả hồi năm 2001. Sau năm này, Kim Jong Nam bước vào cuộc sống lưu vong. Ông cùng vợ con đến Macau, thỉnh thoảng là Singapore. Ông cũng có nhà ở Bắc Kinh.
Thỉnh thoảng, cánh phóng viên phát hiện Kim Jong Nam ở các nhà hàng hoặc sân bay ở Indonesia, Pháp... Ông vận trang phục thoải mái như quần jean, áo thun và mỉm cười với các phóng viên. Có lần, Kim Jong Nam từng khẳng định rõ với cánh báo chí rằng "tôi không đào tẩu".
Năm 2012, nhà báo Nhật Yoji Gomi xuất bản quyển sách chỉ trích chế độ quyền lực cha truyền con nối khiến Kim Jong Nam quyết định giữ im lặng hoàn toàn.
Ông Kim Jong Nam đến Bắc Kinh năm 2007. Ảnh: Reuters.
Năm 2013, Kim Jong Un ra lệnh xử tử chú dượng Jang Song Thaek. Ông Jang từng được xem là nhân vật thứ 2 ở Triều Tiên và rất gần gũi với Kim Jong Nam. Nguyên nhân vụ hành quyết được cho là trừng phạt Jang vì âm mưu lật đổ.
Hàng loạt biến cố đã khiến Kim Jong Nam từ một người có cá tính hướng ngoại phải thu mình và sống kín đáo để giữ mạng.
Sống trong sợ hãi
Những lần Kim Jong Nam đến Geneva, họ gặp nhau hầu như hàng ngày để uống cà phê hoặc tản bộ. Trong những cuộc trò chuyện, Kim Jong Nam đã kể với Sahakian về người em cùng cha khác mẹ đầy quyền lực và việc ông bị chính quyền Triều Tiên xem là mối đe dọa như thế nào.
"Chúng tôi đã thảo luận về tình hình Triều Tiên và người em của ông ấy", Sahakian nói.
Với tư cách con ruột của Kim Jong Il, ông Kim Jong Nam vẫn có thể đạt được vị trí quan trọng xứng đáng. Mặt khác, theo lời người bạn thân, "ông ấy không có ý chí đủ mạnh để bước vào thế giới chính trị khắc nghiệt của Triều Tiên".
Trong những năm duy trì tình bạn, Sahakian cho biết Kim Jong Nam đã nhiều lần chia sẻ về nỗi lo sợ cuộc sống có thể kết thúc sớm. "Ông ấy thực sự rất lo lắng và rơi vào tình trạng hỗn loạn", Sahakian nói.
Do vậy, được sống nhưng cuộc sống cũng không dễ dàng như bình thường. "Bạn phải chịu một sức ép rất lớn. Khi là con trai của một lãnh đạo như vậy thì anh còn có thể làm được gì? Bước vào ngân hàng Goldman Sachs xin việc ư? Cuộc sống của Kim Jong Nam không hề dễ dàng".
Ông Sahakian khẳng định Kim Jong Nam không phải là "quái vật" với những tính xấu như giới truyền thông miêu tả. "Ông ấy không nghiện bài bạc, không phải kẻ ưa tán tỉnh phụ nữ. Ông ấy có thể từng bị phát hiện chơi bài, say xỉn. Ông ta thích phụ nữ. Nhưng những điều này thì có gì sai trái", Sahakian phản biện.