Cuộc sống của "người khổng lồ" ở miền Tây

GD&TĐ - Cao 2,15m, chân tay to khoẻ, khi còn trẻ ông Nguyễn Văn Y ở Cần Thơ có khả năng làm việc cũng như ăn gấp 3 lần người thường. 

Cuộc sống của "người khổng lồ" ở miền Tây
Ông Y cùng cha nuôi và em gái nuôi. Ảnh: Cửu Long

Ông Y cùng cha nuôi và em gái nuôi.

Người dân xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ rất quen thuộc với hình ảnh ông Nguyễn Văn Y (còn gọi là Rô Y), 62 tuổi, thân thiện, vui tươi cởi mở.

“Trước đây, khi còn khoẻ ông Y hay đi làm thuê khắp làng trên xóm dưới. Sức vóc to lớn, Y cuốc đất, vác lúa gấp 2-3 lần người thường ở đây. Và ông ấy ăn cũng rất khoẻ, đến 4 tô cơm”, người hàng xóm Trần Văn Năm nói.

Ông Nguyễn Văn Hóa (89 tuổi) cha nuôi của ông Y kể lại, hồi đó, hai đứa con đầu mất khi mới sinh, nghĩ mình không có tay nuôi con, vợ chồng ông đến bệnh viện ở Cần Thơ xin cậu bé Y về nuôi.

“Hồi đó, nó còn đỏ hỏn, sau sinh ba ngày thì người mẹ thấy con mình tướng mạo đầy lông lá, to lớn bất thường nên hoảng sợ và đem cho”, ông Hoá kể. Điều rất kỳ lạ là sau khi mang đứa bé “khổng lồ” về nuôi thì vợ chồng ông lần lượt sinh được 7 người con, nuôi khôn lớn.

Đôi chân to lớn, của ông Y gần như không có dép giày nào ở địa phương bán mà ông mang vừa. Ảnh: Cửu Long

Đôi chân to lớncủa ông Y gần như không có dép giày nào đi vừa.

“Anh Y lớn nhanh, ăn gấp mấy lần những đứa con trong gia đình. Thời bao cấp, mua vải theo nhân khẩu thì ba bốn đứa em phải nhường suất vải của mình mới đủ may bộ đồ cho anh mặc”, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, người con thứ 6 của ông Hoá nói. "Chân Y to quá nên không dép nào mang vừa, cha phải mua bánh xe ôtô về cắt làm dép cho". 

Mang cơm nước cho ông Y ăn uống mỗi ngày, bà Phượng chia sẻ rằng anh nuôi của mình khi lớn lên hơi khù khờ nhưng rất hiền lành, thật thà, thương em út, được lòng bà con xóm giềng, đặc biệt là hiếu thảo với cha mẹ.

“Hồi trẻ anh Y đi làm thuê bồi mương, cuốc đất, kéo lúa... khắp xứ Phong Điền này, được bao nhiêu tiền anh cũng mang về đưa hết cho mẹ tôi lo”, bà nói và cho biết anh nuôi mình không chịu lấy vợ và với thân hình to lớn như thế các phụ nữ trong làng cũng không dám để ý tới ông.

Sau năm 1975, mẹ của ông Y có tìm đến thăm con một lần rồi không quay lại nữa, người cha nuôi cho biết. 

Mấy năm gần đây, ông Y suy giảm sức khoẻ, bệnh tật nên không còn đi làm mướn nữa mà quanh quẩn ở nhà với người cha nuôi hoặc đi chơi vòng xóm, nghe cải lương. Một nhà hảo tâm thấy hoàn cảnh khó khăn của ông nên ủng hộ làm một ngôi nhà nhỏ gần đường, sát nhà người em thứ 6, để tiện bề săn sóc.

Người dân ở địa phương kể lại mấy năm trước thấy ông nghèo khổ, một đại lý vé số ở huyện cho ông vốn để bán vé số dạo, nhưng thấy ông ngờ nghệch, bọn xấu đã lừa lấy hết vé số lẫn tiền bán được.

Hiện “người khổng lồ” này đang mắc nhiều chứng bệnh như rối loạn tâm thần, sa đường ruột, mười ngón tay cong vẹo, thấp khớp hai chân, mắt trái không còn thấy đường, còn mắt phải đang mờ dần. Cuộc sống chủ yếu nhờ sự chăm sóc của người em và sự giúp đỡ của mọi người.

Ông Y sống trong ngôi nhà nhỏ do mạnh thường quân hỗ trợ. Ảnh: Cửu Long

Ông Y sống trong ngôi nhà nhỏ do người hảo tâm hỗ trợ.

“Tôi không đi làm được nữa, giờ định nuôi hai con gà mái để đẻ ra các đàn gà con nuôi lớn bán lấy tiền, bớt gánh nặng cho mọi người”, ông Y thều thào nói.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.