Điều cậu bé 15 tuổi thấm thía nhất sau nửa tháng đi lao động kiếm tiền, không phải tiền công nhận được sau những giờ lao động vất vả cật lực, mà là những trải nghiệm mới mẻ về cuộc sống. Cậu mang số tiền thấm đẫm mồ hôi ấy về đưa hết cho mẹ. Cậu muốn mẹ cảm thấy cậu đã bắt đầu biết làm những việc có ích, thay vì hưởng thụ một mùa hè vô nghĩa với game…
Bài học nhớ đời
“Một cốc đen đá chỉ mất 15 giây để mang ra, bao gồm 5 giây ghi “order” (gọi món), 5 giây pha chế, và 5 giây bưng ra cho khách. Nâu đá thì lâu hơn đen đá 1 giây... Phần việc này thì cũng đơn giản, nhẹ nhàng, chưa bao giờ mình làm đổ đồ của khách cả” - cậu bé 15 tuổi, con chị H.Minh (Ba Đình, Hà Nội) viết trong cuốn sổ ghi chép những điều đã làm trong 2 tuần mùa hè vừa rồi trải nghiệm làm nhân viên phục vụ ở quán cà phê.
Là hàng cà phê những chủ quán vẫn kinh doanh thêm đồ ăn sáng và suất ăn trưa. Cậu bé 15 tuổi cảm thấy ái ngại nhất là phục vụ đồ ăn ở quán cà phê. Có khi khách gọi đồ xong, xuống bếp “order” cho khách nhưng hết đồ, quay lên tận bàn khách báo lại, nhưng có khi còn bị khách mắng cho thậm tệ. Có lúc bưng một khay 3 bát phở to nặng trĩu cho khách…
Khách vào quán cà phê ăn trưa đông, nhân viên chạy như con thoi vẫn không phục vụ hết. Nhưng sự vất vả của một bồi bàn còn chưa khiến cậu kinh hãi bằng chính các vị khách vào quán. Cậu tả đó quả là một xã hội thu nhỏ (tốt có, xấu có). Khách vào quán này đủ các dạng: Dân “đầu gấu”, những người chuyên bán hàng đa cấp, có cả dân văn phòng… Chỉ ít người nói những từ lịch sự với nhân viên trẻ tuổi các câu đơn giản như: “Cho anh, cho bác, xin món…” và đặc biệt là khách nói từ “cảm ơn” lại càng hiếm hơn.
Văn hóa “mày - tao” như thể đã ăn sâu vào cách ứng xử với người lạ của người Việt Nam, con trai chị H.Minh buồn rầu đưa ra một “đúc kết” dưới con mắt còn non nớt của tuổi chưa trưởng thành. Thêm nữa, cậu bé không hiểu tại sao một số khách hàng vào quán cà phê đóng kín cửa và bật điều hòa, nhưng họ có “tình yêu” đặc biệt với thuốc lá. Họ có thể hút thuốc thản nhiên ngay trong phòng điều hòa, xung quanh rất đông người và nếu bị nhắc thì một số vị khách như vậy sẽ tắt điếu thuốc đi, nhưng một số khác cố xin hút nốt điếu, thậm chí có người cất lời chửi nhân viên phục vụ bàn như cậu thậm tệ.
Bù lại cảnh bị khách “hành”, điều thú vị trong trải nghiệm lao động thật sự đầu tiên thời niên thiếu của con trai chị H.Minh chính là những “đồng nghiệp”, những nhân viên phục vụ ở quán cà phê. Người thì đã động viên và rèn giũa cậu bé rất nhiều trong suốt quá trình “học việc và rèn luyện” tại quán. Một số nhân viên khác cố gắng chỉ cho cậu bé chăm chỉ những công thức pha chế đồ uống mà cậu chưa từng được biết. Có người thì sẵn sàng trợ giúp khi cậu bé phải bê đồ ăn quá nặng, như bê cho khách 4 đĩa cơm cùng lúc. “Họ đều là những con người lao động đơn thuần và giản dị nên luôn yêu thương và đùm bọc nhau như một gia đình, có lẽ đây là tập thể mà tôi gắn bó nhất từ trước tới giờ, chỉ sau người thân” - Con trai chị H.Minh viết những dòng tâm sự xúc động.
Dạy con theo cách “lạ” chẳng dễ gì
Chị H.L Phương (cán bộ quản lý chuỗi nhà hàng Âu nổi tiếng ở nhiều tỉnh, thành phố) cho biết, với những công ty chuyên nghiệp về dịch vụ ăn uống như công ty chị làm, thì các lãnh đạo khó đồng ý cho trẻ em dưới 16 tuổi làm việc “part time” (bán thời gian) tại các nhà hàng. Bởi e ngại sự phục vụ thiếu chuyên nghiệp của các “nhân viên” bất đắc dĩ như vậy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín dịch vụ của công ty. “Làm nhân viên phục vụ, dù chỉ là chạy bàn, cũng không hề đơn giản, đó là “bộ mặt” của công ty, là những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng” - chị Phương phân tích - “Để được “chạy bàn” một nhân viên phải trải qua quá trình “trainning” (đào tạo) theo tiêu chuẩn quốc tế. Rồi vừa làm vừa tiếp tục trainning để không ngừng nâng cao khả năng phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn”.
Còn với những đứa trẻ mà phụ huynh có mong muốn “gửi gắm” nhà hàng để con có trải nghiệm về giá trị của lao động, thường các con chỉ có mong muốn trải nghiệm trong vài tuần nghỉ hè. Nếu công ty chị Phương có rộng mở với những mong muốn trải nghiệm này thì theo chị Phương cũng rất hay cho những đứa trẻ, bởi môi trường làm việc chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao mà công ty đòi hỏi ở mỗi nhân viên, kể cả người thử việc.
“Mình thấy việc cho con trải nghiệm thực tế lao động "như thật" là rất hay” - Chị Phương khẳng định - "Nhưng tôi khuyên các phụ huynh nên chọn những công việc thật sự vừa sức với con, đừng bắt các con làm điều gì quá khó, đừng bắt con làm những việc đòi hỏi chỉ phù hợp thanh niên đủ tuổi lao động. Tốt nhất là nên chọn công việc nào được sự trợ giúp của những người quen, như làm ở hàng cà phê của bạn bè, bán hàng tạp hóa cho hàng xóm...".
Chị Phương cũng cho biết, hai mùa hè rồi chị xin cho cậu con lớn phụ bán hàng tạp hóa với người hàng xóm. Chỉ trải nghiệm mấy tuần mùa hè, nhưng cậu bé bớt hẳn mê game và vui sướng khi được nhận những đồng tiền thù lao bằng chính sức lực của mình. Số tiền có được sau mấy tuần lao động thật sự, con trai chị Phương được tuỳ ý sử dụng vào việc mua sách, truyện, hay đôi giầy cậu đã thích từ lâu, còn lại để dành mua quà sinh nhật cho các bạn thân.
Cuối cùng, hai tuần “làm việc” ở quán cà phê có bán đồ ăn của Q con chị H.Minh đã kết thúc tốt đẹp. Điều cậu bé thấm thía nhất lại không phải tiền công nhận được sau những giờ lao động vất vả cật lực, mà là những trải nghiệm mới mẻ về cuộc sống. Cậu nhận thấy rằng: “Chỉ có gia đình mình là công bằng nhất, việc đi học là sướng nhất, và kiếm được đồng tiền không hề dễ chút nào”. Cậu cảm ơn những người đã giúp đỡ cậu để có được đồng lương ít ỏi, nhưng cậu quả quyết mang số tiền thấm đẫm mồ hôi ấy về đưa hết cho mẹ. “Tôi muốn mẹ cảm thấy tôi đã bắt đầu biết làm những việc có ích, thay vì hưởng thụ một mùa hè vô nghĩa với game như lũ choai choai ngoài kia” - Q khiến mẹ cậu, chị H.Minh, thật sự tự hào khi biết những gì con trai của chị đã làm được những gì và trưởng thành như thế nào trong hai tuần hè đi lao động.
Cậu bé 15 tuổi cũng kể rằng trong suốt hai tuần con trai đi phục vụ ở quán cà phê, mẹ cậu cũng muốn đến dùng bữa tại quán, muốn lặng lẽ xem con làm việc thế nào, nhưng cậu bé đã kiên quyết không đồng ý. Trong suy nghĩ của Q lúc đó, chỉ đơn giản là cậu không muốn mẹ nhìn thấy cậu cực nhọc. Cậu muốn mẹ thấy con trai của mẹ thơm tho, sạch sẽ và tri thức.
Sau những gì con trai được trải nghiệm theo cách mà nhiều bậc phụ huynh vẫn phản đối (vì bọn trẻ chưa đến tuổi lao động) hay cho là “hành” con kiểu gì mà “lạ kỳ” như thế! Chị H.Minh (một trí thức), mẹ của cậu bé Q, đã phải thốt lên: “Lũ trẻ sẽ lớn lên theo cách mà chúng nó được cảm thấy!”.