Giáo dục trẻ: Chuyển từ “thưởng - phạt” sang yêu thương và lý lẽ

GD&TĐ - Chúng ta thường quan niệm rằng trong nuôi dạy con việc thưởng và phạt là không thể tránh khỏi và thậm chí là vô cùng cần thiết. Có chăng chúng ta chỉ băn khoăn về cách thức thưởng và phạt mà thôi. Tuy nhiên, việc giáo dục con tốt hay không lại không phụ thuộc vào thưởng và phạt mà điều quan trọng là sự kết nối giữa trái tim với trái tim.

Cha mẹ luôn yêu thương con vô điều kiện (ảnh minh họa)
Cha mẹ luôn yêu thương con vô điều kiện (ảnh minh họa)

Lạm dụng thưởng hay phạt đều không tốt

Trong quá trình dạy con, có hai kiểu yêu thương cha mẹ thường dành cho con cái. Đó là kiểu tình yêu được trao đi khi chỉ con làm những việc mà ba mẹ mong muốn, làm theo những cách mà cha mẹ yêu cầu hay đạt tới những tiêu chuẩn mà ba mẹ đặt ra. Loại tình yêu này là tình yêu có điều kiện. Và kiểu tình yêu thứ hai là ba mẹ yêu con vì chính con người của con, không phụ thuộc vào cách cư xử, thành tích hay bất kì điều gì khác. Đây chính là tình yêu vô điều kiện mà con hằng mong muốn.

Thực tế, chúng ta có xu hướng yêu quý những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời hơn là những đứa trẻ nghịch ngợm. Cha mẹ thường hay nói: Con phải nghe lời, phải cư xử tốt, phải đạt điểm cao, phải có thành tích tốt, phải giỏi hơn các bạn cùng lứa… Nếu không con sẽ không được xem tivi, không được làm những điều con thích, thậm chí con sẽ bị mắng bị phạt một mình, bị đòn roi… Dường như tất cả những điều đó đã vô tình khiến chúng ta đặt điều kiện cho thứ tình yêu vốn thiêng liêng và thuần khiết nhất.

Phụ huynh nào cũng từng dùng hình phạt để dạy bảo con, nhưng đã bao giờ họ tự hỏi việc dùng hình phạt có giúp trẻ tiến bộ và hiệu quả lâu dài hay không? Và nếu việc dùng hình phạt có hiệu quả thật thì tại sao cha mẹ phải dùng đi dùng lại nó mãi, thậm chí với cấp độ phạt nặng hơn?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, tác giả của cuốn sách “Sổ tay giáo dục gia đình ở Nhật Bản” và dịch giả của nhiều cuốn sách về giáo dục gia đình và xã hội học... cho rằng, hiệu quả của hình phạt đến ngay tức thời nhưng hậu quả của nó thì để lại rất lâu dài. Vì khi người ta trưởng thành, cái vết hằn lên vỏ não vẫn còn và nó chi phối mô thức hành động của con người trong tương lai. Khi người ta cảm thấy yên tâm khi không bị trừng phạt, người ta sẽ làm điều ác.

“Thưởng không đúng cũng có hại như phạt lạm dụng, hay phạt không đúng cách, đó là dẫn đến sai lầm thưởng càng nhiều thì làm cho động lực nội sinh, thứ gì mà thôi thúc con người ta làm mà không cần người khác khen. Giống như tôi đọc sách, không có một áp lực nào cả khiến tôi đọc sách, nhưng ngày nào tôi cũng đọc sách bởi tôi thấy đọc sách mang lại niềm vui cho tôi. Lạm dụng thưởng hay lạm dụng phạt đều không tốt”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: “Thưởng không đúng cũng có hại như phạt lạm dụng”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: “Thưởng không đúng cũng có hại như phạt lạm dụng”

Lấy tình yêu của mình làm công cụ kiểm soát con

Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, chị Nguyễn Thu Hiền, dịch giả cuốn sách “Cha mẹ vô điều kiện” của tác giả Alfie Kohn cho rằng, trong việc giáo dục con, chúng ta không nên dùng hình phạt vì nó sẽ để lại ấn tượng rất sâu trong mỗi đứa trẻ. Với một đứa trẻ được nuôi dạy trong sự thưởng phạt vô điều kiện thì dẫn đến một con người có 2 mặt: Trước mặt cha mẹ thì thể hiện như thế này nhưng đằng sau là người khác hoàn toàn.

Nếu chúng ta xây dựng một cơ chế mệnh lệnh - vâng lời ở nhà, cuối cùng, con cái chúng ta sẽ chỉ biết vâng lệnh khi ở ngoài xã hội. Vì vậy nếu bạn không muốn con mình trở thành "nạn nhân vì nghe theo ý kiến của người khác", hãy dạy cho chúng biết "tự mình suy xét” mọi vấn đề, kể cả vấn đề của người lớn.

Dịch giả Nguyễn Thu Hiền: “Cái quan trọng không phải bạn làm gì cho con, mà quan trọng là con bạn cảm nhận được tình yêu đó như thế nào”
Dịch giả Nguyễn Thu Hiền: “Cái quan trọng không phải bạn làm gì cho con, mà quan trọng là con bạn cảm nhận được tình yêu đó như thế nào”

Chị Hiền cũng cho rằng, cha mẹ luôn cho con quyền tự do lực chọn, hỗ trợ con tối đa để con xây dựng tự chủ, tự lập trong cuộc đời. Cái quan trọng không phải bạn làm gì cho con, mà quan trọng là con bạn cảm nhận được điều đó như thế nào.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng, việc GD con tốt hay không phụ thuộc vào mối quan hệ của cha mẹ và con cái, thông điệp GD là sự kết nối giữa trái tim với trái tim. Đứa trẻ là một thực thể phong phú và độc lập không đơn giản như chúng ta nghĩ. Khi nhận thức được điều đó chúng ta sẽ hạn chế việc khen thưởng hay phạt trẻ một cách vô lý và tham lam không cần thiết, tạo cho trẻ không gian dân chủ, tự chủ và phát triển lành mạnh. Hãy luôn ghi nhớ trong đầu rằng mục tiêu của nuôi dạy con là tạo ra một con người biết sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình chứ không phải tạo ra một người thỏa mãn các kì vọng của mình hay là người đem lại vinh quang cho bố mẹ.

Mấu chốt của việc nuôi dưỡng đạo đức ở trẻ là mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ. Mọi hướng dẫn hay can thiệp đều phải được thực hiện trong hơi ấm của tình mẫu tử, cảm giác an toàn, tình yêu thương vô điều kiện. Đó là những nhu cầu cơ bản của con người. Khi những nhu cầu tối thiểu này được thỏa mãn, trẻ trở nên cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Nhưng nếu những nhu cầu đó chưa được thỏa mãn, nó sẽ thúc giục, khiến trẻ không thể nhìn thấy nhu cầu của người khác. Chúng ta phải chuyển hóa mình để nuôi dạy con là một hành vi đúng.

Yêu thương đáng lẽ là một món quà thuần khiết mà cha mẹ dành tặng con, thế mà bây giờ nó lại bị ràng buộc với bao nhiêu điều, trở thành áp lực đè nặng trong tâm trí con, buộc con phải nỗ lực mới đạt được. Cha mẹ không cần phải lấy tình yêu của mình làm công cụ kiểm soát hay thúc ép con, mà hãy để tình yêu thương ấy trở thành cội rễ tiếp thêm nhựa sống cho con và là đôi cánh giúp con vươn mình tiến bước trong cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.