WHO đang kêu gọi các nhà sản xuất cần đẩy mạnh nâng cấp vắc-xin để đảm bảo chống dịch bền vững chứ không phải liên tục tiêm tăng cường.
Nhóm cố vấn kỹ thuật về vắc-xin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13/1 cho rằng, việc tiêm tăng cường các mũi vắc-xin đang lưu hành hiện nay sẽ không thể là chiến dịch lâu dài để nhân loại chống lại các biến chủng mới xuất hiện. Theo đó, việc yêu cầu người dân tiêm lặp đi lặp lại một loại vắc-xin hiện có đang cho thấy không còn phù hợp trong thời gian tới.
Trước sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, WHO kêu gọi các nhà sản xuất cần thiết phải điều chỉnh các loại vắc-xin hiện hành để tăng cường bảo vệ trước các biến chủng chắc chắn sẽ còn xuất hiện thêm.
Cụ thể, WHO gợi ý nghiên cứu và phát triển các loại vắc-xin có thể “tạo ra miễn dịch khỏe và lâu dài để giảm nhu cầu phải tiêm mũi tăng cường liên tiếp”.
Như vậy, các loại vắc-xin hiện nay trên thế giới sẽ phải nâng cấp nhằm không chỉ bảo vệ người tiêm khỏi biến chứng trở nặng, mà còn bảo vệ họ khỏi nguy cơ nhiễm biến chủng virus.
Ngoài ra, vắc-xin nâng cấp còn phải đủ khả năng giảm bớt các ca lây nhiễm trong cộng đồng và thực sự “chống lưng” cho các quốc gia nới lỏng phòng dịch trên diện rộng.
Hiện trên thế giới có tổng cộng 331 loại vắc-xin mới ngừa Covid-19 đang trong quá trình nghiên cứu. Số vắc-xin này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt và giúp thế giới chặn đứng đại dịch lịch sử hoành hành suốt hơn 2 năm qua.
Tuy nhiên, trước khi các loại vắc-xin mới này có thể đưa vào lưu hành thì việc nâng cấp và điều chỉnh các loại vắc-xin hiện có vẫn được coi là biện pháp thực tế hơn.
Trên thế giới đang sử dụng rộng rãi 9 loại vắc-xin ngừa Covid-19 được WHO chính phức phê duyệt, với những sản phẩm phổ biến như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson… Hiện, WHO tiếp tục khẳng định các loại vắc-xin được cấp phép này vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nặng và tử vong do các biến chủng của Covid-19 gây ra.
Theo thống kê của AFP, tổng cộng đến nay đã có khoảng 8 tỷ liều vắc-xin các loại ngừa Covid-19 được phân bổ tiêm tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng chính sự bất bình đẳng về phân phối vắc-xin đang đặt thế giới trước một thách thức trong việc có thể khống chế đại dịch hay không.
Tính đến đầu năm 2022, trong khi có hơn 67% công dân ở các nước phát triển và thu nhập cao được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin thì con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ đạt 11%.
Nhiều nước do chủ động được nguồn cung vắc-xin dồi dào đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mũi 3. Thậm chí Israel còn đang mở chiến dịch tiêm mũi vắc-xin thứ 4. Trong khi đó tại nhiều nước châu Phi, số người chưa được tiêm mũi 1 vẫn còn chiếm đa số.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, ngoài việc nâng cấp vắc-xin để không phải tiêm tăng cường đuổi theo biến chủng mới như hiện nay, thì việc bình đẳng hóa phân phối vắc-xin toàn cầu cũng là chiến lược quan trọng để giúp thế giới khống chế được Covid-19 trong năm 2022 như WHO dự đoán.