Biến thể phá vỡ “tham vọng” vắc-xin

GD&TĐ - Khi biến thể Omicron lần đầu tiên xuất hiện ở Nam Phi vào tháng 11/2021, không ít cảnh báo về sự lây lan theo cấp số nhân được đưa ra.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tốc độ lan truyền khủng khiếp của Omicron được phản ánh ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Anh - nơi số ca mắc tăng gấp đôi cứ sau hai ngày vào đầu tháng 12.

Điều gây lo ngại hơn nữa là sự lây lan nhanh chóng này xảy ra trong một quần thể có tỷ lệ tiêm chủng cao. Không ít người đặt ra câu hỏi rằng, liệu phương pháp bảo vệ nhờ vắc-xin đã thất bại? Song, thực tế, yếu tố này phụ thuộc vào cách xác định khả năng bảo vệ của vắc-xin.

Theo các chuyên gia, trước hết, cần xem xét đến việc vắc-xin có bảo vệ khỏi Covid-19 không? Ngay cả khi đối với các biến thể khác, như Delta, vắc-xin cũng không bảo vệ 100% khỏi Covid-19. Song, lớp bảo vệ này có thể giúp làm chậm quá trình lây lan của virus. Các chuyên gia nhấn mạnh, vắc-xin đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc ngừa bệnh nặng.

Khi Omicron lần đầu tiên được phát hiện, có nhiều lo ngại rằng, những đột biến mà nó mang theo sẽ cho phép biến thể thoát khỏi sự bảo vệ của vắc-xin. Thật vậy, dữ liệu cho thấy, hai liều vắc-xin Pfizer hoặc AstraZeneca có khả năng bảo vệ hạn chế trước Omicron. May mắn là, sự bảo vệ của vắc-xin này đã nhanh chóng được khôi phục bằng một liều tăng cường.

Tuy nhiên, khả năng mắc Covid-19 có thể xảy ra ngay cả ở những khu vực được tiêm mũi tăng cường như Anh và Israel. Omicron đã được báo cáo là có tỷ lệ gây tái nhiễm cao hơn các biến thể khác.

Tỷ lệ này cao hơn 5 lần so với Delta. Omicron được nhận định là gây bệnh nhẹ hơn. Song, mức độ lây nhiễm lớn cũng đồng nghĩa là nhiều người đang bị bệnh hơn.

Do đó, theo Andrew Lee - Giáo sư Y tế Công cộng tại Trường Đại học Sheffield (Anh), vắc-xin không phải là giải pháp duy nhất. Các biện pháp bảo vệ khác, như sử dụng khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên và thông gió tốt, đều đóng vai trò quan trọng.

Giáo sư Lee dự đoán, trong những tuần tới, khi người dân trở lại văn phòng và trường học sau kỳ nghỉ lễ, số ca mắc Covid-19 có thể tăng cao.

Song, đây không hẳn là tín hiệu xấu. Đối với nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, đại dịch đang chuyển dần sang lưu hành ở những khu vực nhất định. Khi đó, mặc dù virus vẫn lây lan, nhưng tình hình được cho là sẽ dễ đoán hơn. Mức độ miễn dịch cao của quần thể do tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh cũng đồng nghĩa với số ca nhập viện và tử vong liên quan đến Covid-19 thấp.

Song, trước bối cảnh Omicron có thể “xuyên thủng” hàng rào vắc-xin, các chuyên gia nhận định, việc chủng ngừa Covid-19 hằng năm có thể là cần thiết. Nhờ đó, duy trì khả năng miễn dịch cho người dân.

Các loại virus luôn đột biến. Vì vậy, nhiều chuyên gia dự đoán, những biến thể Covid-19 khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai và né tránh khả năng miễn dịch. Do đó, tới nay, vắc-xin vẫn là cách tốt nhất để chống lại chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.