Cuộc “đồng khởi” trên lĩnh vực văn hóa

GD&TĐ - Giữa chiến trường miền Nam khói lửa, trong tiếng bom rền, đạn nổ là lời ca, tiếng hát của từng đoàn văn công giải phóng mang niềm tin sắt đá và sức sống yêu đời chung của dân tộc luôn có sự cống hiến thầm lặng của người nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Một điểm biểu diễn văn nghệ trên Trường Sơn (Nguồn ảnh: Hoitruongson.vn)
Một điểm biểu diễn văn nghệ trên Trường Sơn (Nguồn ảnh: Hoitruongson.vn)

Chiếc nôi của nghệ sĩ chiến trường

Chỉ học cấp tốc trong 4 tháng nhưng đối với nghệ sĩ Cao Hà Giang, biên đạo múa của Đoàn Văn công giải phóng Trung ương Cục những ngày sống dưới mái trường mang tên dòng sông quê Bác - Lam Giang, là khoảng thời gian có ý nghĩa và đẹp nhất: “Nói là học tập nhưng công việc chủ yếu của thầy trò là vào rừng chặt cây dựng lán, đào giếng, đắp hầm.

Công trình có ý nghĩa nhất mà chúng tôi xây được là một hội trường lớn có sân khấu biểu diễn đủ cho 300 ghế ngồi. Khoa Ca và khoa Nhạc được ưu tiên nhất cũng có 2 hội trường nhỏ”. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, người học và người dạy đều phải tự lực cánh sinh để nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc lẫn nhau. Người có nhiều chia cho người có ít, người có ít nhường cho người không có gì. Một ngôi trường trong rừng sau những ngày gắn bó chung sống đã biến thành một gia đình lớn đầy tình thương yêu.

Trong “gia đình” đó “những đứa con” đủ các thành phần lứa tuổi mang nhiều giọng nói từ các miền quê tụ họp về. Hầu hết các nghệ sĩ chỉ qua “trường lớp” từ thực tế, biết ca biết múa rồi hòa nhập vào dòng chảy của các chương trình văn nghệ địa phương theo phong cách “cây nhà lá vườn”. Học nhạc nhưng có người chưa biết tư thế cầm đàn, học ca nhưng chưa rành các nốt chỉ vui theo phong trào. Nhạc lý hầu như mù tịt.

Những bài học vỡ lòng về nghệ thuật thật sự khó khăn khi trình độ người học quá chênh lệch. GV cũng không biết soạn giáo trình giảng dạy từ đâu. Đây cũng là những kỷ niệm khó quên đối với biên đạo múa Trường Sơn: “Không có giáo án, nhạc sĩ Vũ Thành soạn phần lý thuyết âm nhạc, cách sáng tác một bài hát. Khi viết giáo trình thanh nhạc, ca sĩ Trí Thanh đưa ra cách luyện giọng theo cộng minh. May mắn hơn các tiết mục múa như Tân Cương, Đầm sen, Soi gương, Trống Tây Nguyên được biên đạo Thành Đức mang từ miền Bắc vào”.

Ra đi từ chiếc nôi đầu tiên của cách mạng, được trang bị vốn kiến thức cơ bản về nghệ thuật, cùng với chiếc ba lô và khẩu súng trên vai, các nghệ sĩ háo hức đem hạt giống văn hóa đi gieo trồng khắp mọi vùng quê giải phóng. Không chỉ có thêm lực lượng mà các đoàn văn công còn được trang bị thêm về lý luận sáng tác và biểu diễn, xây dựng được nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần sản xuất và chiến đấu ngoài chiến trường. Một luồng gió mới về nghệ thuật đã làm nên không khí sáng tác và biểu diễn đầy sức lan tỏa để lôi cuốn người xem.

Ở ngoài bưng biền hay sát ven đô Sài Gòn, mặt trận văn nghệ cách mạng xông pha khắp chốn. Dù cuộc đời gặp nhiều mưa gió nhưng đôi chân các nghệ sĩ vẫn vững vàng trong máu lửa. Vũ khí chiến đấu của họ không phải là máy bay, tên lửa mà chính là sản phẩm âm nhạc “chào đời” ngay trên công sự. Chủ động trong công việc và sáng tạo trong sáng tác là khẩu hiệu động viên nhau của người nghệ sĩ.

Kỷ yếu ghi lại những năm tháng chiến trường không quên của Trường Ca múa nhạc Lam Giang
  • Kỷ yếu ghi lại những năm tháng chiến trường không quên của Trường Ca múa nhạc Lam Giang

Phong trào “đồng khởi” thứ hai

Vừa đứng lớp nhưng giảng viên chính Trí Thanh vẫn cho “ra lò” ca khúc Cây chông tre nổi tiếng sau khi “thị phạm” cho lớp học ca lại nhanh chóng đưa ra chiến trường phục vụ. Ca khúc Tâm tình người nữ quân y, Nhớ người chiến sĩ năm xưa, Anh giải phóng quân ơi, Qua sông Sài Gòn của thầy giáo Vũ Thành cũng “cất tiếng khóc chào đời” trong hoàn cảnh đặc biệt ấy. Cùng với viên đạn mũi chông, lời ca điệu múa của các đoàn nghệ thuật cách mạng góp sức không nhỏ vào những chiến công anh hùng.

Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Thị Tâm, nguyên nghệ sĩ Đoàn văn công Bến Tre nhớ lại: “Biết bao nỗi đau khi bị quân thù tra tấn dã man trong chuồng cọp ngoài ngục tù Côn Đảo. Thế mà mỗi khi nghe được lời ca cách mạng Kết liên lại, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Nam Bộ kháng chiến cất lên từ người bạn tù, tâm trạng tôi phấn chấn vô cùng. Tiếng hát làm tôi tỉnh lại, nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh bùng cháy”.

Các anh thương binh dân y tỉnh và quân y K76A và K76C vẫn nhớ mãi lời ca điệu múa của chị em nghệ sĩ Đoàn văn công tỉnh Bà Rịa đến phục vụ ngay tại trạm phẫu thuật tiền phương sau chiến thắng Bình Giã oai hùng. Nỗi đau da thịt như vơi bớt dần khi tiếng hát cất lên ngọt ngào qua nhạc phẩm Tâm tình người nữ quân y, Bài ca may áo, Chiếc khăn tay.

Âm nhạc đã xoa dịu vết thương dù đang rỉ máu trên từng cơ thể yếu ớt. Hơn cả đạn bom, sức mạnh nghệ thuật đã làm rung chuyển những cuộc tấn công của kẻ thù, xóa sạch sào huyệt đen tối quân xâm lược.

Đúng như lời khẳng định của Đại tá, NSƯT Vũ Thành: “Các chương trình nghệ thuật trong thời kỳ chống Mỹ được coi như một cuộc “đồng khởi” mới nối tiếp phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên chiến trường. Đây chính là dấu son cần được ghi nhớ về sự lớn mạnh của phong trào văn nghệ quần chúng và sự đóng góp lớn lao của đội ngũ văn nghệ sĩ một thời hoa lửa quên mình cống hiến tuổi thanh xuân và máu xương cho nền độc lập tự do của dân tộc”.

Cùng với tiếng súng rền vang của người chiến sĩ giải phóng quân khắp mọi nẻo đường, tiếng hát của các anh chị em nghệ sĩ cũng là một thứ vũ khí có sức mạnh ngàn cân làm lung lay ý chí quân thù và thắp lên ngọn lửa kiên cường của lòng dũng cảm cho chiến sĩ dệt nên những chiến công oai hùng mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử 30/4/1975 để non sông thu về một mối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ