Nên quan tâm nhiều hơn sự "hiến kế" của đội ngũ nhà giáo

Nên quan tâm nhiều hơn sự "hiến kế" của đội ngũ nhà giáo

(GD&TĐ) - Nửa thế kỷ đã qua, tên tuổi của nhà giáo, nhà quản lý giáo dục Lê Phú Lộc không chỉ gần gũi với người dân thành phố Đà Nẵng, mà còn được nhiều thế hệ trưởng thành từ trường Trung học bình dân Nam Trung bộ (do cố thủ tướng Phạm Văn Đồng sáng lập) và Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc nhắc nhớ. Không phải bằng những Huân, Huy chương, những danh hiệu mà NGND Lê Phú Lộc đạt được trong quá trình mười năm trực tiếp giảng dạy và 24 năm làm công tác quản lý, mà bằng phong cách sư phạm mẫu mực, lối sống thanh bạch, giản dị, thân ái với cộng sự, đồng nghiệp. Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cũng là lúc ông bước qua tuổi 90, chân đã run, giọng nói đã yếu ớt, nhưng sức sống của giáo dục vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Sau đây là cuộc trò chuyện của phóng viên Giáo dục & Thời đại với ông tại số nhà 161 Lê Lợi - Đà Nẵng.

P.V: Thưa NGND Lê Phú Lộc, lâu nay ông có còn theo dõi được những tin tức, sự kiện về giáo dục như trước hay không? 

NGND Lê Phú Lộc
NGND Lê Phú Lộc

NGND Lê Phú Lộc: Có chứ! Tôi có theo dõi đài, báo thường xuyên, và thấy có rất nhiều ý kiến trên các diễn đàn về đổi mới giáo dục. Gần đây nhất là các ý kiến phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6 về Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Phần đông là phát biểu của các ông, các bà có trình độ, vị thế xã hội, trong đó không ít suy nghĩ trái chiều nhau. Họ cũng có tâm huyết với giáo dục, nhưng không phải tất cả mọi ý kiến đều mới mẻ, sát thực tế bối cảnh xã hội hiện tại. Trong khi đó, với kinh nghiệm của một người có 10 năm trực tiếp giảng dạy và 24 năm làm công tác quản lý, tôi thấy sự hiến kế của đội ngũ CBQL, GV thực làm, thực dạy là quan trọng. Tuy nhiên, còn quá ít, nếu như không nói là tôi chưa đọc được, nghe được ý kiến của các thầy cô giáo đang giảng dạy ở các trường.  

P.V: Trên cơ sở nào mà ông cho rằng, ý kiến đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực dạy là quan trọng?

NGND Lê Phú Lộc: Tôi có quan niệm khác với nhiều người ở chỗ, chính các thầy cô giáo mới là những người đứng mũi chịu sào. Đặc biệt là giáo viên miền núi, nhờ có họ mà con em đồng bào dân tộc thiểu số mới khỏi bị thất học, trình độ dân trí mới được mở mang. Trước đây, thời kỳ còn làm Trưởng ty Giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt thực tế, biết được cả những khó khăn lẫn tâm tư, nguyện vọng của người thầy giáo, từ đó mới có thể biết mình cần phải làm những gì để cải thiện thực trạng. 

P.V: Có người cho rằng, người thầy giáo hôm nay có đời sống khá hơn trước rất nhiều nhưng lại không thực sự tâm huyết và trách nhiệm như người thầy trước đây. Ý kiến của ông như thế nào?

NGND Lê Phú Lộc: Mấy năm nay tôi yếu rồi, ít đi được tới đâu, chỉ thi thoảng ngày lễ, tết mới có đồng nghiệp, học sinh cũ tới thăm nên cũng không thu thập được gì nhiều. Tôi nghĩ, dù đã là người thầy thì ở thời nào bản chất của họ cũng là tốt đẹp, cũng tất cả vì học sinh của mình. Truyền thống nhà giáo Việt Nam rất đáng được ghi vào sử sách. Những chuyện này, chuyện nọ về nhân cách người thầy mà dư luận xã hội chỉ trích theo tôi chỉ là con số ít ỏi, hy hữu trong hàng ngàn, hàng vạn nhà giáo mà thôi. Còn nhớ sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, giáo dục phải đối đầu với bao gian nan chồng chất: trường lớp thiếu, giáo viên thiếu, bàn ghế thiếu, giấy bút thiếu. Đội ngũ giáo viên ở miền Bắc vào còn mỏng, đồng lương hạn hẹp, ít ỏi, lại không dễ thích nghi ngay với môi trường, hoàn cảnh. Những giáo viên kiên nhẫn, yêu nghề mới trụ bám lại được. Một cô giáo gặp tôi chỉ để xin tạm 5 tháng lên Tây Nguyên mua café bán vì “đói quá”; một giáo viên nam sắm 2 bộ quần áo, một bộ chuyên mặc đi dạy, một bộ đi xe thồ ngoài giờ, đến lúc tôi về hưu mới dám kể lại chuyện đó. Khổ như thế nhưng mà chất lượng vẫn đạt; vẫn tham gia phong trào này phong trào khác và cả các hoạt động xã hội. Đời sống giáo viên bây giờ có khá hơn trước, nhưng đồng lương vẫn chưa cao. Nhà giáo bây giờ có thâm niên, có phụ cấp, nhưng tiền chấm bài chưa có. Tôi thấy việc quy đổi số bài chấm ra số tiết để trả tiền như thời trước là rất cần thiết; có quy định như thế thì giáo viên mới ý thức hết trách nhiệm của mình, chấm bài mới kỹ, lời phê trong bài làm của học sinh mới có giá trị.  

P.V:  Ông có hiến kế gì cho chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” của Đảng, Nhà nước ta hay không?

(ảnh MH: Internet)
(ảnh MH: Internet)

NGND Lê Phú Lộc: Lâu nay, tôi có nhiều suy nghĩ muốn nói ra nhưng cứ sợ người ta bảo mình “cầm đèn chạy trước ô tô”. Theo dõi Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”, thấy cũng mừng, chỉ tiếc là mình đã không còn đóng góp được gì cho giáo dục nữa. Nhưng là một thầy giáo có gần 35 năm trong nghề, thì cũng phải có trách nhiệm gì đó, dù là nhỏ. Tôi thấy không thể phủ nhận thành tích giáo dục của chúng ta. Từ 1945 cho tới nay, giáo dục trải qua nhiều giai đoạn, có cải cách, có đổi mới, có đề ra triết lý, nguyên lý giáo dục, hướng tới sứ mệnh cao cả là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Trong thực tế, giáo dục chỉ ra không khó, nhưng làm mới khó. Tôi nghe người ta nói quá nhiều về hai chữ đổi mới. Từ Quốc hội, các nhà chính trị, nhà khoa học đều lên tiếng nhưng mà các thầy cô giáo thì ít thấy nói. Đổi mới dù muốn hay không cũng phải bắt đầu từ nhà trường. Khi Đảng đề ra đổi mới căn bản và toàn diện thì ở cơ sở cũng phải làm cho rõ thế nào là “căn bản”, thế nào là “toàn diện”, đổi mới căn bản, toàn diện là phải làm những gì? Trong khi Nghị quyết về đổi mới chưa có, thì các sở, các phòng giáo dục và các trường hãy cứ đổi mới đi, việc gì phải chờ đợi ở Bộ, ở Trung ương. Hãy tổ chức các hội nghị, hội thảo bàn định rõ, trao qua đổi lại với nhau làm thế này thì được còn làm thế kia thì chưa được. Chẳng hạn như chống đọc chép cụ thể là phải dạy như thế nào, lấy học sinh làm trung tâm là ra sao, thầy ở vị trí nào? Các trường sư phạm còn yếu kém thì  bắt đầu chỉnh đốn cho khỏi yếu kém đi. Ngay cả báo chí cũng cứ nói bất cập thế này, bất cập thế khác, nhưng lại ít khi chỉ ra cho người ta phải làm như thế nào để giải quyết bất cập. Rất nên có sự động viên đội ngũ giáo viên ở các trường giảng dạy cho tốt, quan tâm cải tiến chế độ tiền lương nhà giáo, phụ cấp thâm niên cho giáo viên về hưu.

Tôi làm thầy giáo trên 30 năm mà tới khi nghỉ hưu vẫn còn muốn được tiếp tục hoạt động cho giáo dục, huống gì các thầy cô giáo đang giảng dạy. Cần tranh thủ mạng lưới cán bộ quản lý giỏi, giáo viên giỏi hoạt động kết hợp với nhà trường, xây dựng cung cách hoạt động, quản lý nhà trường. 

P.V: Xin cảm ơn NGND Lê Phú Lộc.

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.