Đi là đến - Kỳ 2: Đi trong mùa hoa

GD&TĐ - Làm báo thời bao cấp, chuyến đi công tác nào của phóng viên cùng đều gian nan, vất vả. Vì thế để gợi hứng thú cho các chuyến công tác, tôi thường mượn cớ “Đi trong mùa hoa”. Đất nước ta bốn mùa hoa nở.

Đi là đến - Kỳ 2: Đi trong mùa hoa

Mùa xuân ư, hãy đến các bản của người Mông, ở đó hoa đào, hoa mận hòa sắc với trang phục của các thiếu nữ chơi xuân làm ta nôn nao như đi trong một vườn hoa. Mới thoáng nghĩ thế mà lòng tôi đã vui như đi hội. Thế là khoác ba lô lên đường! 

Mùa xuân ấy, tôi lên Xin Ma Cai, một huyện biên giới của tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Suốt một đêm vật vã trên tàu hỏa rồi lại suốt một ngày chạy đôn, chạy đáo khắp tỉnh lỵ liên hệ công tác, ai cũng khuyên nên ở lại thị xã vừa gần lại vừa thuận lợi cho đường về. Vì đường đi Xin Ma Cai toàn là đèo dốc, đá tảng, đá hộc, ba ngày mới có một chuyến ô tô lên. 

Nghe thế tôi vẫn không nản, đã quyết là đi, đã đi là phải đến! Sáng tinh mơ hôm sau, tôi ra bến xe mua vé. Còn hai tiếng đồng hồ nữa xe mới chạy, mà người xếp hàng đông nghịt. Nhà xe bắc loa thông báo, yêu cầu mọi người xếp hàng thứ tự, ai đến trước mua trước, không ưu tiên ai cả. 

Tôi giơ thẻ nhà báo hỏi: “Có thẻ nhà báo đi công tác, có được ưu tiên không?”. Trả lời: “Không! Nhà báo cũng phải xếp hàng”. Đến nước này, phải quay về Hà Nội thôi, vì có chịu khó xếp hàng ba ngày của chuyến xe sau cũng chưa đến lượt. 

Từ cái khó, ló cái khôn, tôi cầm thẻ nhà báo đến gặp trưởng bến xe nhẹ nhàng trình bày: “Tôi được tòa soạn cử lên Xin Ma Cai viết bài. Nhưng vì người mua vé đông, không được ưu tiên, tôi phải trở về Hà Nội. Xin đồng chí vài lời chứng nhận với chữ ký để tôi báo cáo lên tỉnh và…”. 

Ông trưởng bến lúc đầu mặt cau có xem xét giấy tờ, nhưng nghe tôi vừa nói đến đó, mặt bỗng giãn ra, ửng đỏ và khoát tay bảo: “Mời đồng chí ra ngoài đợi, chúng tôi sẽ xem xét trường hợp này”. 

Ra ngoài đứng đợi, khoảng tàn điếu thuốc thì có tiếng loa gọi tên mình vào mua vé, tôi nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Tôi đến xin Ma Cai không mấy thời gian để ngắm mùa hoa của đất trời mà bị lạc vào một mùa hoa khác. 

Ở trường Phổ thông Lao động, tôi gặp năm cô giáo đẹp như một đóa hoa năm cánh. Năm cô cùng quê Nam Định, cùng xung phong lên miền núi dạy học, cùng được về một trường, sống với nhau như năm chị em ruột. Các cô thường xuyên đến nhà học viên người Mông ở các đỉnh núi cao chót vót, vận động các em đến trường. 

Ở đây người già quý yêu nhận các cô là con. Còn các em nhỏ cứ níu áo không cho các cô về. Năm cô giáo ấy có tên của năm loài hoa: Mai, Lan, Huệ, Cúc, Hồng.

Có một chuyện cảm động làm tôi nhớ mãi trong chuyến đi này. Người Mông con ốm, cúng ma không thấy đỡ thì ôm con ra đường. Người gặp đầu tiên phải nhận đứa bé ốm ấy là con. 

Cô giáo Hợp ở Dào Giàn Sán, một sớm trên đường tới trường, cô gặp một bà mẹ bế đứa con gầy như cái giẻ vắt vai, mặt bé tái bợt, mắt nhắm nghiền. Bà mẹ vừa nhìn thấy cô đã vồn vã:

- Này nhận nó về làm con đi! Con ma sắp bắt nó đi rồi!

Không ngần ngại, Hợp bế thốc lấy đứa trẻ. Cô mang về trường chăm sóc, thuốc thang, đến ngày bé khỏe mạnh béo tốt mới đem trả cho cha mẹ nó. 

Từ đó tin cô giáo là thầy thuốc giỏi lan truyền khắp các bản. Nhà có người ốm không cúng ma nữa mà đến nhà cô giáo lấy thuốc. Cô giáo Hợp là một bông hoa rừng của người Mông ta! Dân khắp bản trên rẻo cao vùng biên giới này nói về cô như thế!

***

Tháng Ba Tây Nguyên, hoa pơ lang nở đỏ, mùa con ong lấy mật, mùa phát rẫy làm nương! Ấn tượng đó về Tây Nguyên trong tôi có từ thời ngồi trên ghế nhà trường được đọc trong các Trường ca Đam San, Xung Nhã. Tôi háo hức muốn đến ngay Tây Nguyên. Nhưng ấp ủ đó phải mãi tới sau ngày miền Nam giải phóng hơn một năm, tôi mới thực hiện được. 

Nhưng vừa đặt chân đến Buôn Ma Thuột, các đồng chí lãnh đạo ở Sở Giáo dục Đắc Lắc đã khuyên: Mới giải phóng, bọn phản động Phun rô còn hoạt động động mạnh ở vùng hẻo lánh, hôm qua chúng mới đốt phá một ngôi trường và bắn chết một cô giáo. Nguy hiểm lắm, các đồng chí không nên đi xa, chỉ quanh quẩn ở thị xã này thôi. 

Tưởng hết cơ hội. May sao, có một nhóm cán bộ an ninh tỉnh đi xuống vùng sâu công tác, tôi nằng nặc xin đi cùng. Trên xe có có trang bị đầy đủ vũ khí bộ binh. Họ nói vui, chúng tôi đi để hộ tống, bảo vệ nhà báo! 

Xe chạy trên cao nguyên mênh mông, những cây pơ lang ven đường nở hoa đỏ rực, lòng tôi rưng rưng về một vùng đất mới lạ, lần đầu tiên trong đời được nhìn ngắm. 

Xe chạy mải miết từ sáng sớm đến xế chiều mới tới một bản hẻo lánh gần biên giới Campuchia. Người đầu tiên tôi gặp là Hơ Lan, một cô gái Ê đê đến đây làm cô giáo vừa được một mùa rẫy. 

Trước Hơ Lan đã có mấy thầy cô giáo đến công tác ở bản nhưng không ai trụ lại được một tuần lễ. Đất này, người lạ tới chỉ dăm ngày là lên cơn sốt rét. Nhiều người bỏ về rồi không dám trở lại nữa. Còn Hơ lan cũng đã ba lần vào ra và giờ đây đứng vững trên mảnh đất này. 

Ở đây, ngày ngày cô hướng dẫn bà con vệ sinh phòng bệnh, dạy các em nhỏ học chữ, học múa, học hát. Từ ngày có cô, bản lúc nào cũng vui như ngày hội xuân. Mùa này, Tây Nguyên đang mùa hoa. Những bông hoa êpang nở trắng xen lẫn những đóa êguôn nở hồng và điểm xuyết những bông hoa tâm đoan nở tím. 

Cô giáo Hơ Lan thủy chung với bản làng, vì thế bà con và các em nhỏ ở đây gọi cô là bông hoa Tâm Đoan nở tím…

Say mê “đi trong mùa hoa” đã làm tôi mê muội với Đà Lạt. Tôi được nhiều lần đến với thành phố hoa này nhưng ấn tượng nhất là lần về thăm thầy trò các trường mẫu giáo, phổ thông ở vùng kinh tế mới Hà Nội. 

Đất mới vỡ, nhà mới làm mà hoa đã tràn ngập khắp mọi nơi. Rồi những cây hoa trồng làm hàng rào quanh nhà, quanh vườn rau, vườn ngô thỏa sức khoe màu. Thời bấy giờ, người ta đã cho biết ở đây có tới hơn ba trăm loại hoa đã được đặt tên. 

Tôi không thể nhớ hết và gọi tên chính xác từng loại hoa. Nhưng tôi lại rất nhớ về hai mươi cô giáo mới ra trường, còn rất trẻ, tình nguyện từ Hà Nội vào dạy học ở vùng đất mới mở. 

Tập thể giáo viên ở ngôi nhà hai tầng, trước cửa là một vườn hoa rực rỡ sắc màu. Từ đây các cô tỏa đi bốn “khu phố” và “bốn huyện” dạy học và thăm hỏi phụ huynh. Ở Hà Nội, một bước là lên xe, vào đây chủ yếu là đi bộ cho khỏe đôi chân. 

Cô giáo Đỗ Hòa Bình, trong một tháng đầu năm học đã đến thăm tất cả các gia đình học sinh của lớp. Tập thể lớp 5A thân thiết của cô coi cô như người chị cả, như người mẹ thứ hai. 

Cô giáo Thu Hà vốn là giáo viên trường mầm non Hà Nội. Cô tình nguyện vào đây xây dựng phong trào mẫu giáo. Cô tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho 17 giáo viên mới. Ai ốm, ai nghỉ dạy, cô sẵn sàng xuống lớp dạy thay. 

Nhiều người nói cô là “kho” múa hát vô tận, vì ngoài những điệu múa, bài hát học được, cô còn là tác giả của nhiều bài hát, điệu múa. Hôm tôi tới thăm, đúng lúc cô đang dạy các cháu một điệu múa mới: “Em chào những bông hoa!”. Bởi vài hôm nữa, khu tổ chức đại hội những người lao động xuất sắc, các cháu sẽ biểu diễn chào mừng...

Tạm biệt Đà Lạt bốn mùa hoa, sang hè năm ấy, những bông sen, bông súng ở vùng Đồng Tháp Mười và những đám lộc bình mang màu hoa tim tím lững lờ trôi trên các kênh rạch của đồng bằng sông Cửu Long lại lôi tuột tôi đi. 

Hàng tháng trời, lúc đò dọc, khi đò ngang tôi đến hàng chục ngôi trường ở vùng sâu hẻo lánh. Đất nước ta, ở đâu có hoa là ở đó có nhà trường và thầy cô giáo. 

“Đi trong mùa hoa” đến với những bông hoa trong phong trào thi đua “Hai tốt” của ngành Giáo dục, đó là cách để tôi có thêm ý chí vượt qua khó khăn, bền bỉ với nghề “đi và viết” hơn 30 năm của đời mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ