Cựu hoàng hậuIran Soraya Esfandiary Bakhtiari sở hữu nhan sắc quý phái. |
Soraya Esfandiary Bakhtiari chưa bao giờ tưởng tượng rằng một ngày nào đó mình sẽ thành thân với nhà vua Iran Mohammad Reza Pahlavi, thậm chí còn được trở thành hoàng hậu Iran trong 7 năm, từ 1951 đến 1958.
Soraya lớn lên ở cả Berlin và Isfahan (một thị trấn của Iran), sau đó đi học ở London và Thụy Điển, vì thế thời niên thiếu của bà khá tự do. Chính Công chúa Shams, chị gái của vua Pahlavi, là người phát hiện ra "viên ngọc thuần khiết" này trong một lần ở lại London.
Mohammad Reza Pahlavi trở thành vua Iran trong thời gian xảy ra bất ổn về chính trị hồi đầu Chiến tranh thế giới thứ hai. Ban đầu vua Pahlavi kết hôn với công chúa Fawzia của Ai Cập, và sinh được con gái Shahnaz và con trai Ali Reza.
Khi cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc, vua Pahlavi muốn tái hôn để đảm bảo ngai vị và sự ổn định trong cả nước. Ngay từ lần gặp đầu tiên ở London, công chúa Shams đã tin rằng cô gái trẻ Soraya chính là người vợ mà em trai đang tìm kiếm, bèn ngỏ lời mời Soraya quay trở lại Tehran. Hai ngày sau khi tới thủ đô Iran, Soraya đã được mời tới ăn tối với mẹ vua là Tadj ol-Molouk.
Ngày hôm sau, bố của Soraya nói với cô: "Nhà vua thích con lắm. Con có sẵn lòng kết hôn với ngài không?".
Chỉ 24 tiếng sau, lễ đính hôn của cô gái trẻ 18 tuổi Soraya với nhà vua Iran được tuyên bố, trong đó vua trao cho vợ tương lai một chiếc nhẫn có đính viên kim cương khổng lồ.
Theo kế hoạch, hôn lễ sẽ nhanh chóng được tổ chức, tuy nhiên do Soraya bị thương hàn, phải nằm trên giường bệnh suốt nhiều tuần, nên đám cưới bị hoãn lại. Tương truyền vua Pahlavi ngày nào cũng mang một món trang sức tới tặng cho Soraya và đặt nó lên gối.
Nhà vua Iran và vợ, hoàng hậu Soraya, trong đám cưới năm 1951. |
Sau nhiều tuần ngã bệnh, Soraya gần như không thể đứng lên. Bên ngoài, thời tiết lúc này lạnh giá, khắp nơi phủ tuyết trắng xóa. Để giúp vợ sắp cưới nhanh khỏi bệnh và bớt đau đớn, nhà vua Pahlavi yêu cầu đốt gỗ để sưởi ấm khắp cung điện. Bác sĩ cũng yêu cầu Soraya phải mặc áo len, đi tất len cho tới khi nào sức khỏe hoàn toàn bình phục.
Christian Dior được giao nhiệm vụ thiết kế váy cưới cho Soraya. Tuy nhiên mẫu váy bằng lụa trắng, dài 20 m trở nên quá nặng do được đính rất nhiều vàng ngọc. Trong đám cưới diễn ra ngày 12/2/1951, Soraya khoác lên mình mẫu váy cưới nặng hơn 30 kg.
Chỉ vài phút trước khi hôn lễ bắt đầu, vua Pahlavi và một trong những trợ tá của ông quyết định dùng kéo cắt bỏ bớt 8 m đuôi váy để nó bớt nặng. Nhờ thế, hoàng hậu mới của Iran mới có thể đứng vững và thoải mái hơn trong suốt buổi lễ và nghi thức tôn giáo diễn ra sau đó.
Trong những tháng đầu sau khi kết hôn, cuộc sống của vợ chồng vua Pahlavi diễn ra êm đẹp. Sống trong biệt thự màu trắng rộng lớn, nhà vua và vợ mới tận hưởng những giây phút êm đềm, lãng mạn như trong truyện cổ tích. Gia đình hoàng gia cũng như người dân Iran đều mong ngóng hoàng hậu Soraya sẽ sớm có tin vui. Nhưng đứa trẻ ấy không xuất hiện.
Cuộc sống riêng của vợ chồng nhà vua Pahlavi bắt đầu bị bàn tán vào tháng 10/1954. Tối 26/10, mẹ vua tổ chức một bữa tiệc trong cung điện để chúc mừng sinh nhật con trai.
Chỉ trước đó ít ngày, bác sĩ của Soraya đã tiến hành thăm khám và xác nhận có thể phải nhiều năm nữa thì hoàng hậu trẻ mới có thể sinh con nối dõi.
Với tâm trạng rầu rĩ sẵn có, vua Pahlavi đã nổi giận khi nghe tin em trai, Hoàng tử Ali Reza, người tiếp theo trong danh sách thừa kế ngai vàng, sẽ không tới dự tiệc do chuyến bay chở hoàng tử trở về từ biên giới biển Caspia bị hoãn.
Ngày hôm sau, hoàng gia Iran rơi vào cảnh đau buồn, tiếc thương khi hay tin chiếc máy bay chở hoàng tử Ali trở về thủ đô Tehran bị rơi.
Điều khủng khiếp đó khiến triều đại Pahlavi và cả nước Iran rơi vào tình trạng rối loạn. Trước khi mất, hoàng tử Ali Reza sinh được cậu con trai Patrick với một phụ nữ trẻ người Pháp, nhưng quyền thừa kế của Patrick lúc bấy giờ vẫn chưa rõ ràng. Vua Pahlavi nhận ra mình đang kẹt trong tình thế khó khăn, vì ông chưa có người nối dõi.
Kể từ giây phút đó, cuộc hôn nhân của hoàng hậu Soraya trở nên bi đát. Áp lực chính trị, áp lực gia đình dồn lên cặp vợ chồng. Vua Pahlavi và vợ đành quyết định giải pháp duy nhất là ly hôn. Thông tin cuộc hôn nhân chính thức chấm dứt được công bố ngày 14/3/1958.
Hoàng hậu Soraya sau đó rời Iran và đến sống ở Thụy Sĩ, nơi bà luôn trở thành tâm điểm của các phóng viên paparazzi trên khắp thế giới. Họ đặt cho bà biệt danh "hoàng hậu với đôi mắt sầu muộn".
Tuy ly hôn nhưng vua Pahlavi vẫn chu cấp, tạo điều kiện để vợ cũ được hưởng cuộc sống thoải mái, đủ đầy. Bà từng di chuyển tới Rome, Munich và cuối cùng là định cư ở Paris. Soraya được mời đến rất nhiều bữa tiệc, thậm chí được mời đóng phim. Tuy nhiên bộ phim này không gặt hái nhiều thành công.
Mỗi khi xuất hiện ở các sự kiện, cựu hoàng hậu Iran luôn gây chú ý khi ăn mặc xinh đẹp nhưng không quá xa hoa. Những món đồ trang sức đính kim cương, đá quý, sapphire và ngọc lục bảo của bà đều do các hãng trang sức hàng đầu như Cartier, Bulgari, Harry Winsto, Van Cleef & Arpels, thiết kế.
Đầu những năm 1980, khi cuộc cách mạng hồi giáo Iran nổ ra khiến cuộc sống của Soraya trở nên khó khăn, bà quyết định bán đi vài món trang sức. Một trong số đó là chiếc vòng cổ kim cương thương hiệu Harry Winston, từng được đem bán đấu giá ở Geneva vào ngày 17/11/1988.
Hoàng hậu Soraya qua đời ở Paris vào ngày 25/10/2001, trong khi nhà vua Pahlavi đã mất từ trước đó khoảng 20 năm ở thủ đô Cairo, Ai Cập.
Bà không gặp lại chồng cũ kể từ sau khi ông bị truất ngôi trong cuộc cách mạng Hồi giáo. Bijan, em trai của Soraya, là người thừa kế tài sản.
Ông bay từ Munich tới Paris để dự đám tang chị gái nhưng qua đời vài ngày sau do lên cơn đau tim. Nhà của cựu hoàng hậu được bán đấu giá vài tháng sau đó.