Cuộc đời đáng nể của 'nàng thơ Mexico thứ 10'

GD&TĐ - Nửa cuối thế kỷ XVII, châu Mỹ xuất hiện nhà thơ nữ gây náo động văn đàn có tên là Juana Inés de la Cruz.

Dù bị khống chế và đàn áp bởi Giáo hội, sơ Juana vẫn đấu tranh cho quyền theo đuổi tri thức và nữ quyền suốt đời. Ảnh: Peoplesworld.org
Dù bị khống chế và đàn áp bởi Giáo hội, sơ Juana vẫn đấu tranh cho quyền theo đuổi tri thức và nữ quyền suốt đời. Ảnh: Peoplesworld.org

Tuy chọn làm sơ trong nhà thờ nhưng cả đời bà đấu tranh với Giáo hội vì quyền lợi tiếp cận tri thức và nữ quyền.

Nữ tu ham hiểu biết

Sơ Juana chào đời ngày 12/11/1648 tại San Miguel Nepantla, trong thời Mexico bị Tây Ban Nha thuộc địa và có tên khai sinh là Juana Inés de Asbaje y Ramírez de Santillana. Cha của Juana là một thuyền trưởng đến từ vùng Basque của Tây Ban Nha còn mẹ là nữ doanh nhân Mexico.

Vì giữa 2 người không có quan hệ hôn nhân và sợ sự có mặt của Juana làm ảnh hưởng đến danh tiếng nên Juana không được người cha công nhận là con gái.

Cuoc doi dang ne cua nang tho Mexico thu 10 (1).jpg
Chân dung sơ Juana (1648 - 1695). Ảnh: Wikipedia.oỏg.

Trái với người cha vô trách nhiệm và hèn nhát, mẹ của Juana vô cùng mạnh mẽ. Bà không chỉ sinh ra Juana khỏe mạnh, mà còn nuôi dưỡng, dạy dỗ Juana tinh thần độc lập ngay từ thuở còn thơ.

Mới 3 tuổi, Juana đã bộc lộ tài năng đọc, viết hơn người và được công nhận là thần đồng. Juana thường trốn ông ngoại vào thư viện đọc sách, mày mò tự học. Năm 5 tuổi, cô bé thông thạo Toán cơ bản và 8 tuổi thì có sáng tác gây ấn tượng mạnh. Năm 13 tuổi, Juana tự làm giáo viên dạy chữ viết cho các em nhỏ hơn, học thêm tiếng Nahuatl và thử sáng tác bằng ngôn ngữ này.

Cũng trong năm 13 tuổi, Juana chuyển đến thủ đô Mexico, sống nhờ ở nhà bác gái ruột và bước vào xã hội thượng lưu, nhận được nhiều sự ngưỡng mộ cũng như kết giao bằng hữu tốt. Một trong những người bạn tuyệt vời nhất của Juana trong thời gian này là Phó vương Puebla, người sẽ trở thành nhà bảo trợ mạnh nhất của Juana trong tương lai.

Năm 17 tuổi, Juana phải đưa ra lựa chọn trọng đại nhất trong đời là kết hôn hay vào tu viện. Cuối cùng, cô chọn trở thành sơ vì tu viện có thư viện - thánh địa của tri thức và chỉ phụ nữ độc thân mới được phép trở thành sơ khi đó so với phụ nữ cùng thời, tu nữ được độc lập, tự chủ hơn một chút.

“Phượng hoàng châu Mỹ”

Cuộc sống trong tu viện đặt ra cho Juana nhiều thách thức hơn sơ nghĩ. Trong khi Juana cứ tưởng vào đây là được thoải mái đọc sách, theo đuổi tri thức và viết lách thì thời gian ở thư viện bị hạn chế, những gì viết ra bị kiểm tra, chỉ trích và bác bỏ.

Các giám mục liên tục khuyên bảo và ép buộc sơ nên tập trung tu hành, phục vụ tu viện thay vì quan tâm đến các vấn đề thế tục. “Tu nữ thì nên tập trung cầu nguyện chứ không phải là viết lách”, Giám mục António Vieira nhấn mạnh.

Bất chấp việc bị phủ nhận, Juana ngày càng tích cực viết. Sơ làm chủ nhiều thể loại sáng tác và chủ đề khác nhau, đặc biệt dành nhiều tâm huyết cho chủ đề nữ quyền. Bằng thế lực to lớn và Tòa án Dị giáo, Giáo hội Công giáo ra sức uốn ép Juana. Chính vào lúc này, mối quan hệ bằng hữu tốt với Phó vương Puebla đã mang lại cho sơ chỗ dựa vững chắc nhất.

Thực tế, tên tuổi của Juana đã nổi như cồn từ trước khi trở thành nữ tu. Phó vương và phó vương hậu, vì quá hiếu kỳ trước tin đồn thiếu nữ Juana mới 16 tuổi đã tinh thông mọi kiến thức nên mời các nhà thần học, triết gia, nhà văn, thậm chí cả nhà thẩm phán mở buổi kiểm tra kiến thức toàn diện.

Trước bất cứ câu hỏi nào, Juana cũng đều trả lời rành mạch, sau đấy còn ứng khẩu thành thơ khiến tất cả mọi người phải bội phục. Sau buổi kiểm tra này, Juana trở thành nhân vật được ngưỡng mộ nhất và cô gái nhận được nhiều lời cầu hôn nhất.

Hay tin Juana bị chèn ép, Phó vương Puebla và vợ ông lập tức ra tay giúp đỡ. Họ cho phép sơ công khai đối đầu với Giáo hội bằng chiến luận và giúp sơ xuất bản tất cả các tác phẩm. Nhờ thế mà chỉ cần phía Giáo hội đưa ra lời phê phán, răn đe nào, Juana cũng đáp trả không chậm trễ.

Ví dụ như trước câu: “Tu nữ thì nên tập trung cầu nguyện chứ không phải là viết lách” của Giám mục António Vieira, sơ đã trả lời ngay bằng bài luận vừa sắc bén vừa hóm hỉnh, phân tích rõ tại sao phụ nữ cũng nên được hưởng quyền lợi giáo dục và tham gia vào các cuộc hội thảo tri thức.

Cuoc doi dang ne cua nang tho Mexico thu 10 (3).jpg
Nhiều sáng tác của sơ Juana vẫn còn được giữ lại. Ảnh: Thecollector.com.

Năm 1695, dịch bệnh tràn qua tu viện mà Juana đang tu hành. Nhiều tu nữ bị mắc bệnh nên sơ bỏ công việc viết lách để chăm sóc họ và cuối cùng, bà cũng bị lây bệnh rồi qua đời.

Suốt cuộc đời, sơ Juana sáng tác và đấu tranh vì nữ quyền không ngừng nghỉ. Di sản của bà là cả kho tàng thơ, văn, kịch, tiểu luận… đồ sộ, đến mức được công nhận là tác giả nổi bật nhất của văn học Thời đại Hoàng kim Tây Ban Nha và Baroque Tây Ban Nha. Thế giới đương thời nể phục gọi bà là “Phượng hoàng châu Mỹ” còn văn đàn thì gọi bà là “Nàng thơ Mexico”.

Ngày nay, sơ Juana vẫn được công nhận là một trong các tác giả, nữ tu và tiếng nói nữ quyền nổi bật nhất văn học Mỹ Latinh. Năm 1990, đạo diễn Maria Luisa Bemberg (Chile) cho ra mắt bộ phim “Tôi, kẻ tồi tệ nhất” (I, the Worst of All) kể lại chi tiết cuộc sống đầy hạn chế trong 4 bức tường tu viện cũng như mối quan hệ phức tạp giữa bà và Giáo hội.

Năm 1995, Mexico khắc tên bà bằng vàng trên tường danh dự của Quốc hội. Thị trấn quê hương của sơ Juana, San Miguel Nepantla cũng được đổi danh thành Nepantla de Sor Juana Inés de la Cruz để vinh danh bà.

Theo thecollector

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.