Cuộc đời của nữ đại gia bí ẩn nhất nước Mỹ

Cuộc đời của nữ đại gia bí ẩn nhất nước Mỹ

Trong số những chuyện lạ về người bị ám ảnh tích trữ và sống ẩn giật, câu chuyện của Ida Wood có lẽ là đáng kinh ngạc nhất. Bà là một nữ đại gia sống tại New York vào cuối thế kỷ 19 trước khi tự nhốt mình trong căn hộ 2 giường tại khách sạn Herald Square. 

Bà không bao giờ ra ngoài và không tiêu quá vài xu mỗi ngày. Năm 93 tuổi, người phụ nữ này buộc phải ra khỏi căn phòng đó. Lúc này, trái phiếu và cổ phiếu trị giá hàng chục nghìn đô la được tìm thấy giấu trong hộp đựng giày. 

Bà Ida cũng giấu trang sức đắt tiền, trong đó có một vài sợi dây chuyền kim cương được cất trong hộp bánh quy. Về tiền mặt, người phụ nữ này có khoảng 500.000 USD toàn tờ tiền mệnh giá 10.000 USD được ghim bên trong váy ngủ.

Vào tháng 3/1932, cư dân bí ẩn tại khách sạn Herald Square đã liên lạc với phần còn lại của thế giới. Ida Wood đã lao ra ngoài kêu cứu vì chị gái bà đang hấp hối. 

Vậy là sau 24 năm, người phụ nữ 93 tuổi này đã tự nguyện mở cửa. Không lâu sau đó, người quản lý khách sạn cùng một bác sĩ và người làm đã xuất hiện tại căn phòng của bà. 

Chị gái Ida, bà Mary E. Mayfield đã nằm chết trên chiếc ghế dài phủ một tấm vải. Tuy nhiên, căn phòng của bà Ida đã khiến những người có mặt phải sửng sốt. Nó chật chội với đống giấy báo màu vàng, vài cái hòm lớn, một cái bếp nhỏ ở trong phòng tắm, hàng trăm hộp bánh quy và chồng giấy bọc cũ.

Bà Ida đã già và sức khỏe khá yếu. Các luật sư đã được đưa tới để điều tra vụ việc. Mặc dù tự nhận mình rất nghèo nhưng người ta đã tìm thấy một lượng lớn của cải bên trong đống rác của căn phòng mà bà ở. Đó là những trái phiếu, cổ phiếu, trang sức và tiền mặt. 

Việc phát hiện ra căn phòng khách sạn giống như mộ của Pharaon Tutankhamun này đã xôn xao khắp các mặt báo nước Mỹ thời bấy giờ.

Vụ án trong căn phòng khách sạn đã khơi dậy sự tò mò của luật sư Morgan O’Brien Jr. khiến ông bắt đầu điều tra.

Ông phát hiện ra rằng trong 7 năm, quản lý khách sạn này chưa một lần nhìn thấy bà Ida Wood hay người chị gái quá cố của bà ta. Bằng cách nào đó mà họ lại trả được các hóa đơn bằng tiền mặt. 

Theo hồ sơ khách sạn, hai chị em nhà họ cùng với con gái bà Ida, cô Emma Wood đã chuyển đến căn hộ 2 phòng này vào năm 1907. Một cuộc điều tra sau đó đã tiết lộ rằng Emma Wood, người đã chết vào năm 1928 ở tuổi 71 có thể là người em út của bà Ida.

Những người hầu gái tại khách sạn cho biết dù họ có cố làm gì, ít nhất là thay ga giường, thì nhân viên cũng chỉ được đổi khăn và ga giường qua khe nứt trên cửa bởi chị em nhà họ không cho bất cứ ai bước vào trong. 

Trong cuộc thẩm vấn nhân viên bê đồ tại khách sạn, ông Morgan biết được thói quen ăn uống của chị em bà Ida. Suốt nhiều năm, họ luôn đặt những thứ giống nhau, đó là bánh quy, trứng, thịt xông khói, cà phê và sữa cô đặc, có đôi khi là cá. 

Họ chuẩn bị bữa ăn trên cái bếp nhỏ tạm thời. Thỉnh thoảng, bà Ida có yêu cầu xì gà Havana, thuốc hít Copenhagen và những lọ petroleum jelly để mát xa mặt. 

Người khuân đồ nói rằng, mỗi lần giao hàng anh nhận được 10 xu tiền típ từ bà Ida. Bà luôn nói với anh rằng tiền là thứ cuối cùng mình có.

Cuộc đời của nữ đại gia bí ẩn nhất nước Mỹ ảnh 1

Bà Ida là vợ hai của ông Benjamin Wood, một nhân vật tiếng tăm tại New York thời bấy giờ.

Rõ ràng bà Ida là người ẩn dật, một kẻ keo kiệt, một người nghiện tích trữ. Thế nhưng quá khứ của bà ấy còn hấp dẫn ông Morgan nhiều hơn. 

Đào sâu quá khứ của bà, ông phát hiện ra Ida Wood từng là một người giao thiệp rộng trong xã hội New York, vợ của cố nghị sĩ Benjamin Wood - người sở hữu một doanh nghiệp đóng tàu và chủ tờ New York Daily News (không phải tờ báo cùng tên hiện đang hoạt động). 

Anh trai ông Benjamin là Fernandao Wood, cựu thị trưởng thành phố New York. Benjamin lấy vợ hai khi ông bắt đầu quan hệ yêu đương với Ida, người kém ông 17 tuổi.

Một ngày nọ, Benjamin Wood nhận được một lá thư lạ từ cô gái tự xưng là có dòng máu quý tộc. Cô nói mình là con gái chủ đồn điền trồng mía tại Louisiana, Henry Mayfield và mẹ là Ann Mary Crawford, hậu duệ của Bá tước Crawford.

"Ngày 28/5/1857

Ngài Wood,

Nghe danh ngài đã lâu, tôi mạo muội viết thư cho ngài khi nghe được một quý cô trẻ, một trong những "người yêu cũ" của ngài nói về ngài. 

Cô ấy nói ngài thích những "gương mặt mới". Tôi nghĩ mình là người mới trong thành phố và trong chuyện yêu đương, tôi có thể kết giao thân mật với ngài, trong khoảng khoảng thời gian bao lâu tùy ngài thấy phù hợp. Tôi tin mình có ngoại hình không tệ, không gây khó chịu. 

Có lẽ tôi không đẹp như quý cô đang ở bên ngài nhưng tôi biết nhiều hơn và người xưa đã nói "Kiến thức là sức mạnh". Nếu ngài muốn một cuộc gặp riêng, xin gửi thư đến... để nói rõ thời gian chúng ta có thể gặp nhau".

Lý do mà Ida viết thư đề nghị ngoại tình với người đàn ông bà chưa từng gặp mặt vẫn chưa được biết đến. Bà Ida không giàu có cũng chẳng quý phái. Ngay cả cái tên Ida Mayfield cũng là do bà tự nghĩ ra.

 Bà là con gái một người nhập cư Ailen, tên khai sinh là Ellen Walsh, lớn lên tại Massachusetts. Tất cả các mối quan hệ gia đình ở bang Louisiana đều do bà Ida bịa ra. Trẻ, đẹp, nghèo và đầy tham vọng, Ellen rời khỏi nhà năm 19 tuổi với giấc mơ Mỹ kỳ lạ, đó là trở thành người của xã hội thượng lưu New York.

Tất cả quá khứ của Ida là một nền tảng dối trá. Bà bắt đầu nghiên cứu các mối quan hệ trong giới thượng lưu của thành phố thông qua tin đồn và báo chí. 

Bà nghe đến cái tên Benjamin Wood khá thường xuyên và sau khi biết ông có người tình, bà quyết định trở thành tình nhân của ông. 

Thông qua mối quan hệ với Benjamin, bà Ida dễ dàng bước vào giới thượng lưu New York. Bà rất hoạt bát và đáng yêu, luôn được chào đón tại những buổi dạ hội và tiệc tùng. 

Ida từng gặp các ứng viên tổng thống thời bấy giờ là Abraham Lincoln và Samuel Tilden, từng khiêu vũ với Edward - Hoàng tử xứ Wales. Sau 10 năm làm tình nhân, khi vợ ông Benjamin chết, hai người đã kết hôn.

Dù rất giàu có nhưng ám ảnh về tiền bạc đã khiến bà Ida chôn vùi cuộc đời trong căn phòng khách sạn.

Ida đã biến mọi bất hạnh thành tài sản của mình. Trên thực tế, Benjamin Wood có thu nhập tốt và là một nhà từ thiện hào phóng, nhưng ông ta lại có một vấn đề, đó là thói quen đánh bạc. 

Bà Ida đã đồng ý với chồng là sẽ không can thiệp vào chứng nghiện cờ bạc của ông, miễn là ông trả tiền cho bà mỗi lần thua bạc và chia một nửa số tiền lãi mỗi lần thắng. 

Bằng cách đó, bà đã giữ được tiền. Khi không có tiền mặt, ông Benjamin đã để bà Ida đứng tên tài sản. Sau đó, bà dần tiếp quản tờ báo của chồng và trở thành một trong những nhà xuất bản nữ đầu tiên trong ngành công nghiệp báo chí.

Khi ông Benjamin qua đời năm 1900, tờ New York Times viết: "Ông Wood không có bất động sản và tài sản cá nhân của ông có giá trị rất nhỏ". Ông ấy đã để mọi thứ dưới tên bà Ida. 

Với cái tên do mình tự nghĩ ra, bà Ida có được nhiều thứ hơn những gì mình tưởng tượng. Bà đã đi khắp thế giới, mặc đồ và đeo trang sức xa hoa, có tài sản riêng đứng tên, là người của giới thượng lưu và cuối cùng là tự nhốt mình trong phòng khách sạn.

Nhưng sau đó, thay vì tận hưởng sự giàu có và địa vị của mình, bà Ida trở nên hoang tưởng về tài sản. Trạng thái tinh thần của bà bắt đầu xấu đi. 

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1907 đã chôn vùi bà. Bà đã rút tất cả số tiền của mình khỏi ngân hàng, bán toàn bộ bất động sản, bán cả tờ báo. Với tất cả số tiền ấy, bà chuyển đến một căn phòng khách sạn cùng 2 chị em gái và ở lại đó trong 24 năm cuối đời.

Theodanviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.