Cuộc đời của cha đẻ bom nguyên tử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi Mỹ tham chiến cùng Đồng minh vào năm 1941, Oppenheimer được đề cử vào Dự án Manhattan tối mật, với mục đích phát triển vũ khí nguyên tử.

Cuộc đời của cha đẻ bom nguyên tử

Hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người, dẫn đến sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản trong Đại chiến Thế giới II.

Day dứt khôn nguôi, Oppenheimer, cha đẻ của hai quả bom, đã dành phần lớn cuộc đời kêu gọi ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân.

Đứng đầu dự án tuyệt mật

Sinh tại New York năm 1904, Julius Robert Oppenheimer có cha mẹ là người nhập cư Do Thái gốc Đức. Gia đình ông giàu có với việc kinh doanh, nhập khẩu hàng dệt may.

Ông tốt nghiệp xuất sắc Đại học Harvard chỉ sau ba năm học tập, sau đó học Vật lý lý thuyết ở cả Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Göttingen (Đức). Lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 23, ông sớm được làm việc gần gũi với những nhà khoa học nổi tiếng nhất thời đại.

Sau khi Mỹ tham chiến cùng lực lượng Đồng minh vào năm 1941, Oppenheimer được đề cử vào Dự án Manhattan tối mật, với mục đích phát triển vũ khí nguyên tử. Cấp trên của Oppenheimer vô cùng ấn tượng bởi kiến thức sâu rộng cùng khả năng làm việc phối hợp và truyền cảm hứng của ông đối với các nhà khoa học khác. Năm 1942, Oppenheimer được giao đứng đầu phòng thí nghiệm bí mật, nơi bom nguyên tử được thử nghiệm.

Khi giới chức quân đội tìm vị trí thích hợp cho một phòng thí nghiệm như vậy, Oppenheimer - người yêu thích vùng Tây Nam nước Mỹ và sở hữu một trang trại ở New Mexico, đã đề xuất địa điểm là Trường tư thục Los Alamos gần Santa Fe. Chẳng mấy chốc, ông đã quản lý hàng trăm, rồi hàng nghìn nhân viên ở Phòng thí nghiệm Los Alamos.

Oppenheimer không chỉ tập hợp một nhóm gồm những bộ óc lỗi lạc nhất trong thời đại của mình mà còn truyền cảm hứng, tổ chức và khích lệ họ trong công việc. Nhà vật lý Victor Weisskopf sau này nhớ lại: “Ông ấy thể hiện về mặt trí tuệ, thậm chí cả mặt thể chất ở mỗi quyết định”.

Vào ngày 16/7/1945, Oppenheimer và một số nhà khoa học khác tập trung tại bãi thử Trinity ở phía Nam Los Alamos, tiến hành vụ thử nổ hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Đó là một khoảnh khắc căng thẳng.

Các nhà khoa học đều biết quả bom mà họ đặt tên là “Gadget” sẽ định hình tương lai của thế giới. Tuy nhiên, họ cũng tin rằng vũ khí này có thể giúp chấm dứt Thế chiến II. Mặc dù chiến tranh ở châu Âu đã kết thúc, người Mỹ vẫn lo ngại giai đoạn đẫm máu nhất của cuộc chiến còn ở phía trước, bởi vì người Nhật vẫn còn kháng cự mạnh mẽ.

Oppenheimer dành phần đời còn lại để giảng dạy và vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Oppenheimer dành phần đời còn lại để giảng dạy và vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nỗi day dứt của nhà khoa học

Tiến hành trong bí mật, thử nghiệm đã thành công mỹ mãn. Vào ngày 6 và 9/8/1945, Mỹ thả hai quả bom mà Oppenheimer giúp phát triển xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản). Vụ nổ quét sạch cả hai thành phố với quy mô tàn phá chưa từng thấy trước đây, khiến ít nhất 110.000 người thiệt mạng.

Vào đêm xảy ra vụ ném bom ở Hiroshima, Oppenheimer được đám đông đồng nghiệp ở Los Alamos tung hô. Ông tuyên bố, điều hối tiếc duy nhất của ông là quả bom đã không được chế tạo đúng lúc để sử dụng chống lại Đức Quốc xã.

Mặc dù rất phấn khích về thành tựu của mình, các nhà khoa học vẫn kinh hoàng trước thiệt hại của dân thường trong cuộc tấn công. Họ lo lắng vũ khí này sẽ thúc đẩy các cuộc chiến trong tương lai thay vì ngăn chặn chúng.

Vài tuần sau vụ thả bom nguyên tử, Oppenheimer đã viết một bức thư cho Bộ trưởng Chiến tranh cảnh báo “sự an toàn của quốc gia này không thể nằm hoàn toàn, thậm chí chủ yếu ở sức mạnh khoa học hoặc công nghệ. Nó chỉ có thể dựa trên việc biến các cuộc chiến tranh trong tương lai thành bất khả thi”.

Oppenheimer đã dành phần lớn cuộc đời của mình sau chiến tranh để vận động hành lang ngăn chặn vũ khí hạt nhân, lên tiếng phản đối nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển một quả bom hydro mạnh hơn. Ông cho rằng, Mỹ chỉ nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân về mặt chiến thuật và theo đuổi các ứng dụng khác của công nghệ hạt nhân, như tạo ra năng lượng chẳng hạn.

Điều này khiến ông có không ít kẻ thù trong giới chính trị. Tại một phiên điều trần vào năm 1954, sau khi xem xét những quan điểm của Oppenheimer, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử đã thu hồi giấy phép an ninh của ông. Động thái này chỉ bị đảo ngược vào năm 2022 , sau khi các quan chức chính phủ xem xét lại trường hợp của Oppenheimer và nhận thấy cuộc điều tra có sai sót và trái luật.

Oppenheimer không bao giờ trở lại phục vụ chính phủ, thay vào đó ông thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật thế giới, giảng dạy về khoa học và đạo đức cho đến khi qua đời vào năm 1967.

Mặc dù đã giúp đỡ tạo vũ khí “cần thiết” để kết thúc chiến tranh, phá hủy toàn bộ thành phố và mở ra một giai đoạn mới đầy nguy hiểm, nhưng với nỗi ray rứt và ân hận, ông đã tích cực vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân trong suốt phần đời còn lại của mình.

Cho đến nay, các cuộc tranh luận lịch sử vẫn tiếp tục về việc liệu Chính phủ Mỹ có lắng nghe lời khẩn cầu của các nhà khoa học, rằng bom nguyên tử chỉ nên triển khai nhằm vào các mục tiêu quân sự hay thậm chí được thử nghiệm công khai trước đó nhằm răn đe, buộc Nhật Bản đầu hàng, để tránh tổn thất quá lớn lao cho dân thường hay không.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ