Những cô gái Calutron của dự án chế bom nguyên tử

GD&TĐ -Dự án Manhattan chế tạo vũ khí nguyên tử đầu tiên trên thế giới sử dụng khoảng 130.000 nhân sự.

Giờ tan ca của những 'cô gái Calutron'.
Giờ tan ca của những 'cô gái Calutron'.

Ngoài các nhà khoa học làm việc ở phòng thí nghiệm, còn có hàng nghìn cô gái trẻ khác được phân công vận hành những cỗ máy phức tạp. Họ được gọi là “Những cô gái Calutron”, với trình độ học vấn hạn chế.

Cũng như hầu hết nhân viên trong nhà máy, họ không biết mình đang làm gì cho đến khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima.

Công việc đơn giản bên cỗ máy phức tạp

Calutron - viết tắt cụm từ “California University Cyclotron” - là máy đo khối phổ (mass spectrometers), được sử dụng trong quy mô công nghiệp tại nhà máy làm giàu uranium (U) Y-12 ở thị trấn Oak Ridge, bang Tennessee, Mỹ. Mỗi calutron bao gồm một buồng chân không được kẹp giữa hai nam châm.

Khi một chùm tia mang điện tích U-235 và các ion U-238 được bắn qua buồng chân không, do khối lượng khác nhau, từ trường khiến chúng tách ra và lệch theo các góc khác nhau và bị mắc kẹt trong các bộ thu.

Khi calutron lần đầu tiên được phát triển tại Đại học California, chúng được vận hành bởi các nhà khoa học và những người có bằng tiến sĩ, với công việc là loại bỏ sai sót và đạt được tốc độ hoạt động hợp lý.

Sau khi calutron được điều chỉnh ổn định, việc vận hành trở nên khá đơn giản, nhưng đòi hỏi sự giám sát liên tục của con người - một nhiệm vụ mà bất kỳ người nào cũng có thể làm được, với một vài khóa huấn luyện cơ bản.

Sau khi nhà máy Y-12 được chuyển giao cho Công ty Tennessee Eastman, từ năm 1943 đến 1945, một số lượng lớn phụ nữ trẻ ở địa phương đã được tuyển dụng để vận hành máy móc. Các giám sát viên Y-12 nhận thấy những cô gái làm việc với calutron tốt hơn so với những người đàn ông có trình độ học vấn cao, nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật.

“Nếu có gì đó không ổn với calutron, các nhà khoa học nam sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân, trong khi phụ nữ tiết kiệm thời gian bằng cách thông báo cho người giám sát một cách đơn giản” - Explore Oak Ridge viết - “Ngoài ra, các nhà khoa học thường loay hoay với mặt số quá nhiều, trong khi phụ nữ chỉ điều chỉnh chúng khi cần thiết”.

Các cô gái làm việc theo ba ca, mỗi ca 8 tiếng. Công việc của họ là ngồi trên những chiếc ghế cao bằng gỗ, để điều chỉnh tay cầm, núm vặn và công tắc, trong khi theo dõi đồng hồ để đảm bảo rằng cây kim ở trong một phạm vi hẹp trên mặt số. Nếu cây kim đi quá xa và họ không thể đưa nó trở lại vị trí ban đầu, họ phải gọi người khác đến giúp.

Các 'cô gái Calutron' trẻ làm công việc đơn giản bên những cỗ máy phức tạp.

Các 'cô gái Calutron' trẻ làm công việc đơn giản bên những cỗ máy phức tạp.

Bí mật tuyệt đối

Sau chiến tranh, hầu hết các “cô gái Calutron” được cho nghỉ việc, họ tản mác khắp nước Mỹ, làm nhiều nghề khác nhau. Sự bí mật nghiêm ngặt ở Oak Ridge đã ăn sâu trong tâm trí, họ không nói một lời về công việc thời chiến của mình - ngay cả với con cháu - cho đến khi nghỉ hưu rất lâu. Họ là chủ đề của cuốn sách phi hư cấu “The Girls of Atomic City” của Denise Kiernan và tiểu thuyết “The Atomic City Girls” của Janet Beard.

Những người phụ nữ làm việc với sự bí mật tuyệt đối, mặc dù họ không biết đang bảo vệ loại thông tin nào. Khi tan sở, họ ngủ trong các ký túc xá, ăn ở nhà ăn của nhân viên, có thể đi xem phim địa phương hoặc đến sân chơi bowling. Tuy nhiên, ngay cả ở đây, quy định bí mật cũng được áp dụng.

Gladys Owens, cựu nhân viên Calutron, nhớ lại người quản lý của cô đã nói với nhóm, “Chúng tôi có thể huấn luyện các bạn cách làm những gì cần thiết, nhưng không thể cho biết các bạn đang làm gì”.

Còn Ruth Huddleston, một cựu Calutron khác thì kể, cô được người sếp cho biết: “Những gì các bạn học được ở đây và những gì các bạn làm ở đây, sẽ phải ở lại đây. Đừng nói với gia đình bạn. Đừng nói với bạn bè của bạn. Tất cả những gì bạn cần biết là bạn đang làm việc để giúp kết thúc chiến tranh”.

Mặc dù làm việc trong vòng bí mật, nhưng những cô gái cũng hiểu được có điều gì đó khác lạ đang xảy ra. Phòng điều khiển nơi các cô làm việc có từ trường rất mạnh, có thể kéo những chiếc đinh ghim ra khỏi tóc và giật tua vít trong túi của họ. Mọi người thường xuyên bị mất nhẫn, đồng hồ và khóa thắt lưng.

“Các cô gái Calutron” bị cấm thảo luận về công việc của họ với bất kỳ ai. Những người đặt quá nhiều câu hỏi hoặc bị bắt gặp nói về công việc của họ sẽ sớm biến mất. Khi một cô gái không trở về ký túc xá, những người lân cận được cho biết cô ấy đã “chết vì uống một ít rượu lậu có chất độc”.

Một cô gái sau này cho biết: “Ngay cả khi ai đó cho rằng chúng tôi đang chế tạo một quả bom, tôi cũng không hiểu họ muốn nói gì. Tôi chỉ là một cô gái quê mùa, không biết gì về bom nguyên tử”.

Trong hai năm, các calutron ở Y-12 đã tạo ra khoảng 64 kg U-235, đủ để chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên. Vào ngày 6/8/1945, sau khi Hoa Kỳ thả quả bom đầu tiên xuống Hiroshima, các cô gái Calutron cuối cùng mới được cho biết họ đã làm gì.

Sau khi nhận ra vai trò của mình trong việc tạo ra quả bom, nhiều công nhân Calutron có cảm xúc lẫn lộn về sự mất mát tàn khốc ở Nhật Bản. “Một ngày sau khi họ ném quả bom xuống Nhật Bản, chúng tôi mới biết mình có góp phần trong đó” - Ruth Huddleston sau đó cho biết - “Chúng tôi đang sản xuất uranium. Tôi cảm thấy vui vì đã giúp vào việc kết thúc chiến tranh, nhưng vẫn cứ bâng khuâng khi nghĩ mình cũng có phần trách nhiệm trong việc gây ra những cái chết thương tâm. Tôi vẫn luôn bận tâm về điều này”.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...

Cha con NSƯT Quyền Văn Minh sẽ chơi cùng các nghệ sĩ band Bình Minh Jazz Club.

NSƯT Quyền Văn Minh tái ngộ khán giả

GD&TĐ - NSƯT Quyền Văn Minh và con là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) trong liveshow 'Cha, con và nhạc Jazz'.