Còn trong bảng xếp hạng các trường đại học và chương trình sau đại học của tổ chức US News năm 2021, nước này nằm ở vị trí 39.
Bất chấp những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực giáo dục, số lượng thanh thiếu niên Ai Cập du học ngày càng tăng. Theo số liệu gần đây của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), số lượng sinh viên Ai Cập du học đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua.
Bà Sherifa Amin, Trợ lý giáo sư tại Đại học Emirates, Mỹ, nhận định: “Vấn đề nằm ở chỗ chương trình giảng dạy trong các trường công lập lẫn tư thục tại Ai Cập đã lỗi thời. Giáo dục Ai Cập vẫn thiên về cung cấp thông tin và kiểm tra khả năng ghi nhớ của người học. Vì vậy, nhiều người lựa chọn du học”.
Lựa chọn học tập tại Đại học Sorbonne, Pháp, học sinh phổ thông Tamara Hoshy, sống tại thủ đô Cairo, chia sẻ: “Em đã học tập ở Ai Cập suốt thời gian qua nhưng em muốn học đại học ở Pháp. Ngoài những ưu điểm của việc du học, không ai có thể bỏ qua cơ hội học tập tại một trong những trường tốt nhất thế giới”.
“Để cải thiện hệ thống giáo dục tổng thể ở Ai Cập, người trẻ cần dễ dàng tiếp cận với các cơ hội học tập trong nước và chất lượng học tập được nâng cao. Vì vậy, giáo viên cần được đào tạo lại và đào tạo liên tục để tăng tính chuyên nghiệp”, bà Sherifa Amin bày tỏ.
Chương trình Phát triển Quốc tế (IDP) phân tích cử nhân quốc tế được các nhà tuyển dụng trên khắp thế giới săn đón. Du học sinh có một số lợi thế nhất định so với sinh viên trong nước như khả năng linh hoạt, nhận thức về văn hóa, khả năng giao tiếp... Do đó, các em có cơ hội được tuyển dụng cao hơn, đặc biệt là sau khi tốt nghiệp và trở về nước.
Tuy nhiên, trong quá trình theo đuổi bằng cấp quốc tế, nhiều thanh niên Ai Cập có kỹ năng, trình độ chuyên môn và khả năng cạnh tranh việc làm cao đã không trở về nước.
Hiện tượng này còn gọi là “chảy máu chất xám”, nơi các nước đang phát triển mất đi số lượng lớn trí thức và chuyên gia có thể góp phần đổi mới và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.
Theo nghiên cứu do Gallup thực hiện, 77% cộng đồng người Ai Cập sống tại nước ngoài nói rằng họ muốn tiếp tục sống tại nước ngoài, chỉ 9% muốn trở lại Ai Cập.
Nhằm hạn chế số lượng thanh niên du học, Chính phủ Ai Cập đã đưa ra một số chính sách như mở các trường đại học công lập mới; thiết lập quan hệ đối tác học thuật với các trường đại học ở nước ngoài và tăng thứ hạng của các trường đại học trong nước trên bảng xếp hạng quốc tế
Bà Sherifa Amin ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Ai Cập nhằm tăng cường hệ thống giáo dục, giảm thiểu số lượng sinh viên tìm kiếm cơ hội tại nước ngoài. Tuy nhiên, cần chú trọng hơn vào việc thay đổi cốt lõi của vấn đề là hệ thống giáo dục.