Giáo dục Ai Cập: Những vấn đề nhức nhối

GD&TĐ - Hệ thống giáo dục Ai Cập đang gặp nhiều vấn đề rắc rối khiến nhiều phụ huynh tỏ ra thất vọng và lo lắng.

Học sinh tiểu học ở Cairo, Ai Cập.
Học sinh tiểu học ở Cairo, Ai Cập.

Thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu nhân lực giảng dạy… đang là những thách thức lớn khiến chất lượng giáo dục ở đây không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Thiếu thốn trầm trọng

Một số hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội khiến các bậc phụ huynh phẫn nộ, trong đó những đứa trẻ ngồi trên sàn nhà để nghe cô giáo giảng bài. Vì lớp học không có bàn ghế nên học sinh để vở lên đùi. Đây chỉ là một trong số những điều ảm đạm khiến Bộ trưởng Giáo dục, Tiến sĩ Tarek Shawky phải hứng nhiều chỉ trích.

Ở một nơi khác, 6 - 7 đứa trẻ phải chen chúc xung quanh một chiếc bàn duy nhất trong lớp học có khoảng 50 - 70 học sinh. Tại đây, người ta bỏ qua sự lo lắng về sự lây lan Covid-19 vì có một vấn đề lớn hơn. Đó là tình trạng thiếu trầm trọng phòng học cấp tiểu học và giáo viên mầm non. Bộ Giáo dục Ai Cập ước tính, năm nay hệ thống này sẽ thiếu 200 - 300 nghìn giáo viên và 28 nghìn phòng học.

Ba năm trước, chính phủ Ai Cập quyết định trang bị máy tính bảng cho 1,2 triệu học sinh năm đầu tiên của cấp THPT và 625 nghìn học sinh năm thứ 2 của cấp học này để tiết kiệm chi phí in sách giáo khoa.

Đi ngược lại lời khuyên của các chuyên gia giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục khi cảnh báo, hơn 60% trường học ở Ai Cập chưa được chuẩn bị để thích ứng với thiết bị này, chính phủ vẫn mua 1,8 triệu máy tính bảng với chi phí 3,6 tỷ bảng Ai Cập (hơn 5,2 nghìn tỷ đồng).

Một số trường học, chủ yếu là các trường học ở nông thôn, thiếu cơ sở hạ tầng, thậm chí nếu đường truyền Internet tốt nhưng học sinh lại không biết cách dùng máy tính bảng. Quốc hội đã yêu cầu chính phủ xem xét quyết định trên và trước tiên hãy đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trước khi cho học sinh chuyển sang dùng máy tính bảng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục vẫn bảo lưu ý kiến của mình và chương trình máy tính bảng đã được tiến hành trong khi phần lớn các thiết bị này phải cất trong tủ các trường học. Một phần lý do vì nhà nước yêu cầu phải trả dần số tiền (khoảng 150 nghìn đồng/tháng) để mua thiết bị. Chi phí này được xem là quá cao đối với nhiều gia đình Ai Cập, đặc biệt là các gia đình có 2 hoặc 3 con đang học trung học.

Ngoài ra, Bộ trưởng đưa ra lệnh cấm quay phim trong lớp học hoặc sân trường, cấm phụ huynh và du khách vào trường, đồng thời cảnh báo không phổ biến hình ảnh mô tả tình trạng các lớp học.

Một lớp học tiểu học ở Giza, Ai Cập.
Một lớp học tiểu học ở Giza, Ai Cập.

Tận dụng giáo viên “tình nguyện”

Năm nay, tình trạng thiếu giáo viên trở nên trầm trọng đến mức Bộ trưởng Giáo dục Ai Cập đã đưa ra ý tưởng để giáo viên thất nghiệp và sinh viên tốt nghiệp đại học tình nguyện tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, đây không phải là công việc hoàn toàn tình nguyện vì mỗi giáo viên này sẽ được trả khoảng 29 nghìn đồng cho mỗi giờ dạy.

Bằng cách trên, chính phủ có thể tránh phải thuê hàng trăm nghìn giáo viên với mức lương bình thường kèm theo các điều kiện và quyền lợi. Trong khi đó, những giáo viên “tình nguyện” có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào. Bộ trưởng Giáo dục đã tìm cách loại bỏ nỗi lo về kỹ năng hoặc kinh nghiệm của những giáo viên này bằng cách cung cấp các khóa đào tạo cấp tốc hoặc thuê giáo viên đã nghỉ hưu để dạy trong chương trình mới.

Nhiều giáo viên tình nguyện cho biết, họ đã tham gia khóa đào tạo, vượt qua các bài thi tuyển và phỏng vấn được tổ chức ở Cairo nhưng không được nhận vào làm công việc tạm thời này.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, ông Tarek Shawky nói rằng, thất bại không phải là từ phía ông mà thuộc về người tiền nhiệm đã không phát triển hệ thống giáo dục đúng cách để hiện giờ ông phải nhận “trái đắng”.

Ông Tarek Shawky cho biết, chính phủ đã phân bổ số tiền tương đương khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho giáo dục tiểu học. Trong khi đó, Thủ tướng Mustafa Madbouly cho rằng, chính phủ đã đầu tư cho giáo dục gấp 10 lần so với năm 2013. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tỷ giá hối đoái của đồng bảng Ai Cập so với đồng đô la Mỹ khi đó khác bây giờ. Hơn nữa, theo quy định, chính phủ phải phân bổ 6% tổng sản phẩm quốc gia (GNP) cho giáo dục, trong đó 4% cho tiểu học và trung học, 2% cho giáo dục đại học, nhưng chính phủ mới chỉ phân bổ 2,4% cho toàn bộ hệ thống giáo dục.

Một hội chợ sách ở Ai Cập.
Một hội chợ sách ở Ai Cập.

Chất lượng giảng dạy đáng lo ngại

Sự thiếu hụt kinh phí để xây dựng trường học, thuê giáo viên cố định chỉ là một phần thất bại của hệ thống giáo dục Ai Cập. Điều quan trọng hơn là chất lượng giảng dạy, năng lực và kỹ năng của giáo viên và chương trình giảng dạy như thế nào?

Một số trường học đã bắt đầu thực hiện những thay đổi trong cách đưa ra các bài kiểm tra và tài liệu vào lớp học bên cạnh sử dụng các video và trò chơi giáo dục. Tuy nhiên, ngay cả ở những nơi này, trẻ em vẫn được yêu cầu trả lời các câu hỏi chỉ dựa trên sách giáo khoa vì như lời một học sinh nói, “đó là những câu trả lời duy nhất mà giáo viên công nhận”.

Trong khi đó, hoạt động dạy kèm ở Ai Cập diễn ra rất nhộn nhịp ở mọi cấp. Giáo viên dạy ở trường buổi sáng sẽ có thêm thu nhập thông qua các lớp dạy thêm vào buổi tối. Một học sinh ở thành phố Alexandria cho biết, giáo viên cố tình làm khó học sinh trong lớp để phụ huynh phải thuê họ dạy kèm cho con em mình.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nhận được nhiều lời khen ngợi về cải cách kinh tế với những dự đoán về mức tăng trưởng 2,5 - 4,5% trong năm nay và năm sau.

Tuy nhiên, những con số đáng khích lệ trong lĩnh vực kinh tế không liên quan đến khả năng cạnh tranh lâu dài của Ai Cập trên thị trường thế giới với các sản phẩm chất lượng do nước này sản xuất. Chúng cũng không giải quyết được sự thiếu hụt lớn về nhân lực có kỹ năng cần thiết để phát triển và áp dụng các công nghệ tiên tiến, bởi vì điều đó đòi hỏi một hệ thống trường học chất lượng cao từ những giai đoạn đầu tiên.

Theo Haaretz

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.