Giáo dục Ai Cập: Ác mộng từ bê bối thi cử

GD&TĐ - Kì thi tốt nghiệp THPT luôn là viễn cảnh kinh khủng đối với học sinh Ai Cập về mức độ cạnh tranh. Sau vụ việc đề thi bị rò rỉ năm nay, kì thi này còn biến thành cơn ác mộng.

Giáo dục Ai Cập: Ác mộng từ bê bối thi cử

Ác mộng thi lại vì… lộ đề

Cuối tháng 6, nữ sinh Mariam Khaled sau khi kết thúc một môn thi tốt nghiệp THPT (kì thi cũng có ý nghĩa quyết định tấm vé vào đại học) trở về nhà ngủ một giấc dài để lấy lại sức. Nhưng lúc tỉnh giấc thì Khaled cảm thấy vô cùng chán nản khi biết rằng sẽ phải làm lại bài thi vì đề thi bị lộ.

Đề thi bị lộ “khiến những người miệt mài ôn luyện ngang bằng với những người chẳng học hành gì” – Khaled, 18 tuổi, có ước muốn trở thành kĩ sư, chia sẻ - “Tôi đã dồn sức cho bài thi và việc phải thi lại khiến tôi thực sự chán nản”.

Gia đình của Khaled cho biết đã phải cố gắng nhiều cho giấc mơ học cơ điện tử tại một trường ĐH công lập của con gái. “Gia đình tôi eo hẹp tiền bạc khi lo cho cháu ôn thi. Nay thi lại sẽ thêm khoản tốn kém” – Ola Mahfouz, mẹ của Khaled, chia sẻ.

Chi phí học trường đại học tư là gánh nặng tài chính lớn cho những gia đình thu nhập trung bình tại Ai Cập. Vì thế đa phần học sinh thi vào trường công, những ngành có mức độ cạnh tranh nhất là cơ điện tử và y – những ngành được trả lương cao trong xã hội.

Vụ rò rỉ đề thi như một giọt nước tràn li sự bức xúc của dư luận đối với hệ thống giáo dục Ai Cập. Giáo dục Ai Cập bị chỉ trích là giáo viên trường công chỉ được nhận lương rất thấp, buộc họ phải dạy thêm – và vô hình trung khiến những học sinh con nhà có điều kiện được đặt lên bệ phóng cao hơn ở những kì thi quốc gia có ý nghĩa quan trọng tới sự nghiệp tương lai.

Một nhóm thành viên mạng xã hội Facebook đã kêu gọi nhà chức trách tăng lương giáo viên và cập nhật chương trình sao cho đáp ứng thị trường việc làm. Hơn 12% người Ai Cập thất nghiệp, ở thời điểm cuối năm 2015, với tỉ lệ chiếm gần 28% trong những người trẻ tuổi – theo thống kê chính thức.

Xử phạt nặng

Một trong những cách thức đối phó với nạn rò rỉ đề thi hiện nay là xử phạt nặng đối với hành vi này.

Hồi đầu năm, Toà án đã tuyên án 1 năm tù với một sinh viên vì tội xâm nhập đánh cắp và tiết lộ đề thi trên mạng Internet. Đây là án hình sự đầu tiên đối với hành vi gây rò rỉ đề thi. Ahmad Ousam, thú nhận với Toà án Misdemeanour tại Giza, gần Cairo, rằng đã tung đề thi lên trang Facebook cá nhân. Toà cũng buộc sinh viên 19 tuổi nộp án phạt 20.000 pound Ai Cập (khoảng 2.250 USD).

Với vụ rò rỉ đề thi hồi cuối tháng 6, văn phòng công tố cho biết sẽ điều tra về sự việc vì cho rằng nó ảnh hưởng tới “các lợi ích lớn nhất của đất nước”. Mới đây, Bộ trưởng giáo dục El-Helaly el-Sherbeeny tuyên bố chính phủ Ai Cập sẽ xử phạt rất mạnh tay với bất cứ ai có hành vi gây rò rỉ hoặc tung đáp án đề thi lên mạng.

Cụ thể ông Sherbeeny cho biết, những người bị kết tội trong vấn đề này có thể bị phạt hành chính lên tới 50.000 bảng Ai Cập (5.600 USD) và đối mặt với án tù 3 năm.

Bộ Nội vụ Ai Cập đã bắt giữ nhiều người, trong đó có cả một số cán bộ thuộc Bộ Giáo dục Ai Cập, vì tội để rò rỉ đề thi.

Với gần nửa triệu học sinh theo học bậc THPT trong năm học này, thách thức cải cách hệ thống giáo dục là vô cùng lớn. Sự cố lộ đề thi ảnh hưởng tới hơn 5.600 thí sinh dự kì thi tốt nghiệp THPT năm nay. Bộ Giáo dục hứa sẽ sửa lỗi của hệ thống thi cử trong năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.