Ai Cập: Giới sinh viên “dậy sóng” trước cái chết của cựu Tổng thống Morsi

GD&TĐ - Trước sự ra đi đột ngột của cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, nhiều tổ chức sinh viên quốc tế đã yêu cầu một cuộc điều tra về nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này. Nhiều ý kiến cho rằng, ông Morsi đã bị vi phạm nhân quyền nhiều năm, kể từ sau khi bị bắt giữ.

Hàng loạt sinh viên và các tổ chức GD kêu gọi cuộc điều tra về cái chết của cựu Tổng thống Ai Cập
Hàng loạt sinh viên và các tổ chức GD kêu gọi cuộc điều tra về cái chết của cựu Tổng thống Ai Cập

Phản ứng từ cộng đồng quốc tế

Cựu Tổng thống Morsi từng là giảng viên ĐH về kỹ thuật; đồng thời, cũng là lãnh đạo cấp cao của phong trào Hội Huynh đệ Hồi giáo. Ông Morsi được bầu làm Tổng thống Ai Cập vào năm 2012 nhưng chỉ nắm quyền một năm trước khi các cuộc biểu tình lớn nổ ra và bị quân đội lật đổ vào tháng 7/2013. Cựu Tổng thống Ai Cập cùng hơn 100 người bị kết án tử hình sau đó.

Tuy nhiên, phán quyết này bị rút vào cuối năm 2016. Cựu Tổng thống Morsi bị xét xử vì hàng loạt cáo buộc, trong đó có tội gián điệp và âm mưu hợp tác với các nhóm tình báo nước ngoài. Ông đã phải thụ án chung thân sau khi bị kết tội làm gián điệp cho Qatar, cùng bản án 20 năm tù vì sát hại người biểu tình hồi tháng 12/2012.

Ngày 17/6 vừa qua, cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã đột tử khi đang tham gia phiên xét xử tại tòa án thủ đô Cairo. Thông tin từ Truyền hình quốc gia Ai Cập cho biết, ông Morsi đột nhiên ngất xỉu và tử vong không lâu sau đó. Thi thể ông đã được chôn cất ở Cairo.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày ông Morsi qua đời, một tổ chức sinh viên tại Mauritania tự phong là “Sáng kiến sinh viên”, đã kêu gọi các nhà chức trách Ai Cập điều tra về cái chết của cựu Tổng thống 68 tuổi.

“Chúng tôi kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế minh bạch về các trường hợp có thể xảy ra và tìm hiểu nguyên nhân cái chết của cựu Tổng thống Ai Cập”, tuyên bố cho biết. Bên cạnh đó, hàng loạt sinh viên cũng đã biểu tình trước Đại sứ quán Ai Cập ở thủ đô Nouakchott (Mauritania). Tuy nhiên, những người này đã bị cảnh sát buộc giải tán không lâu sau đó. Người lãnh đạo cuộc biểu tình là Mohamed Mahmoud Saidi Mohamed cũng bị bắt giữ.

Hôm 18/6, hàng trăm giảng viên, học giả và cả sinh viên tại bang Kashmir (Ấn Độ) đã tập hợp bên ngoài tòa nhà trung tâm của ĐH Kashmir và cầu nguyện cho cựu Tổng thống Morsi.

Ngoài ra, tại hai quốc gia ở châu Phi là Tunisia và Algeria, hàng loạt người dân đã đổ xuống đường phố biểu tình, nhằm phản đối cách chính phủ Ai Cập đối xử với ông Morsi. Theo thống kê, có khoảng 5.000 sinh viên Negeria đã dành một phút tưởng niệm vị cựu Tổng thống Ai Cập này.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra tuyên bố và kêu gọi “một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nguyên nhân cái chết của ông Morsi, trong đó có cả các điều kiện giam giữ ông”. Theo ông Rupert Colville, phát ngôn viên của Văn phòng này, điều kiện nơi cựu Tổng thống 68 tuổi bị giam là nguyên nhân chính dẫn đến sự hoài nghi và phản đối quyết liệt từ cộng đồng quốc tế. “Nhiều lo ngại cả về chăm sóc y tế, cũng như việc liệu ông Morsi có được tiếp cận với luật sư và gia đình trong suốt gần 6 năm bị bắt hay không”, ông Colville nhấn mạnh.

Tham gia kêu gọi điều tra, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Đông và Bắc Phi, bà Sarah Leah Whitson khẳng định, ông Morsi qua đời do “bị chính phủ ngược đãi suốt nhiều năm” và “không được chăm sóc y tế một cách thỏa đáng. Ít ra thì chính phủ Ai Cập đã có hành vi lạm dụng nghiêm trọng đối với cựu Tổng thống Morsi bằng cách từ chối các quyền tối thiểu của tù nhân”, vị Giám đốc bức xúc lên án. Mới đây, một kiến nghị toàn cầu đã được đề ra trên trang web Change.org, yêu cầu điều tra nguyên nhân qua đời của ông Morsi.

Nhà chức trách phủ nhận sự liên quan

Trước nhiều phản đối từ cộng đồng quốc tế, chính quyền Ai Cập và các phương tiện truyền thông địa phương khẳng định, cựu Tổng thống Morsi đã qua đời do một cơn đau tim và bị đột quỵ, sau thời gian dài mắc bệnh gan và tiểu đường.

Trong một tuyên bố vào ngày 18/6, cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập đã cho rằng, các cáo buộc của Liên Hợp Quốc là biểu hiện của “đạo đức xuống cấp”; đồng thời, khẳng định Liên Hợp Quốc đang “nỗ lực nhằm sớm đạt được kết quả do động cơ chính trị”. Ngoài ra, cơ quan chính phủ này cũng nhấn mạnh, những lời buộc tội về việc không cung cấp dịch vụ y tế cho ông Morsi là “không có cơ sở”.

Ông Ahmed Hafez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ai Cập đã “lên án” các đề xuất của Liên Hợp Quốc và khẳng định cái chết của cựu vị Tổng thống 68 tuổi là “một trường hợp tử vong tự nhiên”. Cũng theo ông Hafez, Liên Hợp Quốc đang làm lu mờ các thể chế của nhà nước Ai Cập, cũng như sự liêm chính của tư pháp Ai Cập. Vị phát ngôn viên bức xúc tuyên bố, mọi cáo buộc từ các tổ chức quốc tế đều “vô căn cứ”.

Trái ngược với những bác bỏ kịch liệt ở trên, thông qua một bài đăng trên mạng xã hội Twitter, nhóm hoạt động Ai Cập có tên “Phong trào Thanh niên ngày 6/4” đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của cựu Tổng thống Morsi và cả các sinh viên. “Ông Mohamed Morsi đã đột quỵ trong lần hầu tòa mới đây, sau nhiều năm bị bắt giữ và vi phạm nhân quyền, cũng như bị thờ ơ về kiểm tra y tế”. Cũng theo nhóm hoạt động này, đó còn là hành động “lạm dụng gia đình và những người ủng hộ ông Morsi”.

Cho đến nay, không có cuộc biểu tình lớn nào diễn ra ở quốc gia này sau cuộc biểu tình tại El-Adwah – quê hương của cựu Tổng thống Morsi. Một phần nguyên nhân của biểu tình là do ông Morsi không được phép an nghỉ tại quê hương. Chia sẻ với truyền thông, ông Sayed - một người bạn của gia đình cựu Tổng thống cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị tổ chức tang lễ cho Tổng thống và đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng chúng tôi đã không ngờ rằng tranh chấp với chính phủ sẽ đạt đến mức này, khi họ ngăn người thân và dân chôn cất một người thân yêu”.

Theo UniversityWorld News; Middle East Eye

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ