Trong khi tình hình chiến sự ở miền đông Ukraine đã lắng dịu phần nào, thủ đô Kiev của nước này lại đang chứng kiến một cuộc chiến ngầm cũng khốc liệt không kém giữa các “ông trùm”, những nhà tài phiệt có thừa tiền bạc và quyền lực ở đất nước bất ổn này.
Ngày 23/3, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố chính phủ sẽ mở chiến dịch trấn áp “hoạt động buôn lậu và tham nhũng”, và nhà chức trách đã ra lệnh cho các công ty an ninh tư nhân của Ukraine phải giải pháp vũ khí trong vòng 24 giờ, sau khi một nhóm vũ trang tràn vào chiếm công ty dầu mỏ Ukrtransnafta do nhà nước kiểm soát.
Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov cũng tuyên bố các biện pháp kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn, đặc biệt nhắm đến các nhà tài phiệt “sừng sỏ” của Ukraine như ông Igor Kolomoisky,Thống đốc vùng Dnipropetrovsk và nhiều đại gia khác.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine Valentyn Nalyvaychenko hôm 23/3 tuyên bố rằng các quan chức vùng Dnipropetrovsk dưới sự lãnh đạo của Thống đốc kiêm nhà tài phiệt Kolomoisky đã cung cấp tiền bạc cho các nhóm vũ trang và đe dọa các nhà đầu tư.
Theo tờ Bloomberg, ngay trước khi ông trùm sô-cô-la Petro Poroshenko trở thành Tổng thống Ukraine hồi năm ngoái, ông trùm năng lượng Kolomoisky đã ngồi vào chiếc ghế Thống đốc vùng Dnipropetrovsk. Và giờ đây, các chuyên gia phân tích nhận định rằng một cuộc “nội chiến chính trị” khốc liệt đang diễn ra giữa hai ông trùm này và có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai Ukraine.
Đối với nhiều người dân Ukraine, nhà tài phiệt Kolomoisky là một “người hùng” của thời kỳ “hậu cách mạng”, sau khi họ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Khi phe ly khai nổi dậy ở miền đông Ukraine, Kolomoisky đã hào phóng chi rất nhiều tiền tài trợ cho các tiểu đoàn quân tình nguyện của Ukraine.
Thậm chí đại gia dầu mỏ này còn điều hẳn một đội xe thiết giáp chuyên vận chuyển tiền cho ngân hàng Privatbank, ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Ukraine, để phục vụ cho cuộc chiến chống lại phe ly khai thân Nga. Nhờ những nỗ lực này, phe ly khai đã không chiếm được Dnipropetrovsk.
Trong khi đó, nhiều tài phiệt giàu có khác đã không làm được như Kolomoisky, chẳng hạn như ông trùm công nghiệp Sergei Taruta, Thống đốc vùng Donetsk, người đã thất bại vì không mạnh tay chi tiền như Kolomoisky, và vùng Donetsk giờ đây đã bị phe ly khai kiểm soát.
Thế nhưng, Kolomoisky không hề làm những hành động “yêu nước” này một cách miễn phí. Đổi lại, ông ta đã vận động hành lang quyết liệt để chống lại các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như ông trùm Rinat Akhmetov và Viktor Pinchuk. Ông ta cũng tiếp tục tăng cường kiểm soát các công ty của nhà nước bằng cách cài người vào bộ máy lãnh đạo của các công ty, doanh nghiệp này.
Một trong những công ty đó là tập đoàn Ukrtransnafta, nơi một tay chân thân tín của Kolomoisky được bổ nhiệm là tổng giám đốc từ năm 2009. Việc thay đổi nhân sự này đã tạo rất nhiều thuận lợi cho Kolomoisky, giúp các nhà máy lọc dầu của ông ta có thể nhận dầu thô trực tiếp từ Azerbaijan mà không mất chi phí vận chuyển bằng tàu hỏa.
Theo Bloomberg, mặc dù việc làm ăn của Kolomoisky không cạnh tranh trực tiếp với lĩnh vực bánh kẹo, sô-cô-la của Tổng thống Poroshenko, nhưng sự độc lập và tầm ảnh hưởng của ông ta gây ra mối đe dọa chính trị đối với Kiev.
Ông Mustafa Nayyem, nghị sĩ thuộc đảng của ông Poroshenko cho biết: “Ông ta đã phô diễn quá nhiều khả năng thao túng, điều khiển của mình. Giới lãnh đạo ở Kiev càng ngày càng sợ ông ta”.
Bởi vậy, Kiev quyết định hành động. Hôm thứ Năm tuần trước, chính phủ bổ nhiệm tổng giám đốc mới của Ukrtransnafta, thế nhưng vị thân tín của Kolomoisky không chịu rời ghế. Các vệ sĩ của vị tổng giám đốc mới được bổ nhiệm đã phải chiến đấu với vệ sĩ của “sếp cũ” để đưa ông này vào văn phòng.
Kolomoisky cũng có những phản ứng rất nhanh chóng. Ông ta điều một nhóm vũ trang mặc quân phục dã chiến tới chiếm giữ trụ sở của Ukrtransnafta, cùng với đó là một đoàn tùy tùng rầm rộ, trong đó có cả các nghị sĩ ủng hộ ông ta.
Cuộc đụng độ đã diễn ra gay cấn hệt như những gì đã xảy ra vào thập niên 1990, khi các tỉ phú đầu tiên của Ukraine bắt đầu chia nhau “miếng bánh” béo bở ở đất nước này. Khi Bộ trưởng Năng lượng Vladimir Demchishin đích thân đến gặp Kolomoisky, ông ta đã đe dọa: “Nếu cần thiết, tôi có thể điều 2.000 lính tình nguyện tới Kiev, vì các doanh nghiệp đang bị tước đoạt khỏi tay tôi”.
Những “doanh nghiệp” mà Kolomoisky nói đến ở đây là Ukrtransnafta và tập đoàn năng lượng Ukrnafta, nơi ông ta sở hữu một lượng cổ phần nhỏ nhưng lại kiểm soát được ban quản lý. Hôm thứ Năm tuần trước, Quốc hội Ukraine đã thông qua một đạo luật cho phép chính phủ kiểm soát lại các công ty này.
Thế nhưng Tổng thống Poroshenko khó có thể làm được gì để đối phó với Kolomoisky, bởi chỉ cần ông ta hô một tiếng, hàng ngàn người vũ trang sẵn sàng nghe theo ông ta, vì ông ta có thể trả lương và trang bị cho họ tốt hơn nhiều so với chính phủ. Dù khó có thể thực hiện một cuộc đảo chính, nhưng ông ta cũng không dễ gì cho phép Tổng thống Poroshenko dồn mình vào ngõ cụt.
Các chuyên gia phân tích của tờ Bloomberg cho rằng hiện tại Ukraine vẫn chưa thể hạ được các tài phiệt đầy quyền lực, và những gì họ cần làm lúc này là tìm ra một giải pháp hòa bình để giải quyết cuộc “nội chiến chính trị” hiện nay, và hy vọng mọi thứ sẽ không diễn biến xấu hơn với Ukraine.