Cuộc cách mạng về tư duy và hành động giáo dục

Cuộc cách mạng về tư duy và hành động giáo dục

v
Học sinh THPT thực hành Hóa học trong phòng học bộ môn

(GD&TĐ) - Yêu cầu lớn nhất được đặt ra bây giờ là phải quyết tâm thực hiện cho bằng được Nghị quyết về đổi mới căn bản,  toàn diện GD&ĐT mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI đã ban hành. Phải hành động ngay, cho dù có phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn không nhỏ trong công cuộc đổi mới sinh tử này, để đưa GD&ĐT nước nhà tiến lên một bước mới, phát triển bền vững.

Muốn vậy, cần tạo ra một cuộc cách mạng về tư duy GD và hành động GD trong toàn xã hội làm cơ sở động lực cho cuộc đổi mới đạt kết quả tốt đẹp.

Sinh viên tự học trên thư viện
Sinh viên tự học trên thư viện
 

Một đổi mới về tư duy giáo dục 

Tư duy con người thường có sức ỳ lâu, không phải một sớm một chiều mà thay đổi được. Tư duy giáo dục cũng không nằm ngoài điều đó. Từ bao đời nay, người dân cho con tới trường là để học chữ; học sinh đi học cũng chỉ là để học kiến thức; người thầy giáo vào lớp để dạy kiến thức cho học trò; rồi dạy thêm, học thêm, luyện thi… cũng không ngoài cái mục đích “kiến thức” đó.

Nó đã trở lối mòn trong nếp nghĩ suy, trong tư duy GD của mọi người – từ học sinh, phụ huynh cho đến giáo viên và cả những người quản lí giáo dục, xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa…

Vì vậy, “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” (lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI) là điều không phải ai cũng có thể hiểu ngay và dễ dàng chấp nhận ngay được. Nhưng đó lại là điểm then chốt, cốt lõi xuyên suốt công cuộc đổi mới GD - ĐT lần này. 

Từ điểm then chốt đó lại nảy sinh thêm nhiều  đổi mới  quan trọng khác mà trước đây dường như chưa từng có trong tư duy GD của chúng ta: Trước đây chỉ đơn phương truyền thụ và tiếp thu kiến thức một cách thụ động, bây giờ là phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân;

Trước đây là GD đồng loạt để tạo ra những sản phẩm theo một khuôn mẫu giống nhau, bây giờ sản phẩm GD sẽ không còn mang tính đồng loạt mà đậm sắc thái cá nhân của chính người được thụ hưởng GD;

Trước đây là hệ thống GD truyền thụ một chiều và có phần cứng nhắc, nay cần chuyển sang hệ thống GD mở, linh hoạt, bảo đảm liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời.

Mục tiêu GD trước đây là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nay lại bổ sung thêm một ý mới là phát triển năng lực công dân và nguyên lí GD kết hợp với lao động sản xuất đã được hoàn thiện thành GD kết hợp với lao động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu của thời kì mới. 

Sản phẩm GD cũng được xác định rõ, đầy đủ, hợp lí: “Giáo dục con người VN phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kĩ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ.

Cách viết “yêu gia đình, yêu Tổ quốc” ở đây hoàn toàn đúng với cuộc sống tự nhiên của con người; đồng thời cũng khôi phục lại vị trí của gia đình mà nhiều lúc chúng ta đã bỏ quên: Gia đình là yếu tố khởi đầu và vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Đây cũng là một điểm mới rất cần được lưu ý.

v
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

Mở ra cuộc cách mạng về hành động giáo dục

Để đáp ứng được những đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT mà Nghị quyết Trung ương đặt ra, với những yêu cầu mới như chúng ta đã chỉ ra, cần thiết phải có một hệ thống GD tương thích. Đó là “xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lí tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lí, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng”.

Bên cạnh yêu cầu “dạy tốt, học tốt”, có thêm yêu cầu “quản lí tốt” là rất đúng và cũng rất phù hợp với thực trạng GD – ĐT của  đất nước những năm gần đây. 

Nghị quyết đã đặt ra nhiều vấn đề mới để chấn hưng GD, nhằm tạo ra những đột phá, đưa GD đi lên, phát triển bền vững. Để tiếp nhận được và lĩnh hội thấu đáo đề án thật không dễ chút nào. Bởi đây là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa những tư duy GD cũ lỗi thời từng đeo bám trong ta nhiều năm với những tư duy GD mới tiến bộ.

Tuy vậy, nếu chỉ đơn thuần đòi hỏi phải có tư duy GD mới cũng vẫn là chưa đủ, mà còn cần có hành động GD thì mới tạo ra được sản phẩm GD mới. Mặt khác, cũng không phải cứ có tư duy GD là có ngay hành động GD.

Giữa chúng còn có một khoảng cách mà chỉ có ý chí, nghị lực, lòng yêu nghề, óc sáng tạo mới có thể lấp được. Phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân, như Nghị quyết đã đặt ra, là nhiệm vụ của tất cả những ai có trách nhiệm và có liên quan đến hoạt động của ngành.

Vì sao trong tư duy đã chấp nhận cách dạy học mới này, nhưng trong thực tế nhiều giáo viên vẫn dạy theo cách truyền thụ như trước? Đó là vì họ vẫn còn một khoảng cách giữa tư duy và hành động chưa lấp được - tư duy chưa biến thành hành động tương thích mà vẫn trượt dài theo thói quen, quán tính.

Vậy thì ở đây, người nào tìm ra được cách dạy mới ấy, với những điều khơi gợi đúng đắn và cụ thể để phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân người học (thậm chí với em A thì khơi gợi điều gì, em B điều gì,…) thì đó chính là lúc hành động giáo dục đã được xuất hiện.

Với ý nghĩa ấy, hành động GD mang tính tích cực, tiến bộ, sáng tạo; nó chỉ có được trong sự miệt mài say mê tìm tòi nghiên cứu, trong lòng yêu nghề mến trẻ của người thầy giáo. 

Hành động GD được tạo ra bằng một giáo án tốt, một cách dạy hay, một đồ dùng dạy học cải tiến, một sự giúp đỡ đối với học sinh gặp khó khăn hay sự kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội… Nó là những minh chứng cụ thể cho tư duy GD đã được đổi mới.

Tạo ra cuộc cách mạng về hành động GD, trước hết và chủ yếu là kích thích sự bùng nổ - sáng tạo – giáo dục theo hướng đổi mới. Nhưng nó còn là sự đấu tranh quyết liệt nhằm từ bỏ những hành động phi GD, ngay cả khi hành động đó đã trở thành thói quen khó thay đổi.

Một bà mẹ chiều con, từng cho con tiền ăn vặt suốt 5 năm học tiểu học đã biết dừng lại khi con lên THCS để cháu biết cách sử dụng đồng tiền hợp lí và tập trung hơn vào việc học tập. Thói quen cứ vào lớp là quát mắng, lăng mạ học sinh chỉ vì những chuyện không đâu; thói quen chấm bài ẩu, phê bài tắc trách xúc phạm đến học sinh của nhiều giáo viên phải được đẩy lùi, chấm dứt trong cuộc cách mạng về hành động giáo dục này.

Và cả cái cách dạy thao thao bất tuyệt không cần biết đến đối tượng của mình tiếp thu ra sao, cái cách dạy rập khuôn theo những bài văn mẫu làm xơ cứng tâm hồn người học cũng không còn đất phát triển nữa. 

Trong công cuộc đổi mới GD - ĐT lần này, người thầy sẽ giữ một vai trò mới với cách dạy mới: Dạy cho trò cách học, cách tiếp cận vấn đề, cách phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề, vận dụng hiểu biết để xử lí các vấn đề của đời sống.

Đó là cách dạy mang tính khoa học – sư phạm – hiện đại, và qua cách dạy này chắc chắn sẽ đem lại những hành động GD sáng tạo thay cho những cách dạy cũ đã lỗi thời, kém hiệu quả. 

TS.Nguyễn Xuân Lạc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ