Cùng sinh viên định hướng học tập, trau dồi kỹ năng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc ngay từ năm thứ nhất, nhiều trường đã cử giảng viên đồng hành, hỗ trợ sinh viên.

Sinh viên Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC
Sinh viên Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC

Cụ thể là hỗ trợ sinh viên xây dựng kế hoạch học tập cũng như mục tiêu cụ thể cho từng năm.

Những năm qua, Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho sinh viên để tăng thời lượng thực hành; tham quan các doanh nghiệp để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Báo Giáo dục và Thời đại đã trao đổi với PGS.TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, xung quanh vấn đề này.

10 lưu ý cho sinh viên năm nhất

- Thưa ông, với những sinh viên năm thứ nhất, ông có lời khuyên như thế nào để xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả?

- Sinh viên năm nhất học đại học chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ bởi sự thay đổi môi trường học, phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức và quản lý lớp học so với bậc phổ thông. Theo đó, để có kết quả học tập tốt trong năm học thứ nhất, tân sinh viên cần xác định mục tiêu học tập rõ ràng, cụ thể.

Thứ nhất, các em hãy tự mình đặt ra các câu hỏi và tự trả lời: Bạn muốn đạt điểm cao hay muốn hiểu sâu các môn học? Quá trình học muốn phát triển những kỹ năng gì? Mục tiêu sau khi tốt nghiệp ra sao? Khi đã có câu trả lời, bạn sẽ biết phải làm như thế nào để đạt được.

Thứ hai, cần lập lịch học tập, thời gian biểu một cách hợp lý và khoa học. Các em hãy tạo một lịch học tập cụ thể với các khung giờ cố định, trong lịch đó phải có thời gian dành cho các hoạt động giải trí, tránh tình trạng quá tải.

Thứ ba, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ, bài tập. Các em nên ưu tiên nhiệm vụ học tập theo độ khó và thời gian hoàn thành gần nhất.

Thứ tư, tạo không gian học tập phù hợp, sinh viên hãy tìm một không gian yên tĩnh, thoải mái và tập trung để học. Ở trường, bạn có các địa điểm như thư viện, các giảng đường trống hoặc có góc học tập tại nhà…

Thứ năm, chia nhỏ và sắp xếp lại kiến thức, các môn học mới ở bậc đại học thường gồm nhiều khái niệm, thông tin. Các em hãy chia nhỏ chúng thành các đơn vị nhỏ hơn và học từng phần một; sử dụng các kỹ thuật như viết ghi chú, tóm tắt…

Thứ sáu, chủ động tham gia các hoạt động và thảo luận trên lớp, đặt câu hỏi khi bạn gặp khó khăn và cần giải đáp.

Thứ bảy, tìm kiếm và sử dụng các tài nguyên học tập, sách giáo trình, bài giảng trực tuyến, video học tập và nguồn tài liệu khác đều có thể giúp bạn hiểu sâu về môn học.

Thứ tám, ôn tập thường xuyên bằng cách làm lại các bài tập, đọc lại ghi chú và tổng kết kiến thức.

Thứ chín, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn. Bạn đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ giảng viên, cố vấn học tập, cán bộ quản lý lớp hay các bạn cùng khóa, các anh chị khóa trên. Bên cạnh đó, các diễn đàn học tập trực tuyến cũng là địa chỉ đáng tin cậy để các bạn tham khảo.

Cuối cùng là giữ cân bằng, bạn có thời gian dành cho sức khỏe, gia đình và giải trí. Sự cân bằng này sẽ giúp bạn duy trì động lực và tinh thần học tập tốt hơn.

- Theo ông, khi sinh viên có lộ trình, xây dựng kế hoạch học tập từ năm thứ nhất sẽ có lợi thế như thế nào sau khi tốt nghiệp?

- Sinh viên có lộ trình và kế hoạch học tập khoa học, phù hợp ngay từ năm thứ nhất cộng với sự hỗ trợ của thầy, cô qua việc đổi mới cách tiếp cận, tổ chức đào tạo theo hướng trải nghiệm, tôi tin rằng các em sinh viên sẽ có kiến thức vững vàng, kỹ năng dồi dào và có thể hòa nhập tốt vào môi trường làm việc của doanh nghiệp.

Ngay cả khi lĩnh vực làm việc của doanh nghiệp mới mẻ, yêu cầu cao, các bạn cũng sẽ có khả năng tự học, tự thích nghi và phát triển bản thân.

PGS. TS Lê Hiếu Học.
PGS. TS Lê Hiếu Học.

Cùng sinh viên xây dựng kế hoạch

- Việc định hướng sinh viên từ năm thứ nhất rất quan trọng, vậy Viện Sư phạm Kỹ thuật đã có những phương hướng hỗ trợ sinh viên ra sao?

- Cũng như các sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội nói chung ngay sau khi nhập học, sinh viên Viện Sư phạm Kỹ thuật sẽ có “tuần định hướng và hội nhập” đầu khóa.

Trong tuần định hướng này, các em được hướng dẫn các quy định, quy chế chung của nhà trường, cách thức khai thác các học liệu trong thư viện, cách thức lập kế hoạch và đăng ký học tập…

Chúng tôi cũng tổ chức các buổi giới thiệu ngành nghề, tham quan doanh nghiệp nhằm giúp tân sinh viên bước đầu có được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, qua đó xác định được mục tiêu và lịch trình học tập.

Bên cạnh đó, viện cũng điều chỉnh chương trình đào tạo, đưa một số nhập môn và cơ sở ngành lên những học kỳ đầu của năm thứ nhất để sinh viên sớm được tiếp xúc với nghề nghiệp, tạo động lực học tập cho các bạn.

Cùng với đó, liên chi đoàn của Viện sẽ giới thiệu cho tân sinh viên các câu lạc bộ sinh viên, thông qua đó sẽ hỗ trợ các em học tập các môn đại cương như Toán, Vật lý; tổ chức các hoạt động tình nguyện, thể thao, văn nghệ để các bạn từng bước làm quen và hội nhập với môi trường mới.

- Quá trình học, Viện đã lồng ghép học phần lý thuyết và thực hành ra sao để giúp sinh viên cọ xát thực tế?

- Phương châm hiện nay của chúng tôi đối với các chương trình đào tạo là chú trọng và tăng cường trải nghiệm nghề nghiệp cho sinh viên. Chính vì vậy, trong các môn học chuyên ngành, Viện giao cho sinh viên thực hiện các dự án gắn liền với các yêu cầu hoặc vấn đề của doanh nghiệp và xã hội.

Ví dụ, năm học 2022 - 2023 vừa qua, sinh viên năm thứ hai đến năm thứ tư của Viện đã tham gia các dự án xây dựng bài giảng mẫu phục vụ khóa bồi dưỡng kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-learning cho giáo viên mầm non, tiểu học và THCS của các địa phương (Yên Bái, Lai Châu, Quảng Bình, Hưng Yên); hoặc sinh viên năm thứ tư thực hiện chuyển đổi bài học số phục vụ đào tạo cho doanh nghiệp trong các môn học hoặc trong đợt thực tập kỹ thuật.

Với một số môn học chưa gắn với doanh nghiệp, các bạn sinh viên cũng được giao các đồ án hoặc đề tài cụ thể, gắn với nhu cầu học tập trên môi trường số của học sinh, như ứng dụng công nghệ VR/AR thiết kế bài học tiếng Anh, bài học về địa lý… cho trẻ mầm non. Các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc đồ án tốt nghiệp của sinh viên được khuyến khích thực hiện các sản phẩm thực tế thay vì chỉ đơn thuần là các giải pháp trên giấy.

Bên cạnh đó, sinh viên được tham quan, trải nghiệm tại doanh nghiệp hoặc các buổi seminar, chia sẻ kinh nghiệm từ các anh, chị cựu sinh viên, cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp. Trong năm học tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối và mời các doanh nghiệp đưa các sản phẩm công nghệ giáo dục vào làm tài liệu học tập cho sinh viên và đặt đề bài trực tiếp cho sinh viên.

- Xin cảm ơn ông!

“Sinh viên chủ động học tập, xây dựng kế hoạch cũng như có mục tiêu cụ thể sẽ tạo ra thói quen tốt. Sau này đi làm, các bạn đã có kỹ năng sắp xếp, xây dựng kế hoạch làm việc cho bản thân để hoàn thành tốt công việc được giao”. - PGS.TS Lê Hiếu Học

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.