Cùng con tranh thủ học kỹ năng thời Covid - 19

GD&TĐ - Làm sao vừa hoàn thành công việc, chơi với con, cho con học trực tuyến, còn ti tỉ việc nhà mà vẫn là bạn thân thiết với con… là bài toán khó với nhiều cha mẹ khi trẻ tiếp tục dừng đến trường vì Covid-19.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Chị Thanh Thuỷ (Long Biên, Hà Nội) nghĩ đến việc ba đứa trẻ được nghỉ thêm sau hai tuần nghỉ Tết, vẫn lịch học trực tuyến, nhà không có giúp việc, ông bà ở xa, có thể phải làm việc túc tắc từ xa khiến chị khủng hoảng vô cùng. Riêng lịch học trực tuyến của ba con cũng khiến chị quay cuồng với quỹ thời gian trong ngày. Hai bạn lớn học lớp 4 (sinh đôi) thì có thời gian biểu rõ ràng, bài vở sẵn sàng có thể tự ngồi học nhưng hiệu quả chỉ được 50%. Còn bạn nhỏ học lớp 1, đầu giờ cô gửi nội dung yêu cầu các bài học, mẹ phải ngồi hướng dẫn con cả ngày theo các nội dung đó rồi cuối ngày quay video gửi cô đánh giá.

Tuy nhiên, trái với lo lắng và “khủng hoảng” của chị Thanh Thuỷ và nhiều cha mẹ, Chị Trần Thu Hà - tác giả cuốn “Buông tay để con lớn” và là mẹ của hai bé gái cá tính Xu và Sim, với những trải nghiệm và thực hành làm mẹ, chị đã chia sẻ kinh nghiệm với các mẹ ở nhà cả ngày cùng con những ngày con “dừng đến trường, không dừng học”: Không có gì là quá kinh khủng, trong nguy có cơ, cơ hội con tự lập mà mẹ vẫn là người bạn thân thiết của con.

Chị Trần Thu Hà mách cha mẹ “bỏ túi” 5 bí quyết sau thì việc trông con thời Covid sẽ nhẹ như lông hồng:

Đừng quá căng thẳng việc học bài, lo mất bài, quên kiến thức

Tuân thủ quy định của lớp học là cần thiết. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần của việc “học để biết”. Theo định nghĩa của UNESCO thì còn học để làm, học để hiểu chính bản thoân mình và học để chung sống với người khác. Nên tuần này cứ cho con chơi với ba mẹ, ông bà, chơi với bạn, thậm chí cãi lộn tý. “Có một tuần thôi, quên kiến thức là chuyện bình thường, khi cần chỉ việc đọc lại chút thôi là được.

Môn học “Sống chung với người khác” vẫn là môn quan trọng nhất trong mọi môn học, nhất là trong thời đại Covid đầy biến động và bất định thế này”, chị Thu Hà chia sẻ.

Đừng ép thời gian biểu cụ thể quá

Có nhiều mẹ lên thời gian biểu chia nhỏ sát sao từng 20-30-60 phút. Các con là trẻ con, cái gì trẻ thích thì hì hụi làm cả buổi, thậm chí mấy ngày liền, cả tháng liền. Càng tốt, đây là tín hiệu của đam mê, của kiên trì của thành công. Còn cái nào không thích mà bắt trẻ làm thì mệt cả mẹ lẫn con. Nên mỗi ngày chỉ 1 hoặc 2 trách nhiệm bắt buộc, còn lại thì nên du di.

“Mình chỉ phiên phiến, ví dụ hôm nay học một chút, rồi nấu ăn hoặc lau nhà. Xong hai việc đó thì xem phim, đọc truyện, chơi nghịch gì tuỳ! Hoặc ngày hôm nay hai chị em dọn tủ quần áo. Có khi dọn hai ngày chưa xong tủ quần áo. Nhưng cho con xem clip xếp đồ kiểu Nhật của KonMari thì làm mê luôn. Có hôm Xu Sim thức tới 12h xem phim cùng mẹ và ngủ nướng tới tận 11h trưa! Biết vậy là không tốt, nhưng nếu bị rèn nghiêm túc quá như mình ngày nhỏ, thì cũng không hẳn vui!” chị Hà chia sẻ.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Trao cho con quyền quyết định

Quyền tự do quyết định sẽ làm gì và được quyền chịu trách nhiệm. Ba mẹ cần tôn trọng bản năng sinh tồn của con. Ba mẹ đừng can thiệp nhiều. Nhiều bà mẹ cứ sồn sồn chỉ đạo con: "Làm cái kia kìa!", "Đừng làm thế!", "Trời ơi, thôi xong! Hỏng mất rồi!". Nhất là trong việc trẻ chơi, ba mẹ chẳng cần lên "giáo án chơi". Hãy để trẻ "tự lên thực đơn" và "tự nấu" bữa tiệc của chúng, thậm chí cả cãi nhau, tranh luận, giằng co, kệ nó. Và cũng sẽ có những lúc trẻ kêu chán nhưng đó cũng là những khoảng lặng rất tốt cho trẻ. Trẻ phải tập biết cách tự nghĩ ra việc để chơi, không phải lúc nào ba mẹ cũng thiết kế sẵn được.

“Hôm trước Sim nấu bữa trưa cho cả nhà. Sim kiểm tra tủ lạnh và quyết định chiên cơm. Mình xăng xái tính phụ một tay, Sim nói: “Con làm một mình, con không thích mẹ phụ và con cũng không thích mẹ góp ý gì hết!”. Vậy đó, con muốn được làm chủ cái không gian của mình, con muốn toàn quyền quyết định cái tác phẩm của mình”, chị Thu Hà kể.

Ưu tiên niềm vui, Vitamin cười

Món ăn bổ dưỡng nhất cho não bộ của trẻ là những tiếng cười. Khi trẻ cười đùa, vui nghịch, sẽ rất tốt cho não, cho tim, cho hệ miễn dịch. Khi đó não bộ của trẻ sẽ giải phóng endorphins, và giảm lượng cortisol, máu chở đầy oxy lên não, tăng khả năng học tập, tăng cường hệ miễn dịch.

Trẻ cần được cười và được nhìn thấy ba mẹ cười. Nên đừng quá chú ý vào kết quả mà quên tận hưởng hành trình. Đôi khi có những ngày con không đạt mục tiêu kế hoạch, nhưng kệ, vui là được.

Mẹ cũng cần có me-time, để sạc pin cho chính mình

Thế nên, ba mẹ đừng cầu toàn quá. Ăn uống cũng phiên phiến thôi. Ăn mỳ gói cũng được và thỉnh thoảng ăn xúc xích, thịt nguội, đồ ăn mua sẵn trong siêu thị tuy không ngon bằng nấu tươi, nhưng tốt hơn là stress và cãi nhau.

Và đã giao cho con nấu nướng lau dọn thì nhớ đừng có chê và đừng làm lại, lần sau con chán không hào hứng làm nữa. Và không phải lúc nào những thứ mình vạch ra cũng chạy đúng kế hoạch, bất ổn thì dừng, mệt thì nghỉ, khó quá thì thôi. Đừng căng thẳng quá với chính mình. Đồng hành cùng con là chặng đường dài.

Dịch dã đã đủ gây mệt mỏi và căng thẳng. Cùng với việc chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình dịch bệnh và những cảnh báo an toàn cho con, cha mẹ hãy tạo cho con trẻ và cho chính mình những năng lượng tích cực nhất. Hãy chung tay để ngăn ngừa và cũng nhau vượt qua đại dịch. Cho trẻ cơ hội trải nghiệm và học hỏi những kỹ năng cần thiết cùng tinh thần lạc quan để thích nghi mọi hoàn cảnh. Khi có sự đồng hành, cảm thông và hỗ trợ từ cha mẹ, chắc chắn sẽ giúp trẻ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.