- Nhân dịp năm mới, chị có thể chia sẻ đôi chút về kế hoạch du xuân, vui Tết của gia đình?
Tôi đã gắn bó với Hà Nội 14 năm nhưng cứ dịp Tết là tôi lại trở về quê hương, sum họp bên đại gia đình với bố mẹ, họ hàng đôi bên. Năm nay là cái Tết khác hẳn. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, gia đình tôi quyết định ở lại Hà Nội, hạn chế tối đa mọi dịch chuyển, thay đổi để phòng, chống dịch bệnh.
Nếu nói rằng bản thân không nghĩ ngợi, chạnh lòng thì không đúng, vì tâm lý con người đã công việc, bận rộn cả năm, ai cũng muốn sum họp và hướng về nguồn cội. Nhưng nghĩ lại, chúng ta còn cả một cuộc đời, còn nhiều tháng ngày ứng xử, dành tình cảm cho nhau và cho cuộc sống này. Còn với dịch bệnh, đó là sự nguy hiểm, không lường trước và gây ảnh hưởng tới cộng đồng.
Nhiều vùng quê Tết này đang yên bình, chưa có trường hợp bị Covid-19, nếu thiếu con cháu về ăn Tết hẳn sẽ buồn, nhưng nếu có trường hợp nhiễm Covid-19 từ vùng khác về thì đó là nguy hiểm. Tôi cho rằng, bằng cả lý trí và tình cảm, mỗi người nên thận trọng trong mọi quyết định, nhất là dịp Tết, khi nhu cầu đi lại và cảm xúc của con người đang khó kiểm soát.
- Chị chuẩn bị gì cho cái Tết đầu tiên ở Hà Nội?
Cái Tết đầu tiên ở Hà Nội, gia đình tôi vẫn sắm đủ đầy mâm ngũ quả, cành đào phai, trang hoàng nhà cửa. Đặc biệt, chúng tôi hướng con cái dọn dẹp ngăn nắp, bài trí không gian đón Tết của chính mình ở phòng riêng, góc học tập.
Quà Tết cho quê nhà đã được tôi chuẩn bị từ nhiều ngày trước, với đặc sản Hà Nội, các vùng miền, tôi gửi dịch vụ chuyển phát về tận nhà. Và ngược lại, bố mẹ tôi cũng gửi quà quê, quà cho cháu ra Hà Nội. Bây giờ thời buổi công nghệ, ông bà, cha mẹ, con cái vẫn gọi điện thoại trực tuyến cho nhau bất cứ khi nào có nhu cầu, nên khoảng cách đã được rút ngắn lại rồi.
- Chị làm gì để con gái học lớp 4 vẫn cảm nhận đầy đủ hương vị Tết cổ truyền trong điều kiện “đặc biệt”?
Mọi hoạt động đều được bảo đảm. Học tập thì con theo chương trình học online của nhà trường và các môn năng khiếu tự chọn vẫn duy trì vừa rèn luyện và thư giãn như môn vẽ. Tết này gia đình tôi cho con tự trang trí phòng riêng, điều mà trước đó chưa từng làm, vì về quê đón Tết. Con có thể đưa ra ý tưởng gửi quà tặng các bạn và người thân trong gia đình. Việc này trước đây cũng ít thực hiện bởi khi không có dịch bệnh thì việc gặp nhau dễ hơn.
Tôi vừa làm vừa kể chuyện cho con nghe về cành đào Tết, mâm ngũ quả, con tò he, đĩa xôi, con gà dâng cúng Tổ tiên... và tất cả các phần việc mà chúng tôi mỗi ngày đều làm để chuẩn bị cho năm mới. Nhờ đó, trẻ con không còn buồn chán, mà cảm thấy thú vị vì Tết này khác những Tết trước, bố mẹ về quê bận thăm hỏi, lễ lạt, thậm chí chẳng có thời gian chăm chút, giải đáp những thắc mắc của con cái.
- Trong những ngày Tết nhiều ý nghĩa này, chị nhắn nhủ điều gì tới độc giả của Báo Giáo dục và Thời đại?
Tôi tin rằng, không một ai muốn dịch bệnh, cuộc sống xáo trộn để phải xa cách nhau, nhất là dịp Tết. Tuy nhiên, những con người có nhiều lý do để đồng hành, gắn bó, và đôi khi nếu phải xa cách nhau, chưa chắc điều đó đã là tồi tệ. Nhiều khi, chính sự thiếu vắng, xa cách, cái sự khác đi so với thông lệ vẫn diễn ra khiến ta nghĩ về nhau nhiều hơn, cảm nhận được tầm quan trọng, tình cảm gắn bó mà biết đâu vì gần gũi quá, quen thuộc quá nên ta từng cho đó là lẽ thường tình, là chuyện đương nhiên phải thế.
Khó khăn, trở ngại, biết đâu trở thành phép thử cho chính mỗi cá nhân, mỗi gia đình về lý trí và tình cảm. Ở những điều kiện đặc biệt nhất, liệu chúng ta có đưa ra lựa chọn sáng suốt không? và liệu tất cả những người thân yêu nhất có thực sự bao dung, thấu hiểu nhau không?
Vợ chồng tôi đều làm Báo, Tết này, tôi và chồng tôi có những ngày trực tại cơ quan. Đó là công việc mà các đồng nghiệp tại Hà Nội đã luôn hỗ trợ, chia sẻ chu đáo để người quê xa có cái Tết đầm ấm, vẹn tròn. Giờ đây là lúc chúng tôi trải nghiệm một công việc mà hàng chục năm qua đồng nghiệp đã làm thay mình, tôi tin sẽ có thêm nhiều yêu thương, thấu hiểu.
Xin chúc độc giả Báo Giáo dục và Thời đại một năm mới vẹn tròn yêu thương, an khang, thịnh vượng.
- Trân trọng cảm ơn Nhà văn – Nhà báo Lữ Mai.