Cùng con lựa chọn đúng nghề

GD&TĐ - Ngoài nhà trường, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong hỗ trợ, đồng hành với quá trình định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Nhiều phụ huynh chủ động tham gia các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, du học cùng con để đưa ra lựa chọn tốt nhất.
Nhiều phụ huynh chủ động tham gia các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, du học cùng con để đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Nhờ vậy, nhiều học sinh đã an tâm, giảm bớt được áp lực khi đưa ra quyết định.

Định hướng theo nghề truyền thống của gia đình

Gia đình anh Phạm Văn Luyên (TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nhiều đời làm trong ngành Y. Vì vậy, quá trình làm việc anh Luyên thường cho con tiếp xúc với bệnh nhân để hiểu nghề nghiệp của mình. Từ đó, anh Luyên căn cứ vào năng lực, sở thích của con để định hướng con theo nghề của gia đình. Hiện hai con của anh Luyên có một người đang làm bác sĩ ở Hà Nội, một người đang học ngành bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y Thái Bình.

Anh Luyên chia sẻ: “Khi muốn con theo nghề của gia đình, tôi cho con được nhìn thấy góc nhìn đa chiều về nghề nghiệp như trách nhiệm lớn lao của bác sĩ ra sao, những khó khăn phải đối mặt trong quá trình làm việc. Tôi không muốn con chỉ nhìn thấy những mặt vất vả của nghề y là trực đêm hôm, ngày lễ tết không ở cùng gia đình. Vì vậy, khi con còn học phổ thông thì quá trình làm việc tại phòng khám ở nhà tôi đã cho con cùng quan sát. Từ đó, tôi quan sát xem con phản ứng với nghề nghiệp của mình con có hứng thú hay không”.

Không những thế, quá trình hướng nghiệp sớm đã giúp cho anh Luyên hiểu con mình có những điểm mạnh và hạn chế ở đâu. Từ đó, anh Luyên cùng con xây dựng định hướng nghề nghiệp dựa trên sở thích, mong muốn của con.

“Ở THPT mặc dù hướng nghiệp được thầy cô, nhà trường quan tâm sát sao, thế nhưng nếu phụ huynh để các con tự mình đưa ra lựa chọn nhiều khi theo cảm tính, xu thế đám đông dẫn đến dễ mắc sai lầm”, anh Luyên chia sẻ.

Cách đây 25 năm, khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, chị Phạm Thanh Loan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và hầu hết các bạn trong lớp gần như không có bất cứ sự hỗ trợ, định hướng nào từ gia đình, thầy cô mà tự mò mẫm, theo nhau. Nhận thức về năng lực, sở trường cũng như bản thân phù hợp với trường đại học nào cũng rất mù mờ. Vì vậy, chị Loan đã chọn học ngành học chỉ vì lý do đi học được miễn học phí, không phải vì yêu thích ngành học.

Sau 4 năm đại học, chị Loan chọn gắn bó với một công việc khác, không phải nghề được đào tạo. Rút kinh nghiệm từ bản thân mình, chị Loan đặc biệt quan tâm đến quá trình lựa chọn nghề nghiệp của con. Chị đã đồng hành, định hướng con trong việc khám phá sở thích, sở trường của bản thân, đưa lời khuyên với góc nhìn mà chị cảm nhận được không áp đặt.

Chị Loan chia sẻ: “Quan điểm của tôi là giúp con chọn ngành phù hợp trước, sau đó mới chọn trường; không phải tìm mọi cách để con phải vào trường tốp đầu dù trường đó không có ngành mà con yêu thích. Việc đồng hành với con khám phá điểm mạnh, dành thời gian lắng nghe con chia sẻ nguyện vọng, tận dụng mọi cơ hội để cho con được tham gia các trải nghiệm nghề nghiệp thực tế… cùng con tìm hiểu về các ngành nghề, nhu cầu nhân lực trong tương lai 5 - 6 năm tới, tìm các trang trắc nghiệm nghề nghiệp tôi sẽ hiểu con hơn”.

Hiện nay, để đưa ra quyết định phù hợp nhất trong định hướng chọn nghề cho con trẻ, nhiều gia đình còn đẩy mạnh cho con tham gia các hoạt động trải nghiệm của các trường đại học như một ngày làm sinh viên, đến các công ty, doanh nghiệp có nghề mà con mong muốn học để hiểu và có cái nhìn đa chiều nghề nghiệp.

Đồng hành với con

Hướng nghiệp cho học sinh hiện nay không còn đơn thuần một phía từ thầy cô nhà trường, mà còn có sự đồng hành của gia đình trong từng bước của quy trình hướng nghiệp. Sự kết hợp từ các bên gia đình, nhà trường và thầy cô giúp học trò xác định được điều mà các em mong muốn làm trong tương lai nhằm mang lại hạnh phúc.

Nhấn mạnh về vai trò hướng nghiệp của gia đình, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Khi đồng hành với con trong định hướng nghề nghiệp cho tương lai, phụ huynh là người cố vấn, hỗ trợ, giúp con xác định khả năng có thể làm tốt dựa trên các khía cạnh như học lực, sức khỏe, tố chất, năng khiếu, năng lực học phi nhận thức khác (xử lý tình huống, dễ thuyết phục, lãnh đạo, động lực, khát vọng).

Đồng thời, phụ huynh cũng cùng con tìm hiểu thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mong muốn, xu hướng nghề, môi trường học tập và điều kiện làm việc sau này; khó khăn có khả năng phải đối mặt, hoàn cảnh gia đình và cơ hội việc làm sau này. Nhiều bậc cha mẹ còn cùng con lập bảng phân tích lợi hại giữa các lựa chọn; từ đó, nắm được khả năng đáp ứng của con mình trong quá trình học và có đường đi lâu dài.

“Khi xác định được ngành nghề con yêu thích, phụ huynh cần xem xét thêm chương trình đào tạo. Các chương trình đào tạo đó đã được kiểm định chất lượng hay chưa; các điều kiện của cơ sở đào tạo (như uy tín, cơ sở vật chất, hệ thống hỗ trợ sinh viên, cơ hội được học song bằng, chương trình liên kết quốc tế). Đặc biệt lưu ý đến bản mô tả chương trình, những năng lực cần đạt được sau khi tốt nghiệp và các vị trí việc làm sau này”, PGS Trần Thành Nam lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.