Chọn đúng nghề để không lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc

GD&TĐ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hoá cho biết, mỗi năm có nhiều học viên đã từng học cao đẳng, đại học lại quay về học nghề.

Học sinh được tư vấn khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp.
Học sinh được tư vấn khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp.

Học nghề tiết kiệm thời gian, chi phí.

Năm học 2022-2023, tại Thanh Hoá toàn tỉnh có 40.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường THPT công lập trên địa bàn là gần 33.000 chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 7.000 học sinh sẽ không có cơ hội học lớp 10 công lập.

Ngoài số học sinh đăng ký vào các trường tư thục thì học nghề cũng được nhiều học sinh lựa chọn. Việc học theo chương trình này được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm và hỗ trợ người học bằng nhiều chính sách. Đây được xem là giải pháp đáp ứng yêu cầu phân luồng sau bậc THCS; từ đó giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho cả người học và xã hội.

Tại Thanh Hoá, mỗi năm có tới hơn 4 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh vào các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hoá, lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh đã rút ngắn được thời gian, tiết kiệm được tiền bạc. Sau khi ra trường, đối tượng này vừa có bằng cấp 3 lại vừa có bằng nghề, được gia nhập thị trường lao động sớm hơn, trong khi đó, cơ hội học lên cao đẳng và đại học vẫn có.

“Để học sinh, sinh viên ra trường có việc làm, nhà trường đã chú trọng đào tạo các ngành phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Có thể nói, tất cả các nhóm ngành nghề nhà trường đào tạo đều có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp cao. Trong số đó, nghề Công nghệ ô tô và Kỹ thuật Máy lạnh & Điều hòa không khí đạt tỷ lệ cao nhất, tới hơn 90%”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp, thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây.

Học nghề là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định.

Hiện nay, nhà trường đang đào tạo các ngành nghề gồm: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Tự động hóa công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh & Điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, Hàn, Cắt gọt kim loại, Công nghệ Thông tin (Ứng dụng phần mềm), May thời trang, Điện - Nước, Nề - Hoàn thiện…

Sáng suốt khi lựa chọn

Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh vào học đại học cao, tuy nhiên một thực tế cho thấy nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo và đã không ít sinh viên đi làm công nhân tại các doanh nghiệp, nhà máy hoặc lại đăng ký tham gia học nghề để có kiến thức, kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Việc lựa chọn đúng nghề nghiệp sẽ giúp học viên tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.
Việc lựa chọn đúng nghề nghiệp sẽ giúp học viên tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.

Bên cạnh đó, không ít học sinh tốt nghiệp THPT, THCS đã không chọn học nghề mà tham gia ngay vào thị trường lao động, làm các công việc giản đơn. Do thiếu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp dẫn đến họ có thu nhập thấp và việc làm bấp bênh.

Thậm chí có những người đã cống hiến sức trẻ cho các lao động giản đơn, thu nhập thấp, đến khi độ tuổi trung niên lại mất việc do không có trình độ, kỹ năng để đáp ứng đỏi hỏi ngày càng cao của sản xuất, kinh doanh. Không lựa chọn nghề nghiệp đúng hoặc không học tập để có kỹ năng nghề nghiệp sẽ gây lãng phí lớn cho chính người học, gia đình và xã hội.

Ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Thanh Hoá cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi ngoài 40 ngày càng cao. Cụ thể, năm 2020 có khoảng hơn 30 nghìn người đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, năm 2021 khoảng 21 nghìn người nhưng đến 9 tháng đầu năm 2022, con số lên đến hơn 22 nghìn người.

Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hoá cho biết, người lao động thất nghiệp chủ yếu rơi vào công ty may mặc, điện tử. Khi không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của công việc, người lao động dễ dàng bị doanh nghiệp đào thải.

Đưa ra quan điểm của mình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hoá - ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, học sinh hãy sáng suốt trong việc lựa chọn nghề nghiệp, xác định rõ mong muốn, mục tiêu, điều kiện của bản thân và gia đình.

“Tại trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa trong những năm qua, có không ít trường hợp các em sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp không xin được việc làm, lại quay lại đi học nghề. Điều này gây ra sự lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền bạc.

Trong khi đó, với học sinh, sinh viên của nhà trường, sau khi tốt nghiệp, đều dễ dàng tìm được việc làm ngay với mức lương bảo đảm, thậm chí có thể được các công ty đến tuyển dụng ngay trong lễ bế giảng. Ở một số ngành nghề, các em được hưởng lương ngay trong thời gian thực tập tốt nghiệp tại các công ty, doanh nghiệp.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hoá, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới của nước ta hiện nay, cùng với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ, kỹ thuật, trong 5 - 10 năm tới, Giáo dục Nghề nghiệp sẽ có những bước phát triển vượt bậc, từng bước trở thành nguồn chính cung cấp lao động hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất.

Cùng với dịch vụ, logistics khối các ngành công nghiệp sẽ phát triển mạnh do đòi hòi cao của xã hội về lực lượng lao động. Sự đòi hỏi với người lao động không chỉ về kỹ năng nghề, mà còn ở trình độ ngoại ngữ, một số kỹ năng mềm như: khả năng làm việc nhóm, lập kế hoạch, sự chủ động, khả năng hội nhập,... để có thể làm việc trong một thị trường rộng lớn hơn.

Với những bước phát triển như vậy, trong tương lai, Giáo dục Nghề nghiệp sẽ trở thành một trong những ưu tiên trong lựa chọn và hướng nghiệp của học sinh, sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ