Cùng con bình yên bước qua “tuổi nắng mưa“

GD&TĐ - Một trong những mối lo của các bậc cha mẹ có con tuổi teen là sự phát triển tâm sinh lý với những cung bậc cảm xúc thất thường như "thời tiết". Vậy cha mẹ nên làm gì để cùng teen bình yên bước qua "tuổi nắng mưa"?.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam – Trưởng Khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường ĐH Giáo Dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ một số kiến thức giúp cha mẹ luôn bình tĩnh, sẵn sàng "đối phó" với giai đoạn khó khăn này trong chặng đường phát triển của con.

Những điều cần nói với teen

Theo TS. Trần Thành Nam, vấn đề con yêu sớm, đặc biệt, khi có con gái vào tuổi dậy thì và nghe nhiều thông tin về những trường hợp nữ sinh trở thành “bà mẹ trẻ con” thực sự luôn làm đau đầu các vị phụ huynh. Vì vậy, cha mẹ cần có những cuộc nói chuyện nghiêm túc với con trước thời điểm con dậy thì về các giá trị gia đình, tình yêu, hôn nhân để đề phòng việc này.

Cha mẹ có thể nói với con về các giá trị mà gia đình coi trọng (như chia sẻ, tôn trọng, bảo mật, vì lợi ích của cả gia đình...) để đứa trẻ định hướng đưa ra quyết định hành động.

Cha mẹ có thể đặt giới hạn, kỳ vọng rõ ràng cho những điều cha mẹ quan tâm. Ví dụ như cha mẹ mong rằng việc quan hệ tình dục phải từ 18 tuổi trở lên khi con có quyền công dân. Giới thiệu cho con về các nguy cơ liên quan đến quan hệ tình dục sớm và không an toàn như mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như các hệ quả tâm lý có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân gia đình của các con sau này.

Điều quan trọng là thái độ trao đổi phải cởi mở và tôn trọng để đảm bảo trẻ sẵn sàng tìm đến và chia sẻ thông tin với phụ huynh về những vấn đề thầm kín nhất. Vì nếu không có thông tin, cha mẹ sẽ không thể biết giúp con cách phòng ngừa như thế nào.

TS. Trần Thành Nam 

Nguyên nhân trẻ ngày nay yêu sớm

TS. Trần Thành Nam cho rằng, trẻ hiện nay yêu sớm do nhiều nguyên nhân và đây là quá trình tự nhiên, khó cưỡng của quy luật. Chính vì vậy, cha mẹ và thầy cô cần hiểu và biết cách "vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng".

Thứ nhất là về yếu tố dinh dưỡng và sinh học. Hiện nay, điều kiện sống và sinh hoạt nói chung được cải thiện rất nhiều, chế độ dinh dưỡng được đảm bảo đầy đủ nên các em học sinh có xu hướng phát triển sớm. Độ tuổi dậy thì của các con hiện nay chỉ từ 10-12 tuổi thay vì nữ thập tam (13 tuổi), nam thập lục (16 tuổi) như ngày xưa.

Về mặt xã hội, hiện tại các em cũng trưởng thành sớm hơn. Qua việc tiếp cận với nhiều thông tin trên truyền thông đại chúng, văn hóa phẩm có nội dung người lớn nhiều khiến các em có những định kiến sai lầm về quan hệ tình bạn, tình yêu và quan hệ tình dục

Bên cạnh đó, các em còn thiếu kỹ năng sống cần thiết và cha mẹ hiện nay cũng chưa có sự quan tâm đúng mức để cung cấp kiến thức và rèn các kỹ năng cho các em trong giai đoạn tiền dậy thì. Nhiều người cho rằng thời điểm cuối cấp 1, đầu cấp 2 là quá sớm để nói với các em về chủ đề này. Nhưng thực tế, đó chính là thời điểm cần phải cung cấp kiến thức cho các em để chúng có thể mường tượng và chuẩn bị dần tâm lý đối diện với những thay đổi.

"Trước hết người chịu trách nhiệm sau cùng và suốt đời với trẻ chính là phụ huynh. Vì vậy phụ huynh là nguồn tin cậy nhất để chỉ dẫn các em về các vấn đề giới tính. Phụ huynh cũng không cần thiết phải là chuyên gia để có thể giải đáp hết tất cả những vấn đề của con cái nhưng thái độ của cha mẹ rất quan trọng để định hướng hành động cho con. Cha mẹ cũng là người cùng con cân nhắc để tìm các nguồn hỗ trợ chuyên gia khác (như nhà tâm lý, bác sỹ) khi cần.

Sau cha mẹ, nhà trường cũng cần có thêm trách nhiệm bằng cách đưa các chuyên đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào trong các chương trình học chính khóa và ngoại khóa để trang bị kiến thức nền cho các em. Hội phụ huynh học sinh có thể có những đề xuất và tham gia cùng trong những hoạt động này để tăng hiệu quả giáo dục học sinh." - TS Tâm lý Trần Thành Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.