Trong tổng kết thành quả đối ngoại của nhiệm kỳ cầm quyền sắp kết thúc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đầy tự tin cho rằng để lại cho người kế nhiệm di sản hùng mạnh hơn trước về mọi phương diện.
Ông Biden nêu bật thành công về tập hợp, lãnh đạo đồng minh và đối tác. Một trong những tập hợp lực lượng mới này của ông Biden là khuôn khổ diễn đàn và cơ chế hợp tác, tiếp xúc, đối thoại, tham vấn cấp cao giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines.
Ngay trước khi công khai nhìn lại thành quả đối ngoại của mình, ông Biden có cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos - lần cuối cùng trước khi rời nhiệm sở.
Trong khi người tiền nhiệm, đồng thời cũng là người kế nhiệm, ông Donald Trump thuộc phe Cộng hòa, không ưa gì những kiểu khuôn khổ diễn đàn và cơ chế hợp tác nhiều bên mà chỉ coi trọng khuôn khổ diễn đàn, cơ chế song phương, ông Biden lại đặc biệt coi trọng, dành ưu tiên chính sách đối ngoại cao cho việc tập hợp, liên minh, liên kết, liên thủ nhiều đồng minh và đối tác trên thế giới thành mạng lưới đồng minh, đối tác.
Ông Biden cũng coi trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hơn hẳn ông Trump, xác định ra những mục tiêu chiến lược bao trùm cho nước Mỹ ở khu vực lớn này chứ không chỉ có chủ yếu nhằm đối phó Trung Quốc như ông Trump.
Ông Trump lại không hề giấu giếm chủ ý khi trở lại cầm quyền sẽ đảo ngược ngay lập tức nếu như không phải tất cả thì cũng hầu hết mọi quyết sách cầm quyền và thành quả đã đạt được của ông Biden. Vì thế, tương lai của cơ chế gặp gỡ, tham vấn cấp cao giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines bị đe dọa thật sự ở thời ông Trump trở lại trị vì nước Mỹ.
Ông Biden dùng cuộc gặp trực tuyến cuối cùng với ông Ishiba và ông Marcos để củng cố liên thủ tay ba này, giúp nó tăng thêm thanh thế và mức độ bền vững để ông Trump rồi đây không thể hoặc khó có thể hủy bỏ nó.
Trong ba trụ cột liên thủ an ninh ba bên mà Mỹ hiện có được ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là giữa Mỹ với Nhật Bản và Philippines; giữa Mỹ với Anh, Australia (AUKUS) và mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc thì liên thủ ba bên giữa Mỹ với Nhật Bản và Philippines dễ bị tổn thương nhất ở thời ông Trump trở lại cầm quyền. Lo xa này của ông Biden không phải không có cơ sở xác đáng.
Tới đây, nếu thực sự vì lợi ích chiến lược hiện tại, lâu dài của Mỹ trong chuyện đối phó Trung Quốc và kiến tạo vai trò, ảnh hưởng dẫn dắt cho nước Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì ông Trump sẽ tiếp tục duy trì cơ chế gặp gỡ, tham vấn ba bên này cũng như thúc đẩy quan hệ của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc; tăng cường hiệu quả thiết thực của AUKUS.
Nhưng nếu như coi trọng hàng đầu việc hủy hoại thành quả đối ngoại của ông Biden thì ông Trump sẽ biến cơ chế ba bên trên thành thứ hữu danh vô thực. Sau bốn năm nữa, nước Mỹ sẽ lại có tổng thống mới và số phận, tương lai của cơ chế liên thủ ba bên này phụ thuộc vào chủ định của người đó.
Cuộc gặp trực tuyến vừa qua với ông Ishiba và ông Marcos là nỗ lực cuối cùng của ông Biden nhằm không những chỉ duy trì cơ chế liên thủ này trong tương lai và dấu ấn đối ngoại của nhiệm kỳ tổng thống của mình ở thời ông Trump, mà còn củng cố thế đứng hiện tại của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Người kế nhiệm bị đẩy vào tình thế không dễ xử.