Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Căn cứ này là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực Đông Âu bên cạnh một căn cứ tương tự tại Romania, một căn cứ radar đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ và một khinh hạm của Mỹ hiện diện thường xuyên ở Địa Trung Hải. Ngoài ra, quân đội Mỹ bắt đầu đồn trú thường xuyên trên lãnh thổ Ba Lan, ở nơi cách biên giới với Nga 230 km.

Giá trị quân sự của căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ không thể giúp Ba Lan đánh chặn được mọi cuộc tấn công bằng tên lửa từ bên ngoài. Nhưng hiệu ứng phòng thủ quân sự không phải là mục đích chính mà phía Ba Lan theo đuổi.

Thay vào đó, Ba Lan vừa dựa cậy vừa níu kéo Mỹ giúp họ có được vị thế quan trọng trong chiến lược phòng thủ của EU ở châu Âu cũng như có thêm được con bài và công cụ để tăng cường đối đầu Nga.

Bên cạnh đó, với việc đặt căn cứ phòng thủ tên lửa này trên lãnh thổ Ba Lan, Mỹ không những chỉ khẳng định cam kết đảm bảo an ninh cho Ba Lan mà còn can dự trực tiếp và sâu rộng vào chiến lược an ninh, quân sự và quốc phòng của nước này.

Qua đó, Mỹ và NATO sử dụng Ba Lan làm tiền đồn và tiên phong trong cuộc đối địch với Nga. Như vậy, Ba Lan vừa gia tăng được vị thế và vai trò của mình trong chiến lược của Mỹ và NATO, chiến lược phòng thủ của EU và giữa cuộc đối đầu của Mỹ, EU và NATO với Nga.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda coi căn cứ phòng thủ tên lửa này là sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Ba Lan và NATO, đồng thời cho rằng, đây là bằng chứng cho cả thế giới thấy Ba Lan không ở trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Nga không còn có thể đe doạ và thách thức an ninh Ba Lan. Giới chức quân sự Ba Lan so sánh căn cứ quân sự này như một chiến hạm của Mỹ đặt trên lãnh thổ nước này.

Chính quyền hiện tại ở Mỹ lẫn Ba Lan đều phải rất vội vàng với việc khánh thành căn cứ này. Nguyên do ở chỗ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trở lại cầm quyền. Ông Trump vốn không coi trọng NATO và vốn luôn chủ trương giảm cam kết và đóng góp của Mỹ cho việc đảm bảo an ninh của các thành viên tổ chức này ở châu Âu, hối thúc các nước châu Âu tự bỏ công của để tự chủ về an ninh.

Ba Lan đã chi 4% GDP hàng năm cho ngân sách quốc phòng, gấp đôi so với quyết định chung của NATO nhưng vẫn rất quan ngại về khả năng ông Trump sau khi trở lại cầm quyền sẽ xao nhãng và bất chấp NATO, biến cam kết của Mỹ về đảm bảo an ninh cho các thành viên ở châu Âu thành một loại hàng hóa buộc họ phải trả giá cao nếu muốn tiếp tục có được.

Phía Nga rõ ràng cảm nhận thấy bị khiêu khích, thách thức và đe doạ an ninh trực tiếp bởi việc Mỹ có căn cứ quân sự ở cách biên giới Nga không xa. Nga bị buộc phải bố phòng tuyến phòng thủ biên giới với Ba Lan và có những ứng phó mới với NATO. Đối đầu và xung khắc giữa hai bên chẳng khác gì như vừa thêm dầu vào lửa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ