Củng cố "bệ đỡ" cho nông sản

GD&TĐ - Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV về việc nông sản nước ta xuất khẩu với giá cao trong khi giá bán trong nước còn thấp nên thu nhập của nông dân chưa được cải thiện, giải pháp của Bộ trưởng là gì? Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để đưa nông sản xuất khẩu, chi phí vận chuyển, logistics rất cao nên nông dân không nên quá háo hức.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta hay đặt vấn đề vải thiều xuất qua Nhật Bản với giá mấy trăm nghìn một cân; xuất khẩu xoài qua Mỹ giá cao, thế nhưng tại sao thương lái, doanh nghiệp mua của nông dân giá thấp? Thực tế để đưa nông sản xuất khẩu, chi phí vận chuyển, logistics rất cao nên quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao có phân bổ lại cho nông dân hay không nếu so với bán nội địa.

Phân tích thêm về điều này, ông Hoan lấy ví dụ Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ nhưng nếu cân đối với giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì mới rõ.

Có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng nói rằng, đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu nhiều rồi nên sẵn sàng mua nông sản giá cao. Vậy thì thị trường 100 triệu dân Việt Nam nằm ở đâu? Vấn đề là phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước.

Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là “bệ đỡ” để xuất khẩu nông sản ra thế giới - ông Hoan khẳng định.

Cần nhắc lại rằng, cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã từng phát biểu rằng, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tư duy ngắn hạn là “lời nguyền” về sự yếu kém của nền nông nghiệp, cho nên phải tổ chức lại sản xuất để vượt qua “lời nguyền” đó.

Liên quan đến vấn đề này, qua “lăng kính” của mặt hàng lúa gạo - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: Một thời, ngành nông nghiệp phát triển nhờ lúa gạo.

Từ sản xuất lúa 1 vụ, 2 vụ, rồi xây đê bao để sản xuất lúa 3 vụ. Đây là việc quá chú trọng vào gia tăng sản lượng. Cá nhân tôi khi là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chưa bao giờ đề ra chỉ tiêu về lúa gạo...

Thực tế, sản xuất lúa gạo ngoài góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước còn đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng người nông dân vẫn chưa thể “sống” được từ cây lúa.

Và do sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nông dân trở thành nhóm sản xuất rất dễ bị tổn thương, đồng thời phải chịu tác động mạnh nhất khi các yếu tố đầu vào tăng giá nhưng giá lúa tăng lại không phải là người được hưởng lợi trọn vẹn, khi giá lúa giảm thì phải chịu thiệt hại rất lớn.

Trong rất nhiều thời điểm, thị trường nội địa là cứu cánh cho không ít doanh nghiệp, là nền tảng quan trọng hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp có thể chinh phục, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhưng muốn vậy, điều quan trọng là phải có sự liên kết trong sản xuất và kết nối sản xuất với tiêu thụ.

Đặc biệt, cần thay đổi nhận thức, tư duy để phục vụ kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất, bảo đảm giá trị, quy mô hàng hóa; bảo đảm chuỗi cung ứng, phân chia lợi ích từ người nông dân đến chuỗi thương mại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ