Thời điểm này, ngoài sự phổ biến của bệnh cúm, số người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng gia tăng.
Bệnh nhẹ
Từ tháng 5 - 8 là khoảng thời gian bùng phát một số dịch bệnh như cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, thủy đậu, viêm đường hô hấp.
Trong số các bệnh đặc trưng của thời tiết nắng, mưa đan xen, cúm thường bùng phát mạnh với đối tượng mắc đa dạng. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, hàng năm, thế giới có khoảng 5 - 10% người lớn trưởng thành và khoảng 20 - 30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 - 5 triệu trường hợp diễn biến nặng và khoảng 250.000 - 500.000 người tử vong.
Tại Việt Nam, 10 năm gần đây hàng năm có từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B gây nên.
Kết quả giám sát trọng điểm cúm quốc gia do Bộ Y tế triển khai cho thấy, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 chủng virus cúm A/H3 là chủng lưu hành chủ yếu (79,9%), tiếp đó là chủng virus cúm A/H1N1 (11%) và cúm B (9,1%). Hiện chưa phát hiện chủng virus cúm mới cũng như đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm.
Mùa hè cũng là mùa của bệnh thủy đậu. Cho dù đây là bệnh lành tính, số mắc không nhiều nhưng đòi hỏi việc kiêng cữ cẩn thận để tránh lây lan bởi có nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc bệnh.
Chị Trần Ngọc Lan (Long Biên, Hà Nội) cho biết: Ban đầu là đứa bé mắc bệnh nhưng vì đang dịp nghỉ hè nên lây sang cho anh trai nhưng do đã tiêm phòng nên hai bé đều không sốt, ít nốt phồng. Ở nhà chăm hai con đến lúc mụn bắt đầu bay thì chị Lan thấy tay mình cũng nổi mụn.
“Nghĩ mình người lớn nên bị mắc bệnh nữa nên vẫn đi làm nhưng đến trưa thì mụn lan khắp người, đành xin nghỉ về… tự chữa”, chị Lan cho biết. Cũng trong cả nhà mắc bệnh, 3 mẹ con chị Thu Ba (Đống Đa, Hà Nội) mới đi khám bác sĩ về. Theo chị Thu Ba, chỉ trong 1 tuần, 3 mẹ con lần lượt bị quai bị.
Nắng nóng, mưa xen kẽ nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng được dịp hoành hành. Những ngày qua, khoa Nhi các bệnh viện và Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường ruột. Tính trung bình, số bệnh nhi nhập viện khám, chữa bệnh tăng từ 10 - 15% so với mùa khác trong năm.
Cẩn thận vẫn hơn
Ngoại trừ một số bệnh nặng như viêm não, viêm màng não, phần lớn các bệnh mùa hè đều nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng hoặc đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc điều trị ở nhà là khỏi.
Tuy nhiên, bệnh nhẹ không có nghĩa là chủ quan. Theo ông Phu, bệnh xưa như cũ là cúm mùa, thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp. Với người bình thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ biến chứng và có thể tử vong. Do vậy, sau 2 ngày bị cúm mà bệnh tình không thuyên giảm nên đi khám để đề phòng biến chứng hoặc bệnh đi kèm.
Sốt xuất huyết, quai bị hay thủy đậu cũng vậy. Thông thường, người mắc sẽ bị sốt, chán ăn nên cần được theo dõi để dùng thuốc hạ sốt kịp thời, đúng liều và đúng thời gian. Ngoài ra cần chế độ ăn phù hợp, bổ sung thêm nước oresol nếu sốt cao liên tục, uống nước hoa quả.
Người mắc bệnh thủy đậu, quai bị có thể lây bệnh trực tiếp nên cần cách ly trong phòng thoáng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thân thể. Trong trường hợp bị sốt xuất huyết cần đặc biệt lưu ý khi cắt cơn sốt bởi đây là lúc giảm tiểu cầu mạnh gây đông máu rất nguy hiểm.
Bệnh theo mùa cứ đến hẹn lại lên, để phòng tránh các bệnh về hô hấp, các chuyên gia y tế khuyên người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi có biện pháp tăng cường hệ miễn dịch như chích ngừa, có khẩu phần ăn tăng cường dinh dưỡng. Mọi người nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát. Chú ý chống nắng khi làm việc ngoài trời, nếu làm việc trong môi trường ẩm ướt thì nên thường xuyên thay quần áo… để da được khô thoáng.