Tham dự có ông Nguyễn Đăng Hợp, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ GD&ĐT) cùng đại biểu cụm thi đua số 4 là 7 tỉnh biên giới phía Bắc: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Thuận lợi song hành thách thức
Theo đánh giá chung từ Hội nghị, năm học 2021-2022 ngành GD&ĐT 7 tỉnh Miền núi biên giới phía Bắc diễn ra trong bối cảnh thuận lợi đi liền với thách thức.
Về yếu tố thuận lợi: ngành giáo dục 7 tỉnh tiếp tục được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT; sự phối hợp tích cực của các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và cấp ủy, chính quyền cấp huyện; sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Điều kiện kinh tế - xã hội của 7 tỉnh có những thay đổi rõ rệt, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục theo hướng xã hội hoá. Các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học được quan tâm. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, hoạt động xã hội đã và đang được thực hiện hiệu quả. Chế độ chính sách hỗ trợ học sinh của Nhà nước tiếp tục thực hiện tạo thuận lợi trong huy động và duy trì số lượng học sinh.
Đội ngũ cán bộ quản lý tích cực, chủ động tham mưu các giải pháp chỉ đạo phát triển GD&ĐT phù hợp. Đội ngũ nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng thực hiện Chương trình GD phổ thông mới.
Cơ sở vật chất một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; hệ thống phòng học chức năng, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên, sân chơi, bãi tập, nhà hiệu bộ, công trình vệ sinh, công trình nước… chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học.
Tuy nhiên, một số khó khăn luôn hiện hữu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giáo dục. Trước hết, phải nói tới điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn các xã vùng cao, biên giới dân cư sống phân tán; tỉ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều; việc huy động, duy trì sĩ số học sinh hạn chế.
Mạng lưới trường, lớp do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, phân bố dân cư gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục còn sự chênh lệch giữa các khu vực. Đặc biệt, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động lớn đến chất lượng dạy học và thực hiện tiến độ năm học.
Năm học 2021-2022 kết thúc với nhiều kêt quả khả quan của Cụm thi đua số 4 |
“Trái ngọt” từ đổi mới, sáng tạo
Trong bối cảnh đó, ngành GD&ĐT 7 tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan từ công tác chỉ đạo điều hành đến thực hiện nhiệm vụ năm học.
Cụ thể Sở GD&ĐT các địa phương đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh và phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo yêu cầu tại Công văn số 3712 của Bộ GD&ĐT.
Rà soát quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học vừa phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của quá trình dạy và học, dồn ghép các điểm trường, sáp nhập trường có quy mô nhỏ, kiện toàn bộ máy các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của các Sở…
Trong vấn đề nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, Cụm thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, điều chuyển đúng quy định; đảm bảo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;
Thực hiện rà soát số lượng giáo viên các cấp học chưa đảm bảo đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, từ đó tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018...
Đã tiến hành thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của ngành giáo dục theo cơ cấu, độ tuổi, trình độ chuyên môn đào tạo, chuẩn nghề nghiệp, vị trí việc làm theo Luật Giáo dục năm 2019; bố trí sắp xếp đội ngũ về cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng...
Đặc biệt, ngành GD&ĐT 7 tỉnh đã phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên được chú trọng và ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.
Đáng nói, đã tích cực tham mưu cải tạo, sửa chữa, đầu tư phòng học, phòng công vụ, phòng nội trú và nhiều hạng mục khác, bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình mới. Chỉ đạo, quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị trường học; phát động phong trào giáo viên, học sinh tự làm thiết bị dạy học.
Năm học 2021-2022 cũng ghi nhận việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục của 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã nỗ lực tham mưu UBND tỉnh quyết định cho các cơ sở giáo dục tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Các trường học chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, chương trình môn học đảm bảo dạy học nội dung kiến thức cốt lõi, trọng tâm…
Các đại biểu Cụm thi đua số 4 gặp gỡ, chia sẻ nhiều kinh nghiệm giáo dục |
“Cú hích” từ thi đua
Ông Lê Mạnh Trường, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Lào Cai trao đổi: Đại biểu đại diện ngành GD&ĐT 7 địa phương đã chỉ ra những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Thực hiện phong trào thi đua được xem như “cú hích” để ngành GD&ĐT cụm 4 vượt lên khó khăn, tạo ra động lực đổi mới, sáng tạo trong ngành.
Cụ thể, ngành GD&ĐT 7 địa phương đã thực hiện Kế hoạch 1374 của Bộ GD&ĐT, ban hành hướng dẫn công tác thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn kết với các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Tăng cường tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học trong công chức, viên chức, học sinh sinh viên (HSSV) và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng sống, năng lực giải quyết vấn đề trong thực tế đời sống cho HSSV.
Ngành GD&ĐT các địa phưng cũng đã tập trung chỉ đạo, xây dựng được các mô hình điển hình gắn liền trường học với thực tiễn, thực hiện phương châm học đi đôi với hành bước đầu có ý nghĩa thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Chú trọng trong công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến dưới nhiều hình thức: cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, xây dựng phóng sự về các tấm gương điển hình; thành lập chuyên mục Gương điển hình tiến tiến trên Website ngành, bản tin Giáo dục;
Tổ chức khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; các tập thể, cá nhân có thành tích trong tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19…