Quảng cáo gian dối về BoniDiabet + giăng khắp Internet
Như đã phản ánh ở những bài trước, sản phẩm BoniDiabet và BoniDiabet + (sau đây gọi chung là BoniDiabet - PV) do Công ty TNHH TM Botania chịu trách nhiệm phân phối. Công ty TNHH Vật tư kỹ thuật và Công nghệ môi trường và Công ty TNHH Thiết bị Y tế Minh Duy chịu trách nhiệm sản phẩm.
Đây là các công ty nằm trong mạng lưới buôn bán thực phẩm chức năng và thiết bị y tế có liên quan đến bà Vũ Thị Thanh Thuỷ (Giáo dục & Thời đại sẽ đăng tải ở bài khác).
Tuy nhiên, bà Hương Cẩm, phụ trách truyền thông của Botania khẳng định, Công ty chỉ có một trang web quảng cáo, tiếp thị duy nhất là botania.com.vn. Các quảng cáo khác Botania không liên quan và không chịu trách nhiệm với nội dung quảng cáo.
Khẳng định của đại diện Botania khiến một số người có thể lo lắng. Bởi có thể từ trước đến nay họ đã mua phải sản phẩm BoniDiabet vì tin lời quảng cáo trên mạng. Trong khi đó, hiện các quảng cáo gian dối về sản phẩm BoniDiabet vẫn đang được giăng khắp môi trường Internet như: Facebook, Google, Youtube...
Trên Youtube - một nền tảng thuộc Google tràn ngập các quảng cáo sai sự thật về sản phẩm BoniDiabet. Như kênh Sức khoẻ là vàng với 14.300 lượt đăng ký và trên 53 triệu người xem được giới thiệu là kênh chia sẻ về sức khoẻ. Kênh này giới thiệu rất nhiều về các sản phẩm mà Công ty Botania đang phân phối. Kênh này được gắn logo Botania và hình ảnh bác sĩ tư vấn.
Theo thống kê, chỉ riêng kênh Sức khoẻ là vàng trên Youtube đã đăng tới 205 video quảng cáo sản phẩm BoniDiabet và sản phẩm khác của Botania. Nội dung nhiều quảng cáo là ý kiến chia sẻ của người bệnh và clip của Đài Truyền hình Vĩnh Long, Truyền hình Việt Nam... nói về việc bệnh nhân hết tiểu đường hoặc đẩy lùi tiểu đường sau một thời gian dùng BoniDiabet.
Thậm chí, một số kênh cá nhân trên Yotube còn giới hiệu sản phẩm BoniDiabet là thuốc cho người bị tiểu đường hoặc sản phẩm có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả.
Còn trên Google, các bài giới thiệu sản phẩm cũng xuất hiện trên nhiều trang web như nhathuoc365.vn, thaoduocbonphuong.net, helobacsi.com... với nội dung giới thiệu sản phẩm BoniDiabet có tác dụng chữa bệnh như là thuốc.
Trên Facebook, thậm chí còn xuất hiện những bài tiếp thị trắng trợn hơn như dẫn lời của ông Nguyễn Tấn Khoa, 62 tuổi ở Đồng Xoài, Bình Phước: “Tôi xin khẳng định: Tôi không phải là người của công ty dược, không là người của công chúng, người nổi tiếng để quảng cáo cho một sản phẩm tiểu đường BoniDiabet”.
Bài viết này được đăng trên Page “BoniDiabet - không lo biến chứng tiểu đường”, gắn với website Yhocdoisong.net và số điện thoại tư vấn của Công ty Botania.
Cục An toàn thực phẩm im lặng?
Đó là sản phẩm BoniDiabet và BoniDiabet+. Sản phẩm BoniDiabet do Công ty Viva Pharmaceutical Inc, địa chỉ tại 13880 Viking Place, Ricnmond, B.C. Canada V6V 1 K8 sản xuất. Nó được cấp số đăng ký năm 2014 và giấy phép quảng cáo năm 2015. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là Công ty TNHH vật tư kỹ thuật và công nghệ môi trường, địa chỉ tại số 11, ngõ 470, đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Sản phẩm BoniDiabet+ được sản xuất tại Công ty J&E International Corp, địa chỉ số 1365, Stonegete Way Ferndale, WA, 98248 - 7824, Mỹ. Chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty TNHH Thiết bị Y tế Minh Duy, địa chỉ tại số 281, Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. Phân phối bởi Công ty TNHH TM Botania.
Ngoài ra, Sản phẩm BoniDiabet+ còn được nhập khẩu và chịu trách nhiệm bởi Công ty TNHH Univiva, tại số 281, Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.
Cả 4 công ty tại Việt Nam chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, phân phối, tiếp thị đều do một nhóm pháp nhân điều hành. Cụ thể, Công ty TNHH vật tư kỹ thuật và công nghệ môi trường, Công ty TNHH TM Botania và Công ty TNHH Univiva đều có tên bà Phạm Thị Thanh Thủy là người đại diện pháp luật.
Còn Công ty TNHH Thiết bị Y tế Minh Duy do pháp nhân Nguyễn Khắc Hoàng đứng tên. Phòng giao dịch của công ty này cũng chính là địa điểm kinh doanh liên quan đến 3 công ty còn lại.
Đại diện Công ty Botania khẳng định, Công ty chỉ có một trang web là botania.com.vn và không liên quan đến các quảng cáo lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên mạng.
Có thể sẽ có ý kiến cho rằng, hàng loạt quảng cáo gian dối về BoniDiabet tràn lan trên mạng là do sự làm ngơ của cơ quan chức năng. Bởi nhiều nguồn quảng cáo có địa chỉ IP hoạt động có thể dễ dàng tìm kiếm, qua đó truy vết để xử lý các trường hợp gian dối hoặc thậm chí là làm giả sản phẩm.
Trên website của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng chưa thấy xuất hiện cụm từ khoá cảnh báo người dân cảnh giác trước các quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Trước sự việc trên, PV Giáo dục & Thời đại đã gọi điện phản ánh và thông báo đến ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ông Tuấn không tiếp nhận thông tin mà đề nghị liên hệ với bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm hoặc phòng truyền thông báo chí.
Khi liên hệ, bà Nga cũng không tiếp nhận thông tin mà hướng dẫn PV gọi điện đến số điện thoại của Cục An toàn thực phẩm hoặc bộ phận chuyên môn, sẽ có người tiếp nhận thông tin.
Trả lời câu hỏi nếu người dân muốn gặp bà Nga phản ánh về mất an toàn thực phẩm thì có được không? Bà Nga khẳng định không gặp được mà cứ gọi qua số điện thoại của Cục, sẽ có người tiếp nhận.
Ngày 8/4, PV Giáo dục & Thời đại liên hệ đến bộ phận phụ trách truyền thông của Cục An toàn thực phẩm để phản ánh và lấy ý kiến về sự việc. Bộ phận phụ trách đã tiếp nhận nội dung và nói sẽ chuyển đến người có trách nhiệm để trả lời, xử lý.
Tuy nhiên, đến nay Cục An toàn thực phẩm vẫn chưa đưa ra lời giải thích nào về sự việc, cũng như trách nhiệm khi để cho nhân dân bị bủa vây vì các quảng cáo có dấu hiệu gian dối về sản phẩm BoniDiabet.
Có thể sẽ có ý kiến cho rằng, việc Cục An toàn thực phẩm né tránh thông tin phản ánh của báo chí là nguy cơ khiến nhiều bệnh nhân tiểu đường rơi vào nguy hiểm khi nghe theo lời tư vấn dùng BoniDiabet thì không cần dùng thuốc tây và insulin.