Nhiều quảng cáo BoniDiabet có dấu hiệu gian dối

GD&TĐ - Trên mạng Internet xuất hiện nhiều quảng cáo sai sự thật về sản phẩm BoniDiabet dùng cho bệnh nhân tiểu đường.

Một quảng cáo trái phép sản phẩm BoniDiabet trên trang nhathuoc365.vn.
Một quảng cáo trái phép sản phẩm BoniDiabet trên trang nhathuoc365.vn.

Việc này có thể khiến người bệnh “sập bẫy” khi mua phải loại thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh. Đơn vị phân phối là Công ty TNHH TM Botania khẳng định không liên quan với quảng cáo có dấu hiệu gian dối này.

Thực phẩm  được “phong hàm” thành thuốc

BoniDiabet là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (trước đây gọi là thực phẩm chức năng). Nó không có tác dụng chữa bệnh. Sản phẩm được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Nó được phân phối bởi Công ty TNHH Botania, địa chỉ tại số 204H, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Các quảng cáo sai sự thật gắn tên BoniDiabet được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức hiện hữu tại Việt Nam, có địa chỉ rõ ràng. Nhưng đến nay những quảng cáo có dấu hiệu sai phạm này chưa được cơ quan chức năng làm rõ.

Cụ thể, trên trang nhathuoc365.vn có địa chỉ tại đường Trần Kim Xuyến, phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe BoniDiabet. Theo quảng cáo này thì BoniDiabet có tác dụng điều trị bệnh, chữa bệnh. Nó như loại thuốc đặc trị mà chỉ cần bệnh nhân tiểu đường dùng một thời gian đã cho hiệu quả đạt 96,7%.

Hay như trên trang yhocdoisong.net.vn cũng đăng tải nhiều bài viết miêu tả sai lệch về quy định quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khoẻ BoniDiabet.

Thậm chí, một số bài viết trên trang bán hàng tieuduong.net còn gọi sản phẩm BoniDiabet là thuốc. Cụ thể các quảng cáo này có nội dung: “Thuốc tiểu đường BoniDiabet được coi là một trong các loại thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường đắc lực trong quá trình ngăn ngừa và điều trị tiểu đường” [trích bài quảng cáo].

Trên trang Hellobacsi.com cũng dùng các từ khoá trong tiêu đề bài viết gọi BoniDiabet là thuốc...

Ngoài Google, nhiều nền tảng khác như Youtube, Facebook cũng xuất hiện nhiều  quảng cáo trái phép. Các clip dàn dựng, ghi lại ý kiến bệnh nhân miêu tả tác dụng của loại thực phẩm BoniDiabet trái luật.

BoniDiabet không thể chữa bệnh tiểu đường

BS Hoàng Xuân Đại cảnh báo, trước thực trạng quảng cáo trái phép để bán thực phẩm chức năng như hiện nay, người tiêu dùng nên tìm đến những công ty, đơn vị có uy tín để mua sản phẩm. Nhưng làm thế nào để biết công ty phân phối có uy tín hay không? Thứ nhất, phải xem các sản phẩm đó quảng cáo có đúng giấy phép do cơ quan chức năng cấp hay không? Hoặc có thể tìm hiểu thông tin sản phẩm trên mạng, sản phẩm nào tai tiếng thì nên cân nhắc trước khi mua.

Theo BS Hoàng Xuân Đại, BoniDiabet là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Vì vậy, nó không có tác dụng chữa bệnh. Người bệnh nên cân nhắc trước khi mua sản phẩm này.

Còn BS Hoàng Đình Chân, Bệnh viện Đa khoa Hưng Việt thì khuyến cáo, người dân cần nâng cao nhận thức về lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ. Cần học cách phân biệt thực phẩm khác thuốc ở chỗ nào. Có vậy mới tránh mắc bẫy các tổ chức, cá nhân quảng cáo gian dối, lừa đảo.

BS Hoàng Đình Chân đưa ra lời khuyên, người dân nên tuân theo hướng dẫn của các bác sĩ, chuyên gia y tế để có cách phác đồ điều trị bệnh tốt nhất. Cảnh giác khi dùng các sản phẩm đông y không rõ nguồn gốc cũng như các loại thực phẩm chức năng đang bán tràn lan trên thị trường.

Cần làm rõ các trang quảng Botania có dấu hiệu gian dối

Trao đổi với Giáo dục & Thời đại, bà Mai Hương Cẩm, phụ trách truyền thông của Công ty TNHH TM Botania khẳng định, đơn vị này chỉ có một trang web duy nhất là Botania.com.vn.

Bà Cẩm cho biết, công ty có phân phối sản phẩm ra các đại lý nhỏ hoặc chợ thuốc. Sau đó các đại lý tự quảng cáo. Đơn vị này không quản lý hết mà chỉ quản lý trên trang Botania.com.vn. Còn những trang khác thì phóng viên nên chủ động liên hệ đến đó để làm việc. Còn các quảng cáo trên không gian mạng bao gồm các nền tảng như Google, Facebook, Youtube... thì công ty không quản lý, không biết.

Thông tin bà Cẩm đưa ra khiến nhiều bệnh nhân “giật mình”. Anh N.X. Thắng, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đơn vị phân phối phải biết được sản phẩm của mình bán đang được phân phối ra sao, quảng cáo tiếp thị thế nào? Bán sản phẩm mà không thể quản lý được sẽ gây ra nguy cơ lớn đối với sức khỏe người bệnh. Người bệnh cần được tiếp cận với thông tin chính xác về sản phẩm mình mua.

Anh Thắng cho rằng, sức khoẻ người bệnh không thể phụ thuộc vào các đại lý, không có chuyên môn. Để như vậy là việc làm vô trách nhiệm. Cơ quan chức năng cần xem xét để tránh tiền mất tật mang cho người dân.

Vài năm trở lại đây, việc nhiều đơn vị dược phẩm lập các trang web lậu để quảng cáo sản phẩm đã trở thành công thức phổ biến. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì chỉ xử phạt hoặc nhắc nhở cho xong, không khác nào “ném đá ao bèo”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ