Thảo luận tại phiên họp về nội dung trên, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 vừa qua, cử tri kiến nghị cần có hướng xử lý đối với phụ huynh, thí sinh được nâng điểm thi trong vụ tiêu cực thi cử tại 3 tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang. Đại biểu cho biết, cử tri yêu cầu cần có hướng xử lý phụ huynh và thí sinh được nâng điểm thi.
Cho rằng, báo cáo của Ban Dân nguyện sử dụng một số động từ mạnh, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội nêu ý kiến, một số nội dung nên tránh dùng động từ mạnh. Chẳng hạn như ở nội dung bạo lực học đường, báo cáo có viết: “… Tình trạng bạo lực học đường vẫn ngày càng xảy ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng, trắng trợn ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý phụ huynh và HS”.
Theo đại biểu, thực tế có hiện tượng này, nhưng Bộ GD&ĐT và các ngành liên quan đã quan tâm giải quyết. Nếu sử dụng các từ ngữ “mạnh” như trong báo cáo thì nặng nề quá. Vì thế nên sử dụng từ ngữ phù hợp hơn.
Liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT, Báo cáo có nêu cử tri còn có ý kiến khác nhau về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học. Cử tri một số tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk,... phản ánh hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, yêu cầu Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này và các giải pháp khắc phục hậu quả.
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi. Ngày 4/12/2018, Bộ GD&ĐT đã ra thông báo nêu rõ, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017 và năm 2018. Đồng thời thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để hạn chế, bất cập, đặc biệt là hiện tượng gian lận, đảm bảo tổ chức kỳ thi được khách quan, an toàn, nghiêm túc.
Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, về cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn trả lời kiến nghị cử tri một số địa phương về các giải pháp để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm; việc cải cách, đổi mới giáo dục; về thay đổi sách giáo khoa; về chế độ đối với giáo viên mầm non,...
Về nạn bạo lực học đường, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, đây là vấn đề đã được cử tri nhiều địa phương đề cập qua một số kỳ họp, đồng thời cũng đã được UBTVQH kiến nghị tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, yêu cầu Bộ GD&ĐT kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; sớm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục.
Về vấn đề này, tiếp thu kiến nghị, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở GD triển khai đầy đủ, nghiêm túc các quy định về GD đạo đức, lối sống văn hóa , xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời rà soát, tích hợp lồng ghép nội dung GD đạo đức, lối sống cho HSSV vào trong các môn học chính khóa; đưa kiến thức môn GD công dân thành môn thi chính thức trong Kỳ thi THPT quốc gia.
Mặt khác, Bộ đã chỉ đạo các các đơn vị nâng cao hiệu quả các hoạt động GD và trải nghiệm cho học sinh; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường; thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS phổ thông . Đặc biệt Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025.