Cú “sốc” nhớ đời của cặp vợ chồng trẻ

GD&TĐ - Anh và tôi có cùng niềm đam mê với tranh sơn mài, mặc dù ngày nào bố mẹ tôi cũng ra rả bên tai: “Sao mày không học Đồ họa hay Nội thất, sau này còn có tương lai, suốt ngày mài sơn thế này có ra tiền được không”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nghe nói bố mẹ anh cũng đồng quan điểm: “Nghệ sỹ cái nỗi gì, chẳng khác nào thằng thợ quét sơn... Bán cơm bán gạo còn không xong nữa là bán tranh”.

Khó khăn nhất là giai đoạn cuối đại học, vì bị gia đình phản đối nên chúng tôi phải tự đi làm kiếm tiền trang trải cho chi phí làm đồ án tốt nghiệp. Càng khó khăn, tình yêu của chúng tôi càng lãng mạn. Cả hai đều tin rằng, khi ở bên nhau, chuyện gì chúng tôi cũng có thể vượt qua.

Tốt nghiệp chưa đầy một tuần, anh đã xồng xộc kéo tôi về ra mắt. Đối với bố mẹ anh, chuyện anh theo đuổi ngành nghệ thuật đã làm họ nhiều phen “tím mặt”, bây giờ anh lại dẫn về một nàng dâu tương lai cũng là nghệ sỹ thật chẳng khác nào tội bất hiếu. Họ “lườm” tôi từ đầu đến chân rồi buông một câu: “Tùy chúng mày”.

Chúng tôi kết hôn mà không có lấy một khái niệm “ổn định” nào. Ra trường đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp nào cũng thắt chặt đầu vào.

Vợ chồng tôi đều làm công việc tự do, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không có việc thì không có tiền. Ai cũng lo cơm áo gạo tiền nên mảng nghệ thuật của chúng tôi gần như bị đóng băng. Cũng vì chấp nhận điều kiện “tùy chúng mày” nên vợ chồng tôi không nhận được sự trợ giúp nào từ bố mẹ chồng, thực tế thì ông bà cũng không hề dư giả.

Chồng tôi tìm được một căn hộ cấp 4 tuềnh toàng nhưng với thu nhập bấp bênh của chúng tôi thì chi phí thuê nhà cũng là nỗi ám ảnh trong những ngày cuối tháng, đấy là chưa kể tiền điện nước, tiền ăn uống và hàng tỉ thứ phải chi tiêu hàng ngày.

Đôi khi tôi hơi xao nhãng khi nghĩ về cuộc sống có vẻ hoàn hảo của những người xung quanh. Càng nhìn vào họ, tôi càng thấy thương chồng mình. Tôi “sốc” với cuộc sống khó khăn, nhưng không trách móc và đòi hỏi những cuộc đi chơi hay đơn giản là những buổi chiều hẹn hò lãng mạn như xưa.

Vợ chồng tôi không còn hơi sức cho những thứ giải trí xa xỉ như vậy. Chúng tôi cũng tránh những cuộc gặp mặt bạn bè cũ. Nhưng đám cưới thì không thể “trốn”, bạn bè gặp nhau, ai cũng vỗ vai anh “Làm đâu rồi? Lương khá không? Khi nào tậu nhà, tậu xe... nhớ báo cáo anh em nhé”. Những lúc như thế anh chỉ gượng cười cho xong, nhưng tôi biết trong lòng anh tổn thương ghê gớm.

Trông ngóng những bản hợp đồng từ trên trời rơi xuống khiến chúng tôi mòn mỏi, ai cũng hối hả kiếm sống, làm gì có nhu cầu ngắm tranh.

“Không thể tiếp tục duy trì tình trạng này nữa, chúng mình không thể sống mà không có thu nhập. Em muốn anh tìm một công việc ổn định, nhưng trước hết vợ chồng mình nên chuyển về nhà bố mẹ em ở tạm để bớt chi phí thuê nhà” – Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thẳng thắn đề nghị anh một việc “trọng đại” như vậy.

Tất nhiên, với cá tính và cái tôi quá lớn của anh thì lời đề nghị của tôi chẳng khác gì trò đùa, anh cười nhạt: “Trông anh đáng thương đến thế sao? Bố mẹ em sẽ vui vẻ đón chào một thằng con rể đi... ở rể như anh à? Còn bố mẹ anh nữa, họ sẽ hể hả như thế nào nếu biết chuyện. Em còn không biết à, trong mắt họ, anh chỉ là thằng nghệ sỹ nửa mùa”.

Xưa nay, bố mẹ tôi luôn đánh giá cao những người đàn ông chất phác, giản dị nhưng phải thực tế, biết kiếm tiền, làm chỗ dựa vững chắc cho tôi chứ không hề chào đón một chàng rể lãng tử như anh.

Nhưng bây giờ bố mẹ tôi không trách móc, mà thương chúng tôi nhiều hơn. Nhiều lần tôi giấu anh, lén về nhà khóc lóc với mẹ. Chính bà là người gợi ý vợ chồng tôi chuyển về nhà ở tạm một thời gian. Nhưng làm sao xua tan được mặc cảm của chồng tôi, làm thế nào để anh đổi ý.

“Bây giờ, việc người khác nghĩ gì quan trọng hơn hay cuộc sống của chúng ta quan trọng hơn? Em chỉ muốn anh tham khảo ý kiến này thôi chứ không bắt anh quyết định ngay”, thấy thái độ gay gắt của anh, tôi đành “lùi một bước để tiến hai bước”, hy vọng mưa dầm thấm lâu.

Hôm sau tôi gọi điện cho mẹ, có ý nhờ bà mở lời khuyên chồng tôi, hy vọng “chiêu” này có tác dụng. Mẹ tôi đồng ý và còn hứa sẽ không nói với anh là tôi đã nhờ bà...

Đó là câu chuyện của 5 năm trước, bây giờ chúng tôi đang sống tại một căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp. Chồng tôi làm việc cho một cơ quan nhà nước, thu nhập không cao nhưng được cái ổn định.

Tôi không còn vẽ tranh nữa mà mở dịch vụ trang trí nhà cửa online, thu nhập không đều nhưng cũng khá, túc tắc vài năm nữa cũng sẽ trả góp đủ cho căn hộ giản dị này.

Nhà tôi không lúc nào ngớt tiếng cười đùa vui vẻ của cô con gái mới lên 3. Êm ả với cuộc sống hiện tại nhưng chúng tôi không thể nào quên khoảng thời gian “tá túc” tại nhà bố mẹ đẻ. Tuy không lâu nhưng cũng đủ để những người trẻ như chúng tôi bình tĩnh, suy xét và ổn định lại mọi việc.

Cuộc sống khó tránh khỏi những lúc khó khăn, nhưng tôi tự hào vì ngay cả lúc cùng cực nhất, tình yêu của chúng tôi vẫn vững vàng. Tôi đủ trưởng thành để hiểu, hạnh phúc không ở đâu xau, nó ở chính những điều mình đang có, ở chính nơi mình đang sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.