Cụ ông Canada chôn 42 xe buýt làm hầm trú ẩn hạt nhân

GD&TĐ - Công trình nằm dưới lòng đất của ông Bruce Beach rộng 930 m2, là một trong những hầm trú ẩn hạt nhân lớn nhất Canada.

Cụ ông Canada chôn 42 xe buýt làm hầm trú ẩn hạt nhân
Ông Bruce Beach trước cửa hầm trú hạt nhân Ark Two. Ảnh:/The Shelburne Freelancer

Ông Bruce Beach trước cửa hầm trú hạt nhân Ark Two.

Ông Beach, 83 tuổi, bắt đầu xây hầm trú ẩn có tên Ark Two từ năm 1980 sau khi chuyển từ Mỹ đến tỉnh Ontario, Canada, sinh sống. Nó nằm cách không xa ngôi nhà mà ông sống cùng vợ là bà Jean, một giáo viên về hưu, theo National Post.

Ark Two được tạo ra từ 42 chiếc xe buýt mà ông mua lại với giá 300 USD một chiếc. Chúng được phủ bê tông rồi chôn xuống đất dưới nhiều lớp đất dày.

Căn hầm rộng 930 m2, có hơn 50 phòng, trong đó có một cơ sở y tế, phòng khử phóng xạ, nhà xác, nhà nguyện, khu tập thể thao, thư viện, phòng giặt là, nhà trẻ, hiệu thuốc và thậm chí cả phòng răng.

Ông Beach nảy sinh ý tưởng trên vào thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh, khi tổng thống Mỹ John F. Kennedy khuyến cáo người dân trữ thực phẩm đóng hộp và tạo ra các hầm trú ẩn để tự bảo vệ trước nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân.

42 chiếc xe buýt được chôn dưới lòng đất tạo thành hầm trú hạt nhân Ark Two. Ảnh: Bruce Beach

42 chiếc xe buýt được chôn dưới lòng đất tạo thành hầm trú hạt nhân Ark Two.

Ông nhấn mạnh rằng khi công trình hoàn thành vào năm 1985, ông được biết đến ở địa phương như một nhà tiên tri về tận thế.

"Tôi không phải là nhà tiên tri tận thế vì tôi rất lạc quan về tương lai", ông nói.

Beach thừa nhận phần lớn mọi người, gồm cả người dân và giới chức, xem hành động của ông có chút điên rồ. "Mọi người nghĩ "đúng là một kẻ khùng" và tôi biết điều đó nhưng tôi không quan tâm. Tôi hiểu thế giới đang nhìn tôi theo cách đó", ông nói.

Beach từng gặp rắc rối từ chính quyền địa phương khi thực hiện dự án. Sau nhiều năm vất vả xin giấy phép xây dựng bất thành, ông trở nên nản chí và thi công nó bất chấp can ngăn. Điều này khiến ông nhiều lần bị tòa triệu tập và tốn hàng nghìn đôla chi phí kiện tụng.

Từ năm 2000, giới chức đã nhiều lần dọa phong tỏa hầm trú do lo ngại về an toàn. Họ đã hai lần niêm phong lối vào hầm nhưng ông Beach tiếp tục mở cửa công trình.

Sở cứu hỏa tuyên bố sẽ không giải cứu bất kỳ ai mắc kẹt bên trong hầm. "Chúng tôi sẽ không bất chấp tính mạng của một lính cứu hỏa nào. Nó không an toàn", Tom Egan, người đứng đầu đơn vị cứu hỏa, nói.

Một phòng bên trong hầm trú hạt nhân Ark Two. Ảnh:National Post

Một phòng bên trong hầm trú hạt nhân Ark Two.

Ông Beach vẫn duy trì công trình và tin rằng dự án này là một sứ mệnh vì cộng đồng.

"Tôi thường được hỏi tại sao không tận hưởng cuộc sống và ngừng lo lắng về ngày tận thế. Câu trả lời là mục đích của cuộc sống hay hạnh phúc đối với tôi không được đo đếm bằng số vòng golf tôi chơi mà là phục vụ mọi người", ông nói.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ