Tuy nhiên, hấp dẫn nhất có lẽ là cây cầu ở hẻm núi Schollenen, thung lũng sông Reuss, thuộc dãy núi Alps, gần với ngôi làng Andermatt, cách phía Bắc đèo St. Gotthard - Thụy Sĩ 12 km.
Schollenen là một con đường quan trọng và ngắn nhất nối với cái đèo kể trên. Thế nhưng, trong hàng thế kỷ, người dân địa phương phải đi lại rất chật vật, men theo những gờ đá lởm chởm và nhiều khi bị ngã xuống sông từ độ cao 23 mét.
Sau nhiều lần xây dựng bất thành, vào năm 1230 nhờ nỗ lực phi thường của cả cộng đồng, một cây cầu gỗ đã xuất hiện ở đây, có tên là Stiebender Steg và kéo dài đến tận thế kỷ 16, cho phép dân gian đi lại dễ dàng. Sau đó một cây cầu đá kiên cố để thay cho cây cầu gỗ. Cây cầu mới mang tên Teufelsbrucke, tức cầu quỷ, có hình cung, dài 25 mét, khánh thành năm 1587 và được dùng tới năm 1958 trước khi có một cây cầu bê tông dài hơn, to hơn với hai làn phía trên và có thể xuyên qua núi.
Công trình do con người làm song vì ý nghĩa thiêng liêng và lại đặt trong khung cảnh hùng vĩ, hắc hiểm nên nhiều người còn cho rằng, đây là một cây cầu có quỷ trợ giúp. Theo truyện kể của Johann Jakob Scheuchzer, một học giả người Zurich năm 1716, thì để làm nên cây cầu đá này, dân làng Andermatt đã phải nhờ đến quỷ.
Sau cả năm loay hoay không xây nổi nó, ai nấy đều chán nản và phải thốt lên chỉ có quỷ mới làm nổi. Vừa nhắc tới quỷ, thì hắn xuất hiện, và bảo mọi người rằng, hắn sẽ giúp họ làm một cây cầu ưng ý, song đổi lại họ phải trao cho hắn sinh mạng của kẻ đầu tiên bước qua cầu. Không còn cách nào khác nên dân làng đồng ý, và chỉ sau ba hôm, có nơi ghi là một đêm, cây cầu đá rất đẹp, đã hiện ra trên sông Reuss.
Mừng vui khôn xiết song mọi người cũng lo lắng vì nhớ tới lời cam kết. Cầu xây xong rồi, nhưng ai sẽ bước qua đây? Nghĩ mãi cuối cùng, họ quyết định sẽ đánh lừa quỷ, bằng cách vứt một mẩu bánh mỳ ra giữa cầu cho một con chó chạy theo nhặt lại và dĩ nhiên sẽ trở thành vật tế cho quỷ.
Cũng nội dung trên, nhưng theo truyện kể của nhà văn Đức và Thụy Sĩ Meinrad Lienert năm 1915, thì dân làng lại lừa quỷ bằng một con dê và ngăn hắn nhờ một cụ già đã dám xông lên làm dấu bằng một cây thánh giá lên tảng đá, biến nó thành một hòn lửa và khiến quỷ sợ hãi ném tảng đá đi.
Để nhớ huyền thoại này, ở trên một vách núi gần cầu, người ta đã vẽ một con quỷ và một con dê màu đỏ. Còn tảng đá ấy ngày nay được cho là khối đá granite Teufelsstein ở dưới chân núi, cạnh ngôi làng Goschenen. Khối đá cao đến 12 mét, nặng 220 tấn nằm trên một con đường đông đúc.
Dù chỉ dựa vào huyền thoại, song vào năm 1944, chính phủ Thụy Sĩ đã cho phát hành một đồng xu kỷ niệm, trên đó in hình một con quỷ cầm một viên đá là tảng đá Teufelsstein để ca ngợi cây cầu Teufelsbrucke.