Đây là tháng có doanh số bán thấp kỷ lục trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay.
Điều này không chỉ xảy ra với các thành viên thuộc VAMA mà với các doanh nghiệp khác, doanh số bán hàng tháng 8 cũng sụt giảm. Ví dụ, TC Motor chỉ đạt 2.182 xe giảm 54% so với tháng 7/2021 và hơn 60% so với tháng 8/2020; VinFast đạt 2.310 xe, giảm mạnh so với 3.782 xe của tháng 7/2021.
Một số liệu khác của Bộ Công Thương, VAMA và Tổng cục Hải quan vào cuối tháng 7/2021 cho thấy, các doanh nghiệp đang tồn kho hơn 40.000 ô tô. Hết tháng 8, lượng tồn kho ước tính vượt trên 50.000 xe các loại. Các doanh nghiệp ô tô tình trạng thừa cung, tồn kho cao và mất thanh khoản.
Lý do là bởi từ cuối tháng 4 - 8/2021, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid, nhiều nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất. Với những doanh nghiệp còn hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn, lượng xe tồn kho rất lớn.
Nhưng rồi chỉ vài tháng sau, cục diện thị trường đã thay đổi “chóng mặt”. Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô trong nước đã tăng tới 120% so với tháng 9, dù vẫn thấp hơn 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là con số đặc biệt ấn tượng. VAMA nhận định rằng, diễn biến tích cực này đã được dự đoán từ trước bởi hai yếu tố là dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế, hoạt động của các đại lý ô tô trên toàn quốc dần khôi phục... Yếu tố nữa là bởi những thông tin về phí trước bạ sẽ được giảm 50% từ ngày 12/11 với xe lắp ráp, sản xuất trong nước.
Dù thời điểm đó, việc giảm thuế trước bạ chưa được thực hiện nhưng đây là yếu tố rất quan trọng kích cầu thị trường thông qua việc người tiêu dùng đặt cọc, chờ thời điểm chính thức áp dụng mới nhận xe.
Nhận định này là hoàn toàn chính xác khi đến đầu tháng 12, chỉ riêng trong ngày mùng 1, lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đi đăng ký, nộp thuế trước bạ lên tới 11.286 xe, gấp gần 10 lần so với những ngày cuối tháng 11.2021.
Đây có thể coi là “một mũi tên trúng hai đích” khi chính sách giảm thuế một mặt vừa kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, mở rộng đầu tư, vừa tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, góp phần bảo đảm các cân đối vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thực tế, ở nước ta nền công nghiệp ô tô mới đang ở giai đoạn đầu nhưng đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội như nộp ngân sách, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đây còn là cơ hội để chuyển giao công nghệ, thúc đẩy công nghệ chế tạo cơ khí, công nghệ tin học tự động hóa, công nghệ vật liệu cũng như các ngành công nghệ phụ trợ khác phát triển.
Vậy nhưng, thực tế, việc phát triển ngành công nghiệp ô tô vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân từ các chính sách ưu đãi chưa thực sự hiệu quả và chưa đủ mạnh, dẫn đến sản lượng thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Bởi vậy, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay mà thời gian tới, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hấp dẫn hơn nữa để giúp ngành công nghiệp ô tô phát triển, ví dụ như việc giảm thuế trước bạ vừa được áp dụng.