Hội giảng năm 2018 được kỳ vọng là một hoạt động chuyên môn đỉnh cao, tạo “cú hích” nâng cao chất lương đội ngũ nhà giáo, góp phần nâng cao chất lương đào tạo; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, khuyến khích, động viên nhà giáo học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ. Đặc biệt là khuyến khích nhà giáo phấn đấu có đủ năng lực dạy học tích hợp,áp dụng nhuần nhuyễn phương pháp, kỹ năng giảng dạy theo năng lực thực hiện, đáp ứng yêu cầu đào tạo theo năng lực thực hiện.
So với các Hội giảng trước, Hội giảng lần này có những bước phát triển đáng kể về quy mô lẫn chuyên môn, cụ thể: Về quy mô, hiện có 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký tham gia Hội giảng. Số giáo viên có bài giảng là 370, thuộc 90 nghề, đang giảng dạy tại hàng trăm cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Quy mô giáo viên, giảng viên và cơ cấu bài giảng tham gia Hội giảng lần này cho thấy đội ngũ nhà giáo đã có những bước chuyển biến tích cực về số lượng, cơ cấu, chất lượng;
Về ngành nghề, hội giảng năm 2018 đề cập và mở rộng đến hầu hết các nghề, nhóm nghề như: Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật Hàn; Quản lý kinh doanh - Kế toán - Tài chính; Nông, lâm nghiệp và Thủy sản; Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng; Động lực; Công nghệ Ô tô; Điều dưỡng - Hộ sinh; May và Thiết kế thời trang... Về nội dung,giáo viên, giảng viên tham gia Hội giảng thực hiện bài giảng được lựa chọn trong chương trình đang giảng dạy thuộc các môn kỹ thuật cơ sở nghề, lý thuyết chuyên môn nghề và thực hành nghề... được các tỉnh, thành phố lựa chọn và đăng ký với Ban tổ chức Hội giảng.
Hội giảng 2018 sẽ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong thi đua dạy tốt ở các cấp, là một hoạt động có tính chuyên môn sâu sắc, có tính phong trào rộng khắp nhằm tiếp tục đánh giá và phân loại năng lực giảng dạy của nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn đánh giá bài giảng.
Thông qua Hội giảng lần này, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên nòng cốt cho phong trào thi đua dạy tốt, cũng như tìm ra những điểm yếu còn tồn tại trong đội ngũ để hoàn thiện hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 ở cả 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng của doanh nghiệp và thị trường lao động, thích ứng linh hoạt với nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0.