Cụ già tuổi bách niên vẫn nặng tình với giáo dục

GD&TĐ - Cụ Nguyễn Thìn Xuân, 97 tuổi, được biết đến là người hết lòng cống hiến cho sự nghiệp xóa mù chữ, góp phần cho sự phát triển giáo dục của nước nhà.

Cụ Nguyễn Thìn Xuân có gia tài quý là những bài báo viết về Bình dân học vụ, về công tác khuyến học và xóa mù chữ
Cụ Nguyễn Thìn Xuân có gia tài quý là những bài báo viết về Bình dân học vụ, về công tác khuyến học và xóa mù chữ

Nhớ về một thời bình dân học vụ

Gần cả cuộc đời xung kích trên mặt trận “Diệt giặc dốt”, lăn lộn với phong trào xóa nạn mù chữ, nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy hiệu. Đến nay, dù đã ở tuổi "bách thập niên giai lão" nhưng những kí ức và xúc cảm về một thời sôi nổi của phong trào diệt giặc dốt với cụ Xuân vẫn còn nguyên vẹn.

Cụ Nguyễn Thìn Xuân minh mẫn kể lại những dấu mốc lịch sử: Ngày 2/9/1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, cùng lúc đối mặt với nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm. Thống kê thời kỳ đó, trong 100 người thì có 3 trẻ em từ 8 đến 16 tuổi đi học và 2 người lớn biết chữ, còn 95 người thất học. Có những làng không một người nào biết chữ.

Trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu việc cấp bách, chống nạn mù chữ xếp thứ hai, chỉ sau nạn đói. Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành liền ba sắc lệnh số 17, 19 và 20, thành lập Nha Bình dân học vụ nằm trong Bộ Quốc gia Giáo dục, hạn trong 6 tháng làng và thị trấn nào cũng phải có "ít ra là một lớp bình dân" và cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc.

Một ngày sau khi thành lập, để xác định cách tổ chức và hoạt động cho phong trào, Nha Bình dân học vụ liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện ở Hà Nội và các miền. Giáo viên bình dân học vụ thuộc đủ các giới, lứa tuổi, hễ biết chữ là tham gia. Họ dạy học, dựng trường, tạo lớp, tìm kiếm học phẩm, cổ động học viên. Có lớp có giáo viên, nhưng có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em.

Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành tiếng, chữ cái, vần được tạo thành câu thơ lục bát, so sánh để dễ nhớ: I, tờ ( i, t) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu.

Một lớp bình dân học vụ năm 1945. Ảnh tư liệu

Một lớp bình dân học vụ năm 1945. Ảnh tư liệu

Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên; phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy; còn mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu. Bàn không có, người ta còn úp ngược thúng lên làm bàn học. Vở ghi không có, người dân rải cát ra sân, cầm que tập viết chữ, viết xong rồi xóa lại học viết chữ khác.

Lúc bấy giờ Hà Nội có phong trào cứ đến tối thứ 2, thứ 5 thì tất cả các cơ quan phải đi học, từng cơ quan trung ương phải thành lập Ban học tập. Bộ trưởng là trưởng ban học tập, thứ trưởng là tổ trưởng đứng ra kêu gọi tất cả mọi người đi học. Từ tối thứ 2 đến tối thứ 5, tất cả mọi người đều thắp đèn đi học, thành phong trào. Khách nước ngoài đến thăm thích nhất là phong trào ấy.

Cụ Xuân nhớ rõ một kỷ niệm vui mà nhiều người vẫn truyền cho nhau nghe. Có lần, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đi xem tình hình các lớp bình dân học vụ. Người của đội kiểm tra không biết bộ trưởng, kiên quyết giữ ông lại hỏi xem thuộc chữ hay chưa. Cần vụ định nhắc nhở người thanh niên kia, nhưng Bộ trưởng chỉ cười ngăn lại, trả lời trôi chảy rồi mới đi qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm cụ Nguyễn Thìn Xuân tại nhà riêng

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm cụ Nguyễn Thìn Xuân tại nhà riêng

Nặng tình với sự nghiệp giáo dục

Sinh năm 1926 tại xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), cụ Nguyễn Thìn Xuân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Thanh Hóa năm 1945. Cuối năm 1945, cụ ra Hà Nội công tác tại Nha Bình dân học vụ, phụ trách việc học tập ở các cơ quan trung ương.

Nặng lòng với sự nghiệp “trồng người”, đến khi đã nghỉ hưu, cụ Nguyễn Thìn Xuân vẫn tiếp tục xông pha trong "cuộc chiến" thanh toán nạn thất học, tự nguyện làm điểm tựa tinh thần cho Câu lạc bộ UNESCO Chiến sĩ diệt dốt và học tập cộng đồng Nguyễn Văn Tố hoạt động hiệu quả.

Câu lạc bộ đã tập hợp những người từng tham gia công việc truyền bá quốc ngữ, dạy các lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hóa từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay để phổ biến kinh nghiệm dạy học, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và ngành Giáo dục xóa nạn mù chữ, chống nạn thất học và nâng cao dân trí.

Hơn 200 hội viên đều thuộc lứa tuổi “xưa nay hiếm” nhưng đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa như tham gia đóng góp vào văn kiện Nghị quyết Đại Đảng, tổ chức cuộc hội thảo “Điều tâm huyết đối với giáo dục người lớn”. CLB đã góp tiếng nói quan trọng trong việc kiến nghị, đề xuất với Chính phủ cho ra đời Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn.

Dù ở tuổi 97, cụ Xuân vẫn có thể dùng máy tính để đọc báo

Dù ở tuổi 97, cụ Xuân vẫn có thể dùng máy tính để đọc báo

Hiện tại, cụ Xuân đang sống cùng gia đình người con trai tại phố Cự Lộc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Mặc dù đôi bàn tay lúc nào cũng run cầm cập do ảnh hưởng của bệnh parkinson, nhưng mỗi khi rảnh rỗi, cụ vẫn sử dụng máy vi tính để vào mạng internet cập nhật tin tức thời sự và viết bài cho các báo.

Cụ Xuân cho biết, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, chỉ cần “nhấp chuột” thì cả thế giới hiện ra trên màn hình máy vi tính. Tuy nhiên, việc chống giặc dốt vẫn chưa bao giờ hết tính thời sự, vai trò của các “Chiến sĩ diệt dốt” năm xưa vẫn luôn được trân trọng. Bởi xã hội càng hiện đại, văn minh, mọi người càng cần phải có nhiều kiến thức.

Cụ Xuân bộc bạch: "Cuối đời, tôi chẳng có gì của nả gì đáng kể để lại cho con cháu ngoài cái tâm luôn trong sáng. Lăn lộn với phong trào truyền bá quốc ngữ, bình dân học vụ, tôi chỉ có mấy “bồ chữ” phổ thông “a-bờ-cờ” và “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu” để làm kỉ niệm lúc về già, nhưng nỗi lòng với sự nghiệp giáo dục thì chưa bao giờ vơi cạn.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đến thăm cụ Nguyễn Thìn Xuân tại nhà riêng. Bộ trưởng gửi lời chúc mừng sức khỏe của cụ Xuân, mong cụ luôn khỏe mạnh để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.