Đợi nắng hanh. Đợi củ cải ta vào vụ. Đợi ngày cuối tuần đông đủ… Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.
Nhưng anh thì đi học quân sự ở xa còn nó phải tới lớp học thêm nên cuối cùng chủ đạo vẫn chỉ là bố mẹ còng lưng nạo, phơi. Công việc được triển khai ngay sau bữa sáng vì mẹ bảo cần nhanh tay để tranh thủ nắng.
Giống này ngày đầu không kịp ráo 80% nước ngậm sẵn sẽ dễ bị mốc, thành công cốc cho mà xem! Đấy là kinh nghiệm mẹ đúc rút từ mấy năm trước, mà đã có lần gặp mưa, củ cải chưa kịp ráo nên mốc đen, phải đổ đi cả rổ làm mẹ tiếc công mãi.
Đúng là, việc chi tiền để mua mấy chục cân củ cải tươi chỉ trong “nốt nhạc” nhưng cái công của người làm thì chẳng thể đo đếm được.
Sau vài giờ để mặc đôi tay ửng đỏ, xót rấm rứt do da dị ứng với nước từ củ cải thấm vào, bố mẹ lại đội nắng trên mái tôn rồi cần mẫn rải đều vào tấm lưới ông ngoại sắm cho từ dịp Hè năm trước.
Cực nhọc nhất là lúc nắng đỉnh đầu rồi xiên khoai về chiều, mái tôn nóng hầm hập thì mẹ ở đó cả tiếng để lật, tách từng sợi. Chẳng là, cái giống này mà để lớp chồng lớp là nước vẫn ướt rình rình cả ngày rồi chuyển sang màu vàng. Mà mẹ thì lúc nào cũng muốn sản phẩm cuối cùng thu được phải trắng ngà…
Anh em nó thì chỉ biết nhúm chút củ cải khô thành phẩm cho vào nước ngâm nở bung rồi xào với thịt bò. Những tiếng nhai giòn làm lòng chúng rộn ràng, sung sướng để không quên nhắc năm sau bố mẹ tiếp tục phơi củ cải.
Mẹ lắc đầu kêu giờ sức khỏe yếu, chân đau không leo trèo được nữa. Bố vẫn xung phong, để đó bố lo tất vì cho rằng bọn chúng chưa hiểu hết về món ăn truyền thống rất hấp dẫn này.
Nhưng nó biết, mẹ cứ nói vậy chứ nếu trông thấy đám củ cải vừa nạo phơi trên mái bố không tãi đều là mẹ lại lao ra nắng mà hí húi, song vẫn không quên than: “Năm sau không bao giờ phơi nữa!”…