Covid-19 - “Con mèo” chạy qua xung đột Mỹ - Trung

Covid-19 - “Con mèo” chạy qua xung đột Mỹ - Trung

Làm thế nào người Mỹ có thể chứng minh được những gì đang làm khuynh đảo thế giới là do Trung Quốc chứ không phải từ tự nhiên?

Chuẩn bị kiện

Theo các nguồn tin, vào thời điểm này, hai công ty luật có ảnh hưởng của Hoa Kỳ (nói cách khác, một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp) đã kiện chính phủ Trung Quốc, cáo buộc họ cố tình che giấu Coronavirus trong giai đoạn đầu của dịch. Kết quả là, theo logic của họ, các công ty Hoa Kỳ tham gia vào các hoạt động ngoại thương đã chịu tổn thất đáng kể và như vậy, phải được bồi thường.

Tổng số tiền khiếu kiện đang trong quá trình “tính toán ban đầu”, tuy nhiên, theo các chuyên gia, hàng nghìn tỷ USD không phải là con số đáng ngạc nhiên.

Nếu thành công, tòa án có thể tịch thu tài sản của các công ty nhà nước Trung Quốc tại Hoa Kỳ, và như vậy sẽ gây ra bê bối chính trị lớn, khó lường.

Theo các chuyên gia, song song với việc khởi kiện, ý tưởng một cuộc điều tra quốc tế về các tình huống mà dịch bệnh bắt đầu lây lan sẽ được thực hiện. Điều này được tuyên bố công khai ở Capitol Hill (Quốc hội Mỹ) khiến Trung Quốc nổi giận.

Tương lai nào cho quan hệ Mỹ - Trung?

Theo các nhà phân tích, nếu những động thái mới nhất của Nhà Trắng xung quanh câu chuyện nguồn gốc của Covid-19 chỉ nhằm mục đích lấy lòng cử tri Mỹ thì tất cả sẽ dừng lại ở một cuộc chiến truyền thông. Trung Quốc cũng nêu lên quan điểm chính thức: Người bị nhiễm đầu tiên được xác định là một phụ nữ bán tôm ở một khu chợ ở Vũ Hán. Vài chục người bị nhiễm, được xác định sau đó có liên hệ với chợ hải sản bằng cách này hay cách khác, ngoại trừ một người không có liên hệ với khu chợ.

Đồng thời, các nhà ngoại giao, nhà chức trách, bác sĩ và nhà báo Trung Quốc thường xuyên đưa tin virus có nguồn gốc từ Mỹ. Trên Twitter của mình, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: “Có thể chính quân đội Mỹ mang virus đến Vũ Hán”.

Lucas - Copmton, một trong những công ty từng phục vụ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump cũng tham gia vụ kiện (sự trùng hợp này giống như tiếp nối những chiến thuật của chiến dịch bầu cử) tuyên bố: Bắc Kinh phải đền bù cho nền kinh tế Mỹ. Vụ kiện vẫn chưa được Tổng thống Mỹ lên tiếng trực tiếp, nhưng tất cả đều hướng tới điều này. Đây là phong cách của ông Donald Trump theo logic, hùng biện và cách kinh doanh của ông. Ở đâu đó thường nghe thấy những cụm từ, đại loại: “Châu Âu phải trả tiền để bảo vệ an ninh của mình”, “Mexico phải trả tiền cho việc xây dựng bức tường biên giới”, “Venezuela phải trả tiền cho mọi thứ”…

Những quyết định của ông Donald Trump thường được đưa ra đúng thời điểm và không xa rời ý tưởng ban đầu (gọi là virus Trung Quốc). Đôi khi nó kết thúc thành công (như trường hợp của châu Âu). Đôi khi đơn giản là nó không thể kết thúc thành công (như trường hợp của Mexico), nhưng một tỷ phú từ thị trường bất động sản tàn nhẫn vẫn khiến nó trở thành chủ đề của các cuộc đàm phán giữa các quốc gia.

Trong trường hợp với Trung Quốc, ông Donald Trump cũng có thể đi đến cùng sự việc.

Covid-19 - “Con mèo” chạy qua xung đột Mỹ - Trung ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm tâm dịch Vũ Hán. Ảnh: Tribun Manado

Thứ nhất, ông Donald Trump là một chính trị gia mạnh mẽ. Ông luôn coi Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với lợi ích kinh tế của Mỹ và là đối thủ nguy hiểm cần phải chiến đấu ngay bây giờ.

Thứ hai, khẩu hiệu “Hãy để người Trung Quốc trả tiền” khiến các cử tri vô cùng thích thú. Mà không riêng cử tri, các ứng cử viên của Thượng viện và Hạ viện từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều giương cao khẩu hiệu này trong các chiến dịch bầu cử của họ. Kết quả là, nó sẽ trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Điều đáng chú ý là một trong những vị trí hàng đầu của Công ty Luật Berman Law Group được nắm giữ bởi Francis Biden - anh trai của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và là đối thủ chính của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Đây có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc là một bất ngờ khó chịu đối với Bắc Kinh vì từ lâu lãnh đạo Trung Quốc đã có mối quan hệ tốt với Biden, người được Trung Quốc coi là “ứng cử viên của mình”.

Cuối cùng, ông Donald Trump chỉ đơn giản là vạch trần Trung Quốc - được coi là thủ phạm chính của những rắc rối xảy ra với Hoa Kỳ. Đất nước này đã chiếm vị trí đứng đầu thế giới về số người nhiễm dịch Covid-19 và hậu quả của nó là hơn ba triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã được công dân Mỹ đệ lên chính quyền (đỉnh cao trước đó xảy ra hàng chục năm trước, nhưng không đạt tới 1 triệu đơn).

Tuy nhiên, nếu Mỹ thực sự muốn kiện Trung Quốc thì đây là câu chuyện lớn với những hậu quả khó lường.

Cứu vãn nền kinh tế

Có một giả thuyết khác, phiên bản tiếng Ý cũng “đồng lõa” với Mỹ. Cụ thể, Giáo sư Giuseppe Remuzzi, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Dược lý Ý đã tuyên bố rằng sự bùng phát của Covid-19 tại nước này bắt đầu vào tháng 11 và 12/2019, nhiều trường hợp viêm phổi đã được thông báo ở Ý. Chưa ai biết về Coronavirus nên không thể xác nhận rằng những người bị nhiễm đã được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, Giáo sư Giuseppe Remuzzi đã đưa ra một lời giải thích rằng, ông đã nghĩ đến một thứ hoàn toàn khác: Virus đã được mang đến Ý từ Trung Quốc vào năm ngoái. Trên thực tế, vị giáo sư này cũng cùng quan điểm với Công tố viên Mỹ rằng Bắc Kinh không cảnh báo cộng đồng quốc tế về mối đe dọa này.

Nghiêm trọng hơn, Mỹ có thể cáo buộc Trung Quốc rằng Coronavirus là do con người tạo ra. Cụ thể, Viện Nghiên cứu Công nghệ cao nằm gần Vũ Hán đã để lọt virus ra ngoài. Đây cũng chỉ là giả thuyết bởi không ít các nhà khoa học Mỹ khẳng định không thể tạo ra Coronavirus trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, Mỹ có những cách hành xử rất nguy hiểm với cộng đồng quốc tế. Chỉ cần tòa án Mỹ kết tội một công dân hay các tổ chức nước ngoài, thậm chí cả một quốc gia là họ tiến hành phong tỏa tài sản. Nguy hiểm hơn cả là vũ khí cấm vận, trừng phạt kinh tế thường được Washington đem ra vận dụng.

Vụ kiện trị giá nghìn tỷ USD không phải là giọt nước mà là đại dương. Theo nhiều nguồn tin, số tiền đền bù trị giá 6.000 tỷ USD (theo dự kiến) đủ để ông Donald Trump chi trả cho kế hoạch cứu nền kinh tế Mỹ. Theo đó, mỗi công dân của đất nước sẽ nhận được 1.200 USD cho nhu cầu cá nhân, nửa tỷ USD sẽ đến các tập đoàn, 350 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và bốn nghìn tỷ khác là số tiền mà Cục Dự trữ Liên bang sẽ mua nợ xấu của các công ty Mỹ.

Nếu Washington quyết định theo hướng này, thế giới sẽ được chứng kiến một tập mới trong bộ phim dài tập về căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.