Đột phá từ chính sách tiền lương
Luật Nhà giáo mới được Quốc hội thông qua (sáng 16/6). Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, với nhiều quy định ưu đãi về lương, phụ cấp, nhà ở và trao quyền chủ động tuyển dụng cho ngành giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận, lương thưởng luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Đối với ngành Giáo dục, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đến từ việc lương thấp so với khối lượng và áp lực công việc được giao.
“Tình trạng này có hai biểu hiện: Thứ nhất là khó tuyển dụng mới. Thứ hai là "chảy máu chất xám" – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích và nhận thấy, nhiều người đang là giáo viên nhưng thấy ngành nghề khác có thu nhập cao, áp lực ít hơn nên họ chuyển việc. Điều này khiến việc thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng.
Thậm chí, nhiều địa phương dù có chỉ tiêu tuyển dụng, nguồn sinh viên sư phạm tốt nghiệp dồi dào nhưng vẫn không tuyển được người, đặc biệt ở bậc mầm non vì hồ sơ ứng tuyển quá ít.
Vì vậy, việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp là chính sách rất quan trọng nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Cho rằng, chất lượng giáo dục được quyết định bởi đội ngũ nhà giáo, đại biểu đoàn TP Hải Phòng nhấn mạnh, nếu lương thấp, chúng ta rất khó thu hút được người tài vào ngành, đặc biệt là ở khối các trường sư phạm.
Nếu lương giáo viên thấp, học sinh giỏi sẽ không mặn mà với ngành Sư phạm. Khi không thu hút được người giỏi, chúng ta không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục.
Ngược lại, khi lương giáo viên cao nhất sẽ là chính sách đột phá để thu hút học sinh xuất sắc vào các trường sư phạm. Giống như khối ngành y, vì có sự quan tâm lớn của xã hội nên điểm chuẩn luôn cao; từ đó sàng lọc được những người giỏi nhất.
“Đầu vào tốt, mới có đầu ra tốt, khi đó sẽ có đội ngũ giáo viên tốt” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói và cho rằng, khi giải quyết được bài toán thiếu giáo viên, quy mô lớp học sẽ không “phình to”. Một giáo viên dạy lớp 45 học sinh chắc chắn chất lượng sẽ tốt hơn dạy một lớp 60 học sinh.
Vì vậy, khi cải thiện lương cho giáo viên sẽ đạt được hai mục tiêu: giữ chân được những người có năng lực ở lại ngành Giáo dục và thu hút được nhân tài mới. Khi vừa thu hút được sinh viên giỏi, vừa giữ chân được người tài trong ngành, chắc chắn chất lượng giáo dục đào tạo của chúng ta sẽ được nâng lên
“Tôi muốn nhấn mạnh đến "những người có năng lực", bởi những người này có nhiều cơ hội việc làm. Nếu thấy lương giáo viên thấp, họ hoàn toàn có thể chuyển sang ngành khác có chế độ ưu đãi hấp dẫn hơn” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu thực trạng.

Nâng cao vị thế nhà giáo
Thời gian qua, có những hình ảnh rất đáng suy nghĩ khi lương thầy, cô giáo không đủ sống, phải đi làm thêm đủ nghề, kể cả bán hàng online, shipper, hay những công việc chân tay khác không liên quan đến chuyên môn. Vô hình trung ảnh hưởng đến vị thế của người thầy trong mắt phụ huynh và học sinh.
Với chế độ tiền lương được cải cách, đời sống giáo viên được đảm bảo, họ có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp "trồng người". Theo đó, vị thế của người thầy trong xã hội cũng được nâng lên.
Hiện, Luật Nhà giáo có nhiều quy định về vị thế, nguyên tắc ứng xử đối với nhà giáo. Đây là những điều kiện quan trọng để bảo vệ và nâng cao vai trò của các thầy, cô giáo. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, để bảo vệ được uy tín và danh dự của mình, sự tự bảo vệ của chính nhà giáo luôn là quan trọng nhất.
Thực tế vẫn có những trường hợp cá biệt, nhưng không hiếm là: nhà giáo không tự bảo vệ được danh dự, nhân phẩm của mình, làm xấu đi hình ảnh người thầy trong mắt xã hội.
Dẫn ví dụ, đại biểu chia sẻ, các vụ việc giáo viên bạo hành học sinh, có lời nói, cử chỉ không chuẩn mực, hay những vụ việc rất đáng tiếc liên quan đến đạo đức như: thầy, giáo dâm ô học sinh, hiệu trưởng bớt xén suất ăn của trẻ…
Vì vậy, bên cạnh các quyền lợi, Luật Nhà giáo cũng quy định nghĩa vụ của nhà giáo. Theo đó, nhà giáo phải không ngừng trau dồi đạo đức, nhân phẩm, lối sống; phải tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực.
“Đó là hai mặt của một vấn đề: một mặt là xã hội ứng xử với nhà giáo thế nào, mặt khác là bản thân nhà giáo phải có trách nhiệm với chính danh dự và uy tín nghề nghiệp của mình” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tăng lương không chỉ có giá trị vật chất mà còn góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của người thầy trong xã hội. Việc tăng lương dù là vấn đề vật chất, nhưng lại mang giá trị tinh thần to lớn. Điều đó thể hiện ghi nhận của xã hội đối với vị trí, vai trò của nhà giáo.