Cột trụ… lửng lơ của đền Veerabhadra

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chính giữa đền Veerabhadra ở Lepakshi, Andhra Pradesh, Ấn Độ là cây cột thách thức trọng lực làm các nhà sử học và kiến trúc sư vô cùng bối rối.

Đền Veerabhadra kỳ bí và lộng lẫy mọi góc độ. Ảnh: Bhagyashritravels.com
Đền Veerabhadra kỳ bí và lộng lẫy mọi góc độ. Ảnh: Bhagyashritravels.com

Dù không chạm đất, nó vẫn không rơi và mỗi ngày một thu hút nhiều du khách đến thăm hơn.

Đền cổ thú vị

Veerabhadra là ngôi đền của tín ngưỡng Hindu, thờ thần Virabhadra, hóa thân thịnh nộ của thần Shiva. Nó nằm ở phía Nam của thị trấn Lepakshi, trên một ngọn đồi thấp và được xây dựng từ năm 1530 bởi 2 anh em kiến trúc sư Virupanna Nayaka và Viranna.

Phong cách kiến trúc mà anh em Virupanna Nayaka và Viranna lựa chọn cho Veerabhadra là Vijayanagara, với cấu trúc đặc trưng gồm 3 phần chính là sảnh trước, hội trường và đền thờ. Toàn bộ Veerabhadra có tường bao quanh và 3 cổng vào, cổng chính nằm ở phía Bắc.

Từ cổng chính, tín đồ và du khách được dẫn tới sảnh trước có bức bích họa trần lớn nhất châu Á, kích thước 7 x 4m. Nó miêu tả 14 hóa thân khác nhau của thần Shiva như Yogadakshinamurti, Chandes Anugraha Murthy, Bhikshatana…

Ngay sau sảnh trước là hội trường rộng rãi với những hàng cột cao, to, mỗi cột đều được khắc, vẽ kín đặc. Hầu hết điêu khắc và tranh vẽ là hình dáng các vị thần, nhạc công, chiến binh, vũ nữ…

Trần của hội trường cũng được vẽ tranh toàn bộ, đa số mô tả các cảnh có trong sử thi “Mahabharata”, “Ramayana”, “Purana” và một số là ký họa cuộc đời những người có công với ngôi đền.

Tranh trần Veerabhadra được đánh giá là hiện thân của hội họa Vijayanagara, sử dụng các màu tự nhiên (làm từ thực vật, đất màu như đất son, đất vàng…) vẽ lên lớp vôi vữa trát tường, bố cục của tranh rất rõ ràng, trang phục và nét mặt của nhân vật được thể hiện cực kỳ sắc nét.

Nhìn toàn cảnh, hội trường Veerabhadra giống như lễ đường kết hôn, được thiết kế với mục đích tái dựng cảnh lễ cưới giữa thần Shiva và thần Parvathi. Tuy nhiên, hội trường này chưa được xây dựng hoàn thiện, vì anh em Virupanna Nayaka và Viranna phạm tội tham ô và bị trừng phạt.

Trên bức tường đối diện với hội trường có 2 lỗ như con mắt với sơn đỏ như máu chảy xuống. Người ta nói rằng, chúng tượng trưng cho việc 2 anh em Virupanna Nayaka và Viranna bị móc mắt, nhắc nhở thế gian đừng bao giờ phạm tội tham lam.

Nối tiếp hội trường là quần thể đền thờ với đền chính thờ thần Virabhadra và các đền phụ, căn phòng riêng biệt… thờ các thần khác có liên quan. Bên trong đền chính là tượng thần Virabhadra có kích thước tương đương với miêu tả trong thần thoại (cấm chụp hình). Từng milimet của đền chính cũng như các kiến trúc xung quanh đều được chạm khắc, vẽ tranh tỉ mỉ.

Trên sân đền Veerabhadra có tượng con bò đực, vật cưỡi của thần Shiva được tạc từ đá granit nguyên khối khổng lồ. Nó hướng mặt về tượng linga (hình ảnh trừu tượng đại diện của thần Shiva) được che chắn dưới hình điêu khắc rắn 7 đầu nằm phía sau đền chính.

Cây cột chân không chạm đất trong đền Veerabhadra. Ảnh: Ancient-origins.net

Cây cột chân không chạm đất trong đền Veerabhadra. Ảnh: Ancient-origins.net

Cây cột… lửng lơ

Đền Veerabhadra có tổng cộng 70 cột đá và trong số này, có một cột trở thành kỳ quan kiến trúc toàn cầu. Nó ở ngay trước đền chính, nằm phía bên trái và nếu không biết thông tin từ trước, du khách rất dễ bỏ qua, vì bề ngoài của nó cũng tương tự như các cây cột khác.

Điều làm nên sự nổi tiếng của cây cột này là chân không chạm đất, có thể dùng mảnh vải hay tờ giấy lùa qua lùa lại dễ như chơi. Mặc dù bị hẫng, nó vẫn vững vàng bất chấp thời gian và khiến các nhà sử học, kiến trúc sư vừa ngạc nhiên vừa lúng túng, không hiểu tại sao.

Trong số các nỗ lực lý giải về sự hiện diện của “cây cột lửng lơ” đền Veerabhadra, có 2 giả thuyết nổi bật. Giả thuyết thứ nhất cho rằng, nó là lỗi kiến trúc. Trong khi xây dựng, anh em Virupanna Nayaka và Viranna đã đo đạc không chính xác 1 cây cột. Thành ra, khi dựng lên, nó bị hẫng chân. Giả thuyết thứ 2 là ngay từ đầu, cây cột này đã được thiết kế không chạm đất với mục đích thể hiện tài năng, kỹ thuật kiến trúc không ai bì.

Bên cạnh 2 giả thuyết này là 2 truyền thuyết địa phương đậm chất huyền hoặc. Truyền thuyết thứ nhất khẳng định, “cây cột lửng lơ” là tác phẩm của các vị thần. Họ tạo ra nó để chứng tỏ sức mạnh thần thánh ở trần giới.

Du khách được phép lùa khăn qua lại dưới chân cây cột lửng lơ để kiểm chứng. Ảnh: Amusingplanet.com

Du khách được phép lùa khăn qua lại dưới chân cây cột lửng lơ để kiểm chứng. Ảnh: Amusingplanet.com

Truyền thuyết thứ 2 thì kể rằng, vào thời Ấn Độ thuộc Anh, một kỹ sư nước thuộc địa đã thử lay cây cột này để xem cái giữ nó lửng lơ là gì. Tuy nhiên, ngay khi anh ta chạm tay vào, toàn bộ ngôi đền đã rung chuyển và vì quá sợ hãi, người này bỏ chạy ngay lập tức.

Cho đến nay, “cây cột lửng lơ” đền Veerabhadra vẫn là sự bí ẩn và thách thức vật lý lớn. Nhiều du khách ghé thăm Veerabhadra chỉ vì muốn tận mục sở thị cây cột khác thường này và tự tay lùa tờ giấy hay tấm vải qua.

Veerabhadra yêu cầu du khách và tín đồ để giày dép bên ngoài trước khi bước vào bên trong. Nếu đến đây tham quan, bạn đừng bao giờ quên mang theo tất dày, vì nền đá rất nóng do thời tiết ở Andhra Pradesh thường bức bối. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo thức ăn và nước uống, vì khuôn viên đền rất rộng, cần nhiều thời gian mới thăm thú hết.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ